Đường phố Đà Nẵng với các luật sư

.

Người Đà Nẵng gầy dựng “tài nguyên” giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng thời thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật qua việc đặt tên các luật sư cho nhiều đường phố trên địa bàn thành phố.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thứ hai, từ phải sang, hàng trước) bên cạnh Chủ tịch danh dự Tôn Đức Thắng tại Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thứ hai, từ phải sang, hàng trước) bên cạnh Chủ tịch danh dự Tôn Đức Thắng tại Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình

Phạm Văn Bạch và Nguyễn Hữu Thọ
Luật sư Phạm Văn Bạch (1910-1987) - người từng giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Sử sách ghi nhận Phạm Văn Bạch tốt nghiệp cử nhân Luật vào năm 1932 tại khoa Luật Trường Đại học Lyon, rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật. Năm 1936, Phạm Văn Bạch giành học vị tiến sĩ Luật hạng ưu với đề tài luận án Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô-viết. Sau đó, ông về nước và hành nghề luật sư ở thành phố Cần Thơ. Năm 2005, Đà Nẵng đặt tên Phạm Văn Bạch cho một con đường trên địa bàn quận Hải Châu.

Vị luật sư thứ hai được đặt tên đường vào năm 2006 trên địa bàn 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Cẩm Lệ là Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) - người từng giữ các trọng trách Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngày 5-9-1932, Nguyễn Hữu Thọ tốt nghiệp cử nhân Luật hạng ưu tại khoa Luật, Trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aix-en-Provence ở Pháp. Năm 1933, ông về nước và bắt đầu tập sự tại văn phòng một luật sư người Pháp. Năm 1939, trở thành luật sư thực thụ, ông mở văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho. Năm 1940, sau khi lập gia đình, ông về hành nghề luật sư văn phòng ở Vĩnh Long và mở thêm văn phòng tại Cần Thơ. Năm 1947, Nguyễn Hữu Thọ từ chức Chánh án Tòa Dân sự tỉnh Vĩnh Long do người Pháp bổ nhiệm năm 1946 để lên Sài Gòn hành nghề luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.

Trịnh Đình Thảo và Phan Anh

Cũng trong năm 2006, Đà Nẵng đặt tên luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986) cho một con đường ở quận Cẩm Lệ. Luật sư Trịnh Đình Thảo từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đầu năm 1926, khi đang học thi tiến sĩ, Trịnh Đình Thảo gia nhập Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Aix-en-Provence, tham gia biện hộ cho nhiều Việt kiều trước tòa án. Đầu năm 1929, Trịnh Đình Thảo đậu tiến sĩ Luật và trở thành thành viên Đoàn Luật sư Tòa Thượng thẩm Marseille. Cuối năm 1929, Trịnh Đình Thảo về nước và làm luật sư tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn.

Tháng 4-1945, Trịnh Đình Thảo nhận lời mời của vua Bảo Đại, ra Huế nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông trở lại nghề luật sư, làm việc tại Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, tiếp tục tham gia phong trào yêu nước cho tới khi thoát ly vào vùng giải phóng.

Năm 2007, Đà Nẵng tiếp tục đặt tên đường Phan Anh (1912-1990) cho một con đường ở quận Hải Châu. Phan Anh từng giữ chức Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Phan Anh tốt nghiệp cử nhân Luật tại Trường Đại học Đông Dương vào năm 1937. Năm 1938, ông sang Pháp để trình luận án tiến sĩ Luật, nhưng Thế chiến thứ hai bùng nổ nên ông không kịp bảo vệ luận án và về nước vào năm 1940. Tháng 4-1945, ông tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim với chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Ông còn là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam từ năm 1955-1981 và là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia quốc tế.

Francis Henry Loseby, Phan Văn Trường và Thái Văn Lung

Năm 2010, một đường phố ở quận Sơn Trà được mang tên người luật sư xuất thân trong một gia đình có truyền thống về nghề luật ở Vương quốc Anh - luật sư Francis Henry Loseby. Sau khi tốt nghiệp trường luật, Francis Henry Loseby làm luật sư cho quân đội Anh trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Năm 1926, Francis Henry Loseby sang Hong Kong làm việc tại Văn phòng luật sư RUSS & CO. Người Đà Nẵng đặt tên đường Francis Henry Loseby nhằm tri ân người luật sư cùng các cộng sự của ông trong Công ty Luật RUSS & CO từng viện dẫn tất cả điều khoản có thể khai thác trong luật pháp Anh để bào chữa cho thân chủ Tống Văn Sơ - bí danh của Bác Hồ trong thời gian hoạt động cách mạng ở Hong Kong và bị Nhà đương cục Hong Kong giam giữ tại nhà ngục Victoria từ tháng 6-1931 rồi đưa ra xét xử qua 9 phiên tòa - buộc Tòa án Hong Kong phải tuyên Tống Văn Sơ vô tội.

Năm 2013, Đà Nẵng lại đặt tên luật sư Phan Văn Trường (1876-1933) cho một con đường ở quận Liên Chiểu. Phan Văn Trường trình luận án Khảo luận về Luật Gia Long tại Đại học Sorbonne vào năm 1922 và trở thành tiến sĩ Luật học đầu tiên của Việt Nam. Ông mở văn phòng luật sư và tham gia Đoàn Luật sư Paris, hành nghề tại Tòa Thượng thẩm Paris. Ở Paris, ông tham gia các hoạt động yêu nước, cùng Phan Châu Trinh lập La Fraternité des compatriotes/

Hội Đồng bào thân ái do chính Phan Văn Trường làm Hội trưởng - một trong những tổ chức đầu tiên tập hợp những người Việt Nam sinh sống, học tập, lao động tại Pháp. Năm 1914, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị Pháp bắt giam gần một năm. Cuối năm 1923, Phan Văn Trường về Sài Gòn vừa hành nghề luật sư, vừa hợp tác với nhà yêu nước Nguyễn An Ninh cùng làm báo La Cloche Fêlée/Tiếng chuông rè và L’Annam/Nước Nam chống thực dân Pháp.

Năm 2019, cũng trên địa bàn quận Cẩm Lệ còn có đường Thái Văn Lung (1916-1946) - người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Thủ Đức sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xây dựng tổ chức lực lượng vũ trang của huyện, được nhân dân gọi là bộ đội Thái Văn Lung.

Thái Văn Lung đỗ cử nhân khoa Luật tại Đại học Paris. Đầu năm 1945, ông về nước làm việc tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, trước khi cùng với Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát… tham gia lãnh đạo tổ chức Thanh niên Tiền phong. 

Những người có học vị cao về luật nhưng không hành nghề luật sư

Đà Nẵng cũng có một số đường phố mang tên những người có học vị cao về Luật khoa nhưng không hành nghề luật sư, chẳng hạn Phạm Huy Thông (1916-1988) được đặt tên cho một con đường ở quận Sơn Trà vào năm 2007. Từ năm 1932, khi mới 16 tuổi, Phạm Huy Thông đã thành danh trên lĩnh vực văn chương với một số bài thơ mới như Tiếng địch sông Ô, Anh Nga… nhưng ông không theo đuổi lĩnh vực này. Đến năm 1937, Phạm Huy Thông tốt nghiệp cử nhân Luật tại Trường Đại học Đông Dương và sang Pháp làm nghiên cứu sinh. Năm 1942, ông đỗ tiến sĩ Luật khoa. Năm 1952, do tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp nên ông bị trục xuất về nước, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Sài Gòn.

Đỗ Đức Dục (1915-1993) được đặt tên cho một con đường ở quận Thanh Khê năm 2014. Năm 1938, Đỗ Đức Dục đỗ cử nhân hạng ưu khoa Luật tại Trường Đại học Đông Dương. Năm 1946, ông là đại biểu Quốc hội khóa I đơn vị tỉnh Hà Đông, thành viên Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước ta và là người trực tiếp thuyết trình bản dự thảo này tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Năm 2018, Đà Nẵng đặt tên Đinh Gia Trinh (1915-1974) cho một con đường ở quận Cẩm Lệ. Năm 1941, Đinh Gia Trinh đỗ cử nhân khoa Luật tại Trường Đại học Đông Dương. Năm 1946, cũng như Đỗ Đức Dục, Đinh Gia Trinh là đại biểu Quốc hội khóa I đơn vị tỉnh Hà Nam và được Quốc hội bầu vào Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp đầu tiên của Quốc hội nước ta. Đóng góp lớn của Đinh Gia Trinh vào nền luật học Việt Nam là đã biên soạn cuốn Sơ thảo Lịch sử Nhà nước và Pháp quyền Việt Nam tập 1 - sách chuyên khảo đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước và pháp luật Việt Nam từ nguốn gốc đến thế kỷ XIX (NXB Khoa học xã hội, 1968).

Vinh danh các luật sư không chỉ được đào tạo bài bản về luật học để trở thành chuyên gia xây dựng Nhà nước pháp quyền mà còn là những trí thức chân chính luôn đồng hành với đất nước và dân tộc, người Đà Nẵng vừa gầy dựng “tài nguyên” giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, vừa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa bày tỏ sự ngưỡng mộ tôn kính đối với các luật sư được đặt tên đường.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.