Bộ sách "3 trong 1" của Văn Công Hùng

.

Chợt (thơ), Từ Tây Nguyên (tản văn và ghi chép) và Nhặt chuyện văn nhân (chân dung văn học) là bộ 3 tác phẩm mới nhất của nhà thơ Văn Công Hùng do NXB Văn học phối hợp Liên Việt Books ấn hành. 

Tập thơ Chợt với gần 80 bài thơ, được tác giả chia thành 7 phần: Tưởng - Mùa - Tình - Sự - Địa - Thời - Khắc. Đó là cách chia rất gợi, như khung thời khắc và chuyển biến, nó là cảm xúc xê dịch của những chặng đường đầy cảm xúc mà cũng đủ những chiêm nghiệm tinh tế.

Với Từ Tây Nguyên, bạn đọc đi du lịch từ ký ức đến hiện tại, từ Bắc vào Nam theo cái nhìn của tác giả. Những rưng rưng thơ ấu đến ẩm thực, du lịch đều được nhà thơ Văn Công Hùng viết cặn kẽ, bồi hồi và rưng rức. Từng câu chữ lạ, đầy cảm xúc như tái hiện hình ảnh, không khí, ký ức đến tận mắt, tận tay người đọc. Nó khiến cả những người đang sống ở Tây Nguyên nhận ra có một Tây Nguyên bình dị, nhưng cũng đầy sâu lắng như lớp trầm tích bồi đắp lặng lẽ, để đến khi giở từng trang sách ra mới bất chợt nhận ra.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với những ai yêu văn chương là Nhặt chuyện văn nhân, bởi cái cách tưng tửng khắc họa từng văn nhân rất thỏa đáng, ý nhị và chân thực. Tác giả không đi sâu tìm hiểu hay phân tích cặn kẽ từng văn nhân rồi mới quay lại đặc tả nhân vật. Nhà thơ Văn Công Hùng chọn cách khắc họa trực tiếp nhân vật từ những vụn vặt tiếp xúc thực tế của chính tác giả với văn nhân đó mà khắc họa, mà đặc tả từng văn nhân như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Du Tử Lê, nhà văn Dương Hướng, nhà văn Kim Lân… được tái hiện theo cách riêng không lẫn vào đâu được. Cách dùng từ “Nhặt” cũng rất duyên, như là những lớp ký ức, những câu chuyện quen thuộc về một ai đó đã bày sẵn trong tâm tưởng của tác giả, rồi chỉ cần ai hỏi về người đấy, thì tự nhiên như thò tay vào túi nhặt ra mà kể. Đấy vẫn là một văn nhân mà mọi người đều biết nhưng đã được một lăng kính Văn Công Hùng lọc ra và lựa chọn những hình ảnh thân thuộc, dung dị và đời thường nhất.

Nhận xét về nhà thơ Văn Công Hùng ở tập Nhặt chuyện văn nhân, nhà thơ Nguyễn Thành  Phong viết: “Trong ứng xử với bạn bè văn nhân, Văn Công Hùng là một người hào hiệp, tròn đầy. Với chữ nghĩa, với nghề viết, ông là người cẩn trọng và thanh thoát”. Ngắn gọn, súc tích nhưng đúng với quan niệm sáng tác của nhà thơ Văn Công Hùng và không cần hô hào hay đưa ra những quan điểm sáng tác hoành tráng, người phu chữ cần mẫn ấy vẫn cố gắng “viết đến khi nào… hết chữ thì đành thôi, có chi mô nơ?”.

Là tác giả của hơn 16 đầu sách, nhà thơ Văn Công Hùng từng làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII. Khi nghỉ hưu, ông không chọn cách vui thú điền viên như nhiều người, mà bận rộn với những con chữ có khi còn hơn cả những ngày làm công tác.

LÊ THỊ KIM SƠN

;
;
.
.
.
.
.