Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu diễn ra một cách mạnh mẽ và nhanh chóng, cùng với nhiên liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm, đến lúc đặt lại vấn đề sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên và tổ chức phân phối hợp lý, bảo đảm hiệu quả để giảm khoảng cách “thừa” và “thiếu” lương thực hiện nay…
Nông dân huyện Hòa Vang thu hoạch lúa. Ảnh: PHÚC AN |
Ông Masanobu Fukuoka (1913-2008), một nông dân và triết gia người Nhật Bản, đã viết trong cuốn sách Gieo mầm trên sa mạc (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh): “Điều quan trọng là suy ngẫm những gì đã xảy ra có liên quan tới nông nghiệp và y tế trong lịch sử loài người. Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến lớn lao trong y học hiện đại, nhưng tiến bộ của y học chẳng có mấy giá trị khi mà số lượng người mắc bệnh cứ tiếp tục tăng cao. Cũng như vậy đối với nông nghiệp hiện đại. Làm sao chúng ta có thể tự khen ngợi mình về sự tiến bộ trong nông nghiệp hiện đại, bao gồm việc tăng năng suất vượt bậc, nếu như tốc độ thiếu ăn, khan hiếm thực phẩm, kiệt quệ và bệnh tật thậm chí còn tăng nhanh hơn”.
Làm nông thuận tự nhiên
Ông Masanobu Fukuoka cũng là tác giả của cuốn sách được ưa chuộng Cuộc cách mạng một cọng rơm (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), thể hiện quan điểm về triết lý làm nông thuận theo tự nhiên.
Qua phân tích hiệu suất của các phương pháp làm nông, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, ông Masanobu Fukuoka chỉ ra: “Các phương pháp làm nông công nghệ cao cho người ta cái ảo tưởng rằng thậm chí nếu đất mất đi sự phì nhiêu của nó, ngay cả khi đất không còn màu mỡ nữa, chắc chắn vẫn có thể sản xuất ra được thực phẩm. Nhưng nếu xăng dầu chỉ cần khan hiếm đi một chút thôi, sản xuất lương thực sẽ tụt xuống đột ngột và ngay lập tức. Khi chúng ta đã chạm tới điểm mà để thu được một đơn vị năng lượng trong thực phẩm đòi hỏi tới ba hay bốn đơn vị năng lượng đầu vào thì loài người làm sao có khả năng duy trì nguồn cung lương thực của nó đây?”.
Vì vậy, ông mang triết lý “không làm gì cả” (không bón phân, không làm cỏ, không hóa chất, không cày xới) vào thực tế canh tác trên mảnh vườn nhà mình, gặp phải nhiều thất bại, cuối cùng thành công với năng suất cây trồng và chất lượng hồi phục của đất. Từ đó, ông đúc kết: “Chúng ta phải nhận ra rằng cả trong quá khứ lẫn hiện tại, chỉ có duy nhất một lối đi “bền vững” khả dĩ cho chúng ta. Chúng ta phải tìm đường quay về với tự nhiên. Chúng ta phải đặt cho mình nhiệm vụ tái sinh sự sống trên trái đất này. Tái phủ xanh trái đất, gieo những hạt mầm trong sa mạc - đấy là con đường mà xã hội phải đi theo”.
Hợp tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng
Trong khi ông Masanobu Fukuoka thực hành sản xuất nông nghiệp theo tự nhiên và nâng thành triết lý, vợ chồng người Pháp Daniel và Denise Vuillon lại hướng tới hiệu quả trong hợp tác, liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, để tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch.
Trong cuốn sách Chuyện về AMAP đầu tiên - hỗ trợ nông dân tự nuôi mình một cách bền vững (NXB Đà Nẵng), Denise Vuillon giới thiệu về cách làm này, với 3 mô hình ở Mỹ, Pháp và Nhật Bản: CSA/AMAP/Teikei(*).
Cả ba mô hình này thể hiện mối quan hệ đối tác giữa một hay nhiều trang trại với một nhóm nông dân; sự đa loài; các phương pháp sản xuất sinh thái, không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại và cây trồng biến đổi gen; sự đồng thuận của các thành viên về việc thanh toán trước và nhận những gì nông trại sản xuất được trong mùa đó. Hiểu nôm na là người tiêu dùng đặt hàng trước, nhà sản xuất căn cứ trên đó để tổ chức sản xuất, bảo đảm chất lượng và an toàn để phân phối lại cho người tiêu dùng.
Denise Vuillon cho rằng, hoạt động phân phối là hiện thân của AMAP, nên một số quy tắc tổ chức phải được tôn trọng, đó là: nhận phần nông sản được chia công bằng, trong một khoảng thời gian xác định và tất cả được diễn ra trong bầu không khí thân thiện… “Chúng tôi xin nhắc lại điều này: AMAP dựa trên giao tế và giao tiếp. Internet là một công cụ hỗ trợ nhưng nó không thể thay thế sự tiếp xúc của con người, những chuyến tham quan hay những cuộc gặp gỡ trong những buổi phân phối - nơi tất cả được bày tỏ, giải thích, chứng minh, trực tiếp, mặt đối mặt và trong sự tin cậy”, Denise Vuillon nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Alain Chatezrault kể về sự trải nghiệm AMAP đầu tiên của mình như là “sự chuyển hóa và biến đổi từ một người nông dân đang chết mòn thành một người nông dân mới”: “Sản xuất lành mạnh, có nghĩa là không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, là một bước đi hợp lý kể từ lúc chúng tôi đến gần hơn với đĩa thức ăn của người tiêu dùng. Việc sản xuất trong AMAP khởi đầu suôn sẻ đã cho tôi thấy điều đó là khả thi… Điều này sẽ dẫn đến việc đồng ý chuyển toàn bộ trang trại sang nông nghiệp hữu cơ”.
Mô hình Teikei được sinh ra khi những bà mẹ trẻ Nhật Bản tuyệt vọng trong việc tìm kiếm thực phẩm không bị nhiễm độc và an toàn từ các nguồn cung cấp thông thường, đã bắt tay với người nông dân vào đầu những năm 1970.
Theo đó, những người mẹ này đã quyết định chịu trách nhiệm về thực phẩm họ dùng và đi xa đến mức đề nghị trả tiền trước cho người sản xuất, với điều kiện người này cam kết sản xuất lành mạnh, không thuốc trừ sâu. Teikei xây dựng 10 nguyên tắc về mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng; trong đó nguyên tắc thứ 10 thể hiện: “Tiếp tục phát triển, dù chậm, hướng tới mục tiêu cuối cùng là sản xuất nông nghiệp hữu cơ lành mạnh, tôn trọng hệ sinh thái và sự sống”.
Trong xu hướng tiêu dùng thông minh với thực phẩm sạch, an toàn hiện nay, đây là những mô hình cần nghiên cứu để triển khai một cách hiệu quả, không chỉ phục vụ tốt hơn nhu cầu của con người, mà hướng tới góp phần bảo vệ môi trường, giảm tốc độ và hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên trái đất.
ANH QUÂN
(*) AMAP: Hội Duy trì nông nghiệp thuần nông/ CSA: Nông nghiệp có sự chung tay của cộng đồng (Mỹ)/ Teikei: Phiên bản Nhật của CSA/AMAP.