Người về bên dòng Đắk Krông

.

Nhạc sĩ Tố Hải qua đời ngày 4-7-2022, hưởng thọ 86 tuổi. Vậy là ông đã trút bỏ những vướng bận trần gian, bỏ lại bệnh tật tuổi già để thanh thản phiêu lãng bên dòng Đắk Krông - nơi ông có nhiều kỷ niệm gắn bó và thành danh với bài hát Đắk Krông mùa xuân về

Bản thảo ca khúc Đắk Krông mùa xuân về. Ảnh: THƯ HOÀNG
Bản thảo ca khúc Đắk Krông mùa xuân về. Ảnh: THƯ HOÀNG

Có lần tôi đi công tác vào thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và gặp nhạc sĩ Tố Hải. Nhìn đôi chân hơi tập tễnh của ông, tôi mới hay ông đang bị bệnh gút. Ăn sáng xong, ông rút trong túi đeo bên người ra mấy CD thu những bài hát của ông và ký tặng tôi.

Bén duyên với âm nhạc

Ai đã gặp nhạc sĩ Tố Hải, đều thấy ông là người hóm hỉnh, hay đùa. Ông thích trò chuyện, tán gẫu cùng bạn bè. Thi thoảng cao hứng, ông lại hát những ca khúc của mình.

Bên ly cà phê sáng hôm đó, nhạc sĩ Tố Hải kể, hồi nhỏ, ông theo cha mẹ làm rẫy, chăn bò, mò cua bắt ốc, hơn 10 tuổi bắt đầu tham gia làm liên lạc. Đến năm 16 tuổi, Tố Hải trốn nhà đi bộ đội và làm liên lạc viên của Trung đoàn 812 (Quân khu 5). Vào quân ngũ, với chút năng khiếu âm nhạc và yêu ca hát nên Tố Hải được giao kẻ nhạc, chép nhạc. Đó chính là cơ duyên dẫn Tố Hải đến với âm nhạc và gắn bó trọn đời với âm nhạc. Những năm tháng cùng đồng đội xông pha khắp các chiến trường, Tố Hải luôn muốn viết một cái gì đó để phản ánh sự cam go, ác liệt của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.

Đầu thập niên 60, Tố Hải vượt Trường Sơn trở vào Nam chiến đấu. Thời điểm đó, Đoàn văn công Quân giải phóng khu 5 được thành lập, Tố Hải trở thành một trong những người lính xung kích trên mặt trận văn nghệ. Lúc ấy, Tố Hải nghĩ rằng, có âm nhạc, có lời ca tiếng hát động viên chính mình và mọi người vượt qua đói khổ, gian nguy là cách để thêm niềm vui, giữ ý chí và niềm tin cùng đánh thắng giặc Mỹ, cùng dựng xây đất nước. Âm nhạc là tiếng nói vô hình nhưng rất đỗi thiêng liêng.

Trong những ngày đi chiến dịch, hình ảnh người con gái Quảng Nam tên Trần Thị Vân bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung, bất khuất đã gieo vào lòng Tố Hải những xúc động mãnh liệt. Và bài hát đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Tố Hải mang tên Lời ca không tắt đã da diết vang lên trong một lần vượt dốc Ông Hương vào năm 1962. Sau đó, ca khúc này bất ngờ mang lại cho ông Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam và giúp ông tự tin hơn trên con đường sáng tác. Liên tiếp những năm lăn lộn ở núi rừng Trường Sơn, Tố Hải còn viết thêm một số ca khúc khác như: Bài ca trung đoàn thép, Phan Hành Sơn và trận đánh, Tiếng đàn Klông Pút tặng anh”...

Suối nhỏ thành sông

Năm 1976, Tố Hải chính thức trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1977, nhạc sĩ sinh sống tại thành phố Nha Trang. Từ đó đến trước khi mất, ông đã sáng tác vài trăm ca khúc khi là tình ca, khi là ca khúc truyền thống cho các đơn vị quân đội. Có thể kể tới những sáng tác tiêu biểu như: Ngọn đèn Ba Tơ, Mùa xuân thành phố biển, Hành khúc cựu chiến binh, Bài ca sợi khói, Hành khúc sư đoàn 378, Tình ca Sông Lô, Đường Trường Sơn ca...

Với những đóng góp của một chiến sĩ - nhạc sĩ, Tố Hải đã được tặng thưởng nhiều Huân chương hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa. Năm 2012, Tố Hải được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật, trong đó có 2 ca khúc nổi tiếng là Lời ca không tắtĐắk Krông mùa xuân về.

Đối với ca khúc Đắk Krông mùa xuân về, nhiều người cho rằng tên của bài hát là Sông Đắk Krông mùa xuân về, nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi, nhạc sĩ Tố Hải bảo, bản thảo ông chỉ ghi Đắk Krông mùa xuân về. Có một điều thú vị nữa, nhiều người khi nghe bài hát này, cứ đinh ninh Đắk Krông là một dòng sông ở Tây Nguyên. Sự thực thì không phải vậy.

Năm Mậu Thân 1968, Tố Hải vẫn lăn lộn với núi rừng Trường Sơn. Trường Sơn hùng vĩ và tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thôi thúc Tố Hải đặt bút viết Đắk Krông mùa xuân về. Thế nhưng, Tô Hải phải bỏ dở khi mới viết xong lời 1. Đến năm 1970, ông được cử ra Bắc học Trường Âm nhạc Việt Nam, cùng lớp với các nhạc sĩ Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn...

Một ngày giữa tháng 3-1975, xuất hiện những tiếng súng đầu tiên của chiến dịch Tây Nguyên, bất chợt trong lòng ông dâng trào cảm xúc. Lúc ấy, Tố Hải vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, ông đã hoàn thành lời 2 của Đắk Krông mùa xuân về trong căn lán ở Nhổn (Hoài Đức, Hà Nội). Ngay sau đó, nhạc sĩ mang bài hát đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghệ sĩ Kiều Hưng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này.

Nhạc sĩ Tố Hải từng nói với tôi rằng, ông viết Đắk Krông mùa xuân về không nhằm vào một địa danh cụ thể nào cả, thực chất đó là tên một dòng suối nhỏ ở tỉnh Quảng Trị. Dòng sông trong bài hát là hình tượng con sông lớn - sông cách mạng đang ào ạt tuôn chảy…

Như đầu nguồn của mỗi dòng sông, mở đầu bài hát, những âm điệu thiết tha, nhẹ nhàng “Chim Kơtia bay tới, nghiêng cánh chào Đắk Krông/ Pơlang khoe sắc thắm, gió đưa hương đôi bờ” gợi lên hình ảnh những dòng suối nhỏ gom góp sức mình đổ về thành một dòng sông, đồng thời khiến người nghe hình dung những cảnh sắc đặc trưng của Tây Nguyên, một miền đất cách mạng. Những giai điệu trầm hùng cũng làm người ta liên tưởng đến những tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên giữa đại ngàn...

Nhạc sĩ Tố Hải tên thật là Tô Trắp. Ông sinh năm 1937 ở làng Đa Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Năm 1970, ông ra Bắc học khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam. Đến năm 1975, ông về công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, sau này làm Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam ở Khánh Hòa. Trên con đường âm nhạc, ông chọn bút danh Tô Hải. Nhiều người nhầm ông với nhạc sĩ Tô Hải (tên đầy đủ là Tô Đình Hải) được biết tới với tác phẩm nổi tiếng Nụ cười sơn cước.

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.