Đình làng Phong Lệ Bắc (nay nằm trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) có “xuất thân” khác với các đình làng còn lại trên vùng đất Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ngay cả việc hình thành ngôi làng này cũng là một sự lạ.
Hoành phi “Phong đình kế tự” ở gian giữa đình Phong Lệ Bắc (ảnh trái) và miếu Ông Cọp thờ vọng bên đình để lưu dấu tích xưa. Ảnh: V.T.L |
Sự hình thành làng Phong Lệ đã được nhiều tác giả đề cập, như nhà nghiên cứu Tăng Chánh Tín với bài “Văn hóa dòng họ ở Đà Nẵng - nghiên cứu trường hợp dòng họ Ông thuộc làng Phong Lệ” đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 455, tháng 3-2021.
Sông chia làng thành hai
Theo tạp chí nói trên, làng Phong Lệ ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIV, ban đầu nằm trong một địa phận rộng lớn có tên làng Đà Sơn (nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) do phò mã vua Trần là ông Phan Công Thiên thành lập. Năm 1404, con trai ông là Phan Công Nhâm đổi tên các trại thành tổng, xã rồi thành lập làng Đà Ly. Đến thời vua Thiệu Trị (1841-1847), làng Đà Ly có người làm quan lớn trong triều là Ông Ích Khiêm, ông này đã xin triều đình đổi tên làng thành Phong Lệ.
Làng Phong Lệ xưa nằm vắt qua hai bên sông Cẩm Lệ (nay còn gọi là sông Cầu Đỏ). Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng trong bài “Phong Lệ - Các tầng văn hóa Việt - Chăm” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng số 1 (tháng 6-2012), ở trang 75 dẫn lời các vị cao niên nơi đây cho biết, sông Cẩm Lệ ngày xưa quá hẹp nên không gây ra ấn tượng chia cách, có đoạn sông có thể bắc cầu tre hoặc mùa nước cạn thậm chí có thể lội qua được. Hơn 100 năm trở lại đây, sông ngày một rộng hơn, chia làng làm hai xóm, phía hữu ngạn gọi là Phong Nam (cách gọi tắt của Phong Lệ Nam), nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang; phía tả ngạn gọi là Phong Bắc (Phong Lệ Bắc), nay thuộc hai phường Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Tuy cách trở đò giang nhưng cư dân cả hai xóm vẫn chung một cội nguồn tiên tổ, mỗi xuân thu nhị kỳ hằng năm đều tề tựu về đình Phong Lệ (còn gọi là đình Thần Nông) trên đất Phong Nam để cúng tế. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe, ban đầu đình được xây dựng về phía tây làng vào cuối thời Minh Mạng bằng tre, gỗ. Năm 1933, người Pháp xây dựng đường sắt xuyên Việt chạy ngang qua trước đình, đây được xem là điều tối kỵ đối với cuộc sống và sự phát triển của cả làng theo quan niệm dân gian. Đến năm Bảo Đại thứ chín (1934), chư phái tộc làng Phong Lệ bàn nhau di dời ngôi đình đến phía đông làng Phong Lệ, nơi có địa thế hợp phong thủy và tồn tại đến ngày nay.
Sông chia một làng thành hai. Người dân Phong Lệ Bắc vẫn luôn xem mình là cư dân của làng Phong Lệ xưa, tuy có khác biệt về mặt hành chính nhưng những phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống của làng vẫn được bảo tồn. Trong các dịp Tết, cúng tế, giỗ chạp..., dân làng hai bên sông vẫn qua lại, thăm hỏi lẫn nhau.
Đình “anh” và đình “em”
Như đã nói trên, làng gốc Phong Lệ chia thành hai xóm. Xóm Làng nay là thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Xóm Rừng nay là khu vực Phong Bắc, thuộc hai phường Hòa Thọ Tây và Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.
Ông Ngô Văn Công (72 tuổi), Trưởng tộc Ngô làng Phong Lệ, trưởng Hội đồng gia tộc Phong Bắc, cho biết giờ phố xá khang trang như vậy chứ ít người biết ngày xưa khi nơi này mang tên Xóm Rừng thì cả vùng heo hút giữa núi đồi hoang vắng, cây cối um tùm đầy ác thú, trong đó có bầy cọp dữ. Những lần cọp về làng rình bắt gia súc, thậm chí cả người, đã để lại trong tâm trí dân làng và khách vãng lai bao nỗi bất an.
Theo truyền khẩu, để “Ông Ba Mươi” không bắt người, dân làng xây dựng một ngôi miếu nhỏ gọi là Dinh Ông thờ Ông Cọp. Khi làng Phong Lệ tách ra thành hai làng Phong Nam và Phong Bắc lấy sông Cẩm Lệ làm ranh giới, dân làng Phong Bắc trùng tu, tôn tạo dinh thờ Ông Cọp và “chuyển đổi công năng” thành đình làng để làm nơi thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền.
Đình Phong Lệ Bắc hiện nằm trong quần thể di tích của phường Hòa Thọ Tây bao gồm: Bia di tích lịch sử Đảng bộ xã Hòa Thọ (cũ); Lăng mộ Ông Ích Khiêm, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; Lăng mộ Ông Ích Đường, di tích lịch sử cấp thành phố. Rừng cốc ngày trước giờ chỉ còn 4 cây, cao ngót nghét trên 20m, gốc hai người ôm mới hết, trong đó có một cây “cao niên” nhất hiện nằm trong khuôn viên Trường THCS Đặng Thai Mai.
Hồ sơ di tích “Đình Phong Lệ Bắc (Dinh Ông)” do Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cẩm Lệ cung cấp cho biết, đình Phong Lệ Bắc - Dinh Ông hiện còn một đoạn gỗ quý ghép phía dưới và song song với thanh đòn nóc có khắc dòng chữ Hán: “Tự Đức bát niên, tuế thứ Ất Mão, tứ nguyệt cát nhật, bổn xã phụng tạo”, nghĩa là: Xã được dựng vào ngày lành tháng Tư năm Ất Mão, Tự Đức thứ tám (1855).
Đình Phong Lệ Bắc còn một bức hoành phi do Hội đồng đại biểu các họ tộc trong làng phụng lập ngày 16-3 năm Tân Tỵ 2001 với 4 chữ Hán đại tự “Phong đình kế tự” [豐 亭 繼 祀], nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng giảng là “Nơi thờ cúng kế tục của đình Phong Lệ”. Điều này đã góp phần xác tín những gì đã diễn ra ở vùng đất này, từ một Phong Lệ chia tách thành Phong (Lệ) Nam và Phong (Lệ) Bắc. Đình Phong Lệ Bắc ra đời sau nên có thể gọi là “đình em”, tiếp nối việc thờ cúng của “đình anh” Phong Lệ.
“Xuất thân” từ miếu Ông Cọp, ngôi đình nằm dưới chân “Đồi Ông Ích Khiêm” theo cách gọi của người dân quanh vùng này đã được công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố vào ngày 24-12-2007.
VIÊN PHÚC QUÂN