Cháy và phương án thoát hiểm

.

Mới đây, đoạn video quay lại cảnh một chiến sĩ cảnh sát công tác tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Đà Nẵng mất khoảng 29 giây để vượt qua 100m chướng ngại vật, đưa người bị nạn ra khỏi đám cháy trong buổi diễn tập được người dân Đà Nẵng chia sẻ và dành lời tri ân.

Đoạn video ngắn được người dân đồng cảm, tri ân bởi sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trong lúc làm nhiệm vụ tại một quán karaoke ở Hà Nội mới đây là mất mát quá lớn, đặt ra nhiều câu hỏi về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Có nhiều nguyên nhân gây cháy, nhưng qua phân tích các vụ hỏa hoạn, có thể thấy đám cháy chủ yếu xuất phát từ những ngôi nhà, cơ sở kinh doanh được rào chắn kỹ từ cổng, cửa đến sân thượng, qua nhiều lớp khóa. Thậm chí, không ít gia đình do lo ngại vấn đề trộm cắp, đã hàn kín khu vực sân thượng theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Kết quả kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke cũng lộ ra nhiều bất cập, như không trang bị bình, phương tiện chữa cháy (hoặc có nhưng hư hỏng); hệ thống điện thiếu an toàn; hàng hóa, vật tư sắp xếp cản trở lối đi...

Mặc dù pháp luật Việt Nam đưa ra những quy định cụ thể về lối thoát hiểm, đường thoát hiểm trong xây dựng cơ bản, như cửa đi trên lối thoát hiểm phải mở ra phía ngoài, không bố trí cửa đẩy, cửa treo, cửa quay; không làm cầu thang xoắn ốc, bậc thang hình rẻ quạt, độ dốc lớn, cầu thang không có tay vịn; trên các lối đi, hành lang, phòng giải lao nền sàn không có độ dốc lớn, tường không có các phần nhô ra như trụ bổ tường, đặt thiết bị, đồ đạc (như tượng, gương, vòi nước chữa cháy); phải có sơ đồ, dấu hiệu chỉ dẫn, trên đường thoát phải có hệ thống chiếu sáng an toàn…

Thế nhưng, trong thiết kế nhà phố (đặc biệt kiến trúc nhà ống nằm sát nhau), do không gian nhỏ, hẹp, người dân ít quan tâm đến phương án thoát hiểm để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Đó là chưa nói đến những ngôi nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ, có lối đi ngoằn ngoèo; khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng cứu hỏa rất khó tiếp cận, ứng cứu.

Bên cạnh đó, không ít người dân nói rằng, họ chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, mặt nạ phòng khói cũng như chưa được trang bị kỹ năng thoát hiểm nếu xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn. Nhiều lối thoát hiểm trong khu dân cư bị một số cá nhân chiếm dụng nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm. Việc thiếu phương tiện, kỹ năng thoát hiểm cũng là nguyên nhân chính đẩy người dân vào tình huống mất an toàn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Dù nguyên nhân nào đi nữa, chúng ta cũng cần thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại khu vực nội đô, đông dân cư sinh sống. Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 (có hiệu lực từ ngày 10-1-2021) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định rõ về điều kiện an toàn ở khu dân cư, như có nội quy về phòng cháy, chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Khi có người mắc kẹt trong đám cháy, lực lượng cứu hộ được phép phá, dỡ nhà, công trình khi chữa cháy...

Ngoài ra, theo ý kiến của một số kiến trúc sư, trong xây dựng nhà ở, người dân cần bố trí ban công, giếng trời, sân thượng, cầu thang thoát hiểm lên tầng mái. Với nhà có nhiều hơn một mặt tiền, cần bổ sung cửa thoát hiểm bên hông, hoặc trổ cửa ra lối đi phía sau, phòng trường hợp người dân không thể thoát ra bằng cửa chính. Mặt khác, công tác diễn tập phòng cháy, chữa cháy phải được tổ chức thường xuyên, rộng khắp để đông đảo người dân dễ dàng tiếp cận. Đối với khu dân cư chật hẹp, kiến trúc cũ, hạn chế về không gian, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, đề xuất các phương án thoát hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.