Giá gạo ở Ấn Độ đang tăng do một số khu vực của nước này thiếu mưa khiến diện tích đồng lúa bị thu hẹp 13%, đặt ra thách thức lớn cho an ninh lương thực toàn cầu.
Sản lượng gạo giảm sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Ấn Độ và gây hạn chế đối với xuất khẩu. TRONG ẢNH: Nông dân trên cánh đồng ở tây nam Ấn Độ.Ảnh: The Wire |
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ hồi tháng 5 từng làm dấy lên hoài nghi về khả năng nước này tiếp tục áp đặt biện pháp hạn chế tương tự đối với gạo để bảo vệ thị trường trong nước. Một số quốc gia nghèo nhất thế giới đang phụ thuộc vào gạo của Ấn Độ nên không ai mong kịch bản xấu này sẽ xảy ra.
Thương nhân, nông dân lo lắng
Hai tuần qua, giá một số loại gạo tăng hơn 10% ở các bang sản xuất gạo quan trọng của Ấn Độ như Tây Bengal, Odisha và Chhattisgarh. Một số khu vực của nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới đang thiếu mưa khiến diện tích đồng lúa bị thu hẹp 13% - mức thu hẹp nhiều nhất trong 3 năm, đặt ra thách thức lớn cho an ninh lương thực toàn cầu.
Các thương nhân lo ngại sản lượng gạo sụt giảm có thể khiến cuộc chiến chống lạm phát của Ấn Độ trở nên khó khăn hơn và quốc gia Nam Á này sẽ hạn chế xuất khẩu mặt hàng lương thực chính. Trong lúc hàng tỷ người đang phụ thuộc vào gạo của Ấn Độ, một quyết định hạn chế xuất khẩu như thế sẽ tác động đáng kể đến an ninh lương thực toàn cầu.
Theo ông Mukesh Jain, Giám đốc hãng vận chuyển gạo Sponge Enterprises Pvt., do lượng mưa không đủ và nhu cầu gia tăng từ Bangladesh, giá một số loại gạo ở Ấn Độ đã tăng hơn 10% trong 2 tuần qua ở các bang trồng trọt lớn như Tây Bengal, Odisha và Chhattisgarh. Ông Mukesh Jain nói rằng, giá xuất khẩu gạo có thể tăng lên 400 USD/ tấn vào tháng 9 từ mức 365 USD ở thời điểm hiện tại.
Lượng mưa được dự báo sẽ ổn định trong 2 tháng tới cũng có thể cải thiện sản lượng lúa gạo ở Ấn Độ. Tuy nhiên, các nông dân rất lo lắng. Ông Rajesh Kumar Singh (54 tuổi) trồng lúa ở bang Uttar Pradesh cho biết, ông chỉ trồng lúa trên một nửa trong 2,8ha đất của mình do thiếu mưa vào tháng 6 và tháng 7. “Tình hình rất bấp bênh”, ông Rajesh Kumar Singh nói.
GS. Himanshu tại Đại học Jawaharlal Nehru cũng không mấy lạc quan khi cho rằng giá gạo đang chịu sức ép. “Gieo sạ hiếm khi diễn ra sau giữa tháng 7 nên sẽ khó có khả năng phục hồi sản lượng gạo”, vị giáo sư này phân tích, đồng thời nói thêm rằng việc sụt giảm sản lượng gạo có nguy cơ dẫn đến lạm phát.
Thách thức mới
Gạo là lương thực chính ở châu Á. Hầu hết sản lượng gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở khu vực này. Vì vậy, giữa lúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt, châu Á vẫn được xem là điểm sáng trong bức tranh khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá lúa mì và ngô gia tăng, nhưng giá gạo lại giảm, giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực lớn hơn xảy ra. Tuy nhiên, khi sản lượng gạo ở Ấn Độ giảm thì an ninh lương thực đối mặt với một thách thức mới.
Ấn Độ xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với trung bình 22 triệu tấn gạo mỗi năm, chiếm 50% toàn cầu. Tháng 5-2022, giá trị xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng hơn 10% so với một năm trước đó. Tháng 6-2022, Ấn Độ có nguồn dự trữ 33 triệu tấn gạo - mức cao nhất mà quốc gia này đạt được ở cùng thời điểm kể từ năm 2016. Các chuyên gia cho rằng, cách thức Ấn Độ cân bằng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo có thể bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời giải quyết nạn đói cho hàng triệu người trên thế giới.
Phát biểu với hãng tin Al Jazeera, ông Paul Dorosh - Giám đốc chiến lược phát triển của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế - từng nói rằng, nếu Ấn Độ áp đặt hạn chế nghiêm ngặt đối với xuất khẩu gạo, hậu quả sẽ rất nặng nề, nhất là đối với những quốc gia nghèo nhất phụ thuộc vào mặt hàng nhập khẩu này.
Ấn Độ cung cấp gạo cho hơn 100 nước |
KHÁNH LINH (theo Bloomberg, Business Standard)