Đà Nẵng cuối tuần

Ông Văn Sinh - người kể sử Đà Nẵng bằng hình

15:52, 11/06/2022 (GMT+7)

Với Đà Nẵng - Ký ức & Hiện tại, ý tưởng kết nối hai nhóm ảnh cũ - mới, xưa - nay, ký ức - hiện tại, hoài niệm - hiện tồn về hiện thực mấy thập niên phát triển của thành phố bên sông Hàn, có thể gọi nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh là “người kể sử Đà Nẵng” bằng hình.

Đà Nẵng - Ký ức & Hiện tại do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2022 là cuốn sách ảnh thứ hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh, cựu Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng - sau cuốn sách ảnh thứ nhất Đời nón - đời người cũng do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2011. Cuốn sách ảnh này là thành quả lao động nghệ thuật của Ông Văn Sinh cả trước và sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Không phải ngẫu nhiên Ông Văn Sinh đặt tên Đà Nẵng - Ký ức & Hiện tại cho tuyển tập tác phẩm nghệ thuật của cái khoảnh khắc này. Và chính qua cái ý tưởng kết nối hai nhóm ảnh cũ - mới, xưa - nay, ký ức - hiện tại, hoài niệm - hiện tồn về hiện thực mấy thập niên phát triển của thành phố bên sông Hàn, có thể gọi Ông Văn Sinh là “người kể sử Đà Nẵng” bằng hình.

Ông Văn Sinh chia cuốn sách thành hai phần: Đà Nẵng ký ức và Đà Nẵng hiện tại. Đà Nẵng ký ức trong ống kính chuyên nghiệp của Ông Văn Sinh trước hết hiện lên ở hai bờ sông Hàn, chủ yếu phía bờ đông, bên tả ngạn; hiện lên ở ven vịnh Đà Nẵng - nhất là ở cung đường mà người Đà Nẵng quen gọi là “biển Thanh Bình” - kéo dài đến tận biển Nam Ô và cửa sông Cu Đê; hiện lên ở ven bờ Biển Đông, từ biển Đông Trà dưới chân núi Ngũ Hành - nơi từng kéo Hoàng Sa vào với đất liền - cho đến biển Thọ Quang dưới chân bán đảo Sơn Trà; hiện lên ở một số làng quê của huyện Hòa Vang và cả ở một số khu vực của quận Hải Châu. Không phải tất cả hình ảnh được Ông Văn Sinh ghi lại ở phần Đà Nẵng ký ức đều chỉ còn… trong ký ức, trong hoài niệm, trong lòng cảm cựu mênh mang của người Đà Nẵng cũng như của người yêu Đà Nẵng, bởi không ít hình ảnh của Đà Nẵng một thời chưa xa vẫn đang cùng đi với cuộc sống đương đại…

Tuy nhiên, điều đáng trân trọng là Ông Văn Sinh đã kịp ghi lại - cũng có thể nói là kịp bất tử hóa - nhiều hình ảnh vĩnh viễn không còn… Vĩnh viễn không còn những nhà chồ và những xóm ghe bên tả ngạn sông Hàn, cũng vĩnh viễn không còn những nhà chồ ở kênh Đầm Rong ngay khu vực nội thành. Vĩnh viễn không còn những ngôi nhà lụp xụp ven biển Thanh Bình và vĩnh viễn không còn Cầu Vồng - cây cầu vượt đầu tiên của Đà Nẵng…

Tất cả chỉ còn trong sách ảnh của Ông Văn Sinh nói riêng và chỉ còn trong nhiếp ảnh nghệ thuật cũng như trong điện ảnh nói chung. Xem ảnh Ông Văn Sinh về những cái vĩnh viễn không còn này, độc giả sẽ cảm nhận rõ sự đổi đời của một bộ phận cư dân Đà Nẵng - chủ yếu là ngư dân - và càng cảm nhận rõ sự đổi mới về diện mạo đô thị Đà Nẵng trong 25 năm qua.

Trong phần Đà Nẵng hiện tại, ống kính Ông Văn Sinh chú mục vào những điểm nhấn về cảnh quan đô thị, vào những công trình góp phần đổi mới diện mạo đô thị của Đà Nẵng, vào các cây cầu đã mang lại cho Đà Nẵng thương hiệu “thành phố của những cây cầu”, bao gồm cả mấy cây cầu không bắc qua sông như cầu vượt Ngã ba Huế hay Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà lừng danh thế giới.

Ông Văn Sinh cố tình sắp xếp ảnh cũ - ảnh mới bên cạnh nhau nhằm cực tả sự khác biệt trước - sau, xưa - nay… của những không gian tiêu biểu của Đà Nẵng như hai bờ sông Hàn, như bờ vịnh Đà Nẵng… Và biết đâu, với tốc độ phát triển của một thành phố đang từng ngày đổi mới như Đà Nẵng, chừng 1/4 thế kỷ nữa, những hình ảnh mới - sau - nay trong phần Đà Nẵng hiện tại của Ông Văn Sinh cũng sẽ trở thành ký ức, thành hoài niệm, thậm chí một số hình ảnh sẽ vĩnh viễn không còn… Dường như qua cuốn sách ảnh Đà Nẵng - Ký ức & Hiện tại, Ông Văn Sinh muốn gửi thông điệp: Hãy hồi tưởng và suy ngẫm về những gì ta từng có, nhưng trước hết hãy yêu quý và trân trọng về những gì ta đang có.

BÙI VĂN TIẾNG

.