Những mùa hoa cải vàng

.

Cô em dâu nhắn tin cho tôi “cải mẹ trồng đã ra hoa”, kèm theo đó là vài luống cải đã trổ hoa như dát vàng lung linh nổi bật giữa những luống rau xanh trong mảnh vườn nho nhỏ.

Mỗi lần ngang qua một khu vườn nào đó thấy hoa cải, lòng lại dậy lên nỗi nhớ quê nhà da diết. Ảnh: KHÁNH HOÀNG
Mỗi lần ngang qua một khu vườn nào đó thấy hoa cải, lòng lại dậy lên nỗi nhớ quê nhà da diết. Ảnh: KHÁNH HOÀNG

Hơn một năm rồi tôi chưa về thăm quê, hình ảnh quê nhà lúc nào cũng gợi bao niềm thương nhớ. Đó không chỉ là gian nhà cũ chứa đựng tuổi thơ tôi, không chỉ là cái ngõ nhỏ quanh co dẫn vào mảnh sân rộng. Đó còn là mảnh vườn nhỏ nằm nép bên chiếc ao nhỏ. Mỗi mùa mẹ đều làm đất kỹ lưỡng, chia thành từng luống và gieo vào đó những hạt giống, tưới tắm mỗi chiều mỗi sớm để chúng rủ nhau nảy mầm thoát ra khỏi những tối tăm để đón ánh mặt trời.

Mỗi mùa đông, vườn nhà thường rất nhiều rau cải. Cây cải được mẹ tỉa từ khi còn là rau mầm, rau non thì để ăn dần, rau già thì để muối dưa. Thỉnh thoảng, mẹ còn dùng cọng rơm bó thành những mớ con con đem bán ở chợ cóc nơi gốc đa đầu làng. Mẹ nói “ăn không hết thì bán cho vui”, những đồng tiền lẻ có được từ những luống rau mình chăm sóc chắc cũng mang lại những niềm khoái cảm nhẹ nhàng đối với những người nông dân như mẹ.

Ngày nhỏ, tôi rất mê màu hoa vàng tươi giản dị này. Những người sống ven sông quê tôi vẫn tận dụng đất ven sông để trồng rau màu theo mùa vụ. Đó là những đám lạc xanh mướt, là những bãi vừng trắng hoa và những đám rau cải già lung lay trước gió.

Còn nhớ một ngày, khi ấy tôi chỉ hơn mười tuổi, theo mẹ ra đồng cấy lúa. Trưa, mẹ cho tôi về trước nấu cơm. Tôi ngước lên phía bờ sông, thấy những đám cải nở vàng. Trong lòng nghĩ mình sẽ lên phía ấy rửa chân tay, luôn tiện sẽ vặt một bó hoa cải về cắm vào chai để nơi bàn học.

Trưa ấy, tôi ngồi đun rạ nấu cơm thì nghe tiếng anh hàng xóm gọi to. Tôi chạy ra ngõ, anh nhìn tôi ngạc nhiên: “Em về nhà rồi à, mẹ em đang khóc ngoài đồng kia kìa. Mẹ tưởng em rơi xuống sông rồi”. Hóa ra mẹ biết tôi lên bờ sông rửa chân tay nhưng chờ mãi không thấy tôi ngang qua ruộng về nhà. Mẹ nào biết tôi đã vòng về đường khác. Vậy là mẹ chạy lên bờ sông, vừa đi vừa gọi tên tôi vừa khóc. Tôi nấu cơm xong thì mẹ về, tay chân còn nguyên bùn đất, vừa thấy tôi mẹ đã mắng thật to: “Răng bựa ni lại dở chứng về đường nớ cho ngái ngôi, mi làm mẹ sợ gần chết”. Hẳn là lúc đó mẹ sợ hãi lắm. Giống như tôi khi đã làm mẹ thì luôn lo sợ những bất trắc đối với con mình.

Lâu lắm rồi, ven bờ sông gần nhà, người ta đã không còn trồng rau nữa. Ở đó mọc lên những ụ cát và tàu thuyền hoạt động suốt ngày đêm. Khu công nghiệp mọc lên, những nhà máy xây dựng ngày một nhiều và người dân quê tôi giờ xem việc ruộng vườn chỉ là nghề phụ.

Ngày xưa, mỗi mùa rau cải, mẹ dành một luống riêng để giống. Luống cải ấy cao vọt lên, nở hoa vàng rực rồi kết quả. Khi quả đã già, mẹ đem cắt cả cây phơi vào một cái nong. Những quả cải già khô đi, tự tách vỏ ra làm rơi những hạt cải đen nâu bé tí.

Bây giờ, vườn nhà cũng có hoa cải, nhưng không phải do mẹ để giống. Bởi như mẹ nói, giờ hạt giống người ta bán đầy, ưng gieo gì mua nấy, cần gì nhọc công phơi phóng hạt giống làm gì. Chỉ là những đứa con lớn lên, lần lượt đi xa rồi lập gia đình. Nhà chỉ còn hai ông bà già, rau trồng nhiều mà ăn có được bao nhiêu, nên mặc kệ cho nó già đi.

Mỗi lần tôi ngang qua một khu vườn nào đó thấy màu hoa cải rực vàng, lòng lại dậy lên nỗi nhớ quê nhà da diết. Nhớ mùa hoa cải vàng ngày xưa của mẹ, nhớ những mùa cải vàng bên sông, nhớ mảnh vườn nhỏ nhà mình và những cây cải khoe sắc vàng tươi...

LÊ GIANG

;
;
.
.
.
.
.