Nghĩ về những gì đã có với nhau

.

Cuộc cà phê vào cuối năm ngoái giữa tôi và nhóm bạn trở nên sôi nổi hơn bởi một câu chuyện vừa được đọc trên mạng: Ở khu phố Urbi Villa của Cajeme (bang Sonora, Mexico) có vợ chồng nọ sống rất hạnh phúc. Đến một ngày kia, người vợ phát hiện trong điện thoại của chồng có những hình ảnh thân mật giữa anh và một cô gái. Trong cơn ghen, người vợ đã dùng dao đâm nhiều nhát vào tay và chân chồng. Chuyện chưa dừng ở đó, theo lời khai trước tòa của người chồng, anh này đã tìm thấy những hình ảnh thân mật của hai vợ chồng trong một email cũ. Để nhớ “một thời ta đã yêu”, anh đã tải những hình ảnh đó về điện thoại. Và nhân vật phụ nữ trẻ tuổi kia không ai khác là người vợ hiện tại.

Tôi và những người bạn cùng tranh luận về sự vô lý của câu chuyện nói trên. Có người cho rằng, làm sao người vợ không nhận ra được chính mình. Dẫu thời gian trôi qua, dẫu mình không còn trẻ đẹp như xưa thì dù ít dù nhiều, vẫn còn những nét đặc trưng nào đó của bản thân, chí ít là đôi mắt, bởi đó là “cửa sổ tâm hồn” của mình kia mà!

Còn tôi nghĩ, trong cuộc sống, chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhất là trong cơn ghen thì lý trí bị lu mờ. Đặc biệt, khi hai vợ chồng đã có một xung đột nào đó từ trước, lúc bắt gặp những hình ảnh thân mật trong điện thoại dẫn đến “tức nước vỡ bờ”, khiến người vợ không thể tỉnh táo, dẫn đến hậu quả đau lòng như vậy.

Trong một chương trình truyền hình mà tôi từng xem, khi giao lưu với khách mời là một phụ nữ đang gặp chuyện lục đục trong hôn nhân, MC chia sẻ: “Chuyện vợ chồng là chuyện trăm năm, nó dài lắm. Có những lúc mình nghĩ rằng mình không bỏ qua cho nhau. Khi mình tức giận nhất, hãy nhớ những gì mà người ta đã trải qua với mình, đừng nhớ những gì mà người ta vừa làm với mình”. MC đã khuyên cặp vợ chồng đó hãy trả lời hai câu hỏi, sau khi đã nhớ về những gì đã trải qua cùng nhau: “Nếu mình bỏ qua thì mình được cái gì?” và “Có đáng hay không?”. 

Thực tế thì rất hiếm - nếu không muốn nói là không có mối quan hệ nào êm ả, phẳng lặng mãi. Bát đũa trong chạn còn có lúc xô nhau, huống chi là quan hệ vợ chồng, anh em, đồng nghiệp, đôi lứa yêu nhau…

Trước nguy cơ tan vỡ của một mối quan hệ, thay vì nghĩ về những gì mà người ta vừa làm với mình, hãy nghĩ về những gì đã có với nhau. Chính khoảnh khắc ấy mới giúp chúng ta nhớ về những quan tâm, thương lo cũng như sự trân trọng mà đôi bên đã dành cho nhau.

Về sau này, tôi luôn tự nhắc mình và bạn bè phải thực sự điềm tĩnh trong mọi tình huống. Lẽ thường, lòng người lúc ấm lúc lạnh; lúc ấm thì không nói làm gì, nhưng lúc lạnh thì làm sao có thể “bình chân như vại”. Có điều, trước khi nói, làm hay quyết định điều gì mang ý nghĩa trọng đại, nhất là có nguy cơ dẫn đến hậu quả nào đó, giá mà chúng ta chậm lại một chút để nghĩ về những gì đã có với nhau. Chỉ có như thế mới giúp ý nghĩ của chúng ta dịu lại để có thể nhìn nhận sự việc thấu đáo hơn, suy nghĩ và hành động chừng mực hơn...

Giống như MC chương trình nói trên từng chia sẻ, hãy nhớ những gì mà người ta đã trải qua với mình, đừng nhớ những gì mà người ta vừa làm với mình. Bởi lẽ, nếu chỉ nhớ đến những gì mà người ta vừa làm với mình sẽ khiến “đổ thêm dầu vào lửa”. Lúc đó, câu chuyện diễn ra như thế nào, hồi kết ra sao, chỉ có… ông trời mới biết!

Sự điềm tĩnh luôn cần thiết và quan trọng, nhưng không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một quá trình sống, trải nghiệm; thậm chí là kết quả của một chuỗi va đập, vấp ngã, mà sự điềm tĩnh là điều bắt buộc chúng ta phải có, để tránh những tổn thương hay hệ lụy xấu về sau. Nhưng điều quan trọng là ta có muốn nghĩ về những gì đã có với nhau hay không...

HỒ HUY SƠN

;
;
.
.
.
.
.