NGƯỜI XỨ QUẢNG

Chuyện những ông thầy Quảng

.

Những ông thầy Quảng đã để lại những trang đời thanh cao, đẹp đẽ đến nỗi người không phải là môn đệ của các vị cũng phải ngả mũ bái phục.

Cháu 4 đời Cử nhân Lê Tấn Toán viếng hương cụ tại nhà thờ tộc Lê Tấn, làng Hà Lộc (nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Cháu 4 đời Cử nhân Lê Tấn Toán viếng hương cụ tại nhà thờ tộc Lê Tấn, làng Hà Lộc (nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

1. Lần trang sử cũ, thấy có nhiều ông thầy Quảng dạy các hoàng tử triều Nguyễn trước khi các học trò này lên làm vua. Có thể kể đến các vị: Phạm Phú Thứ (dạy vua Tự Đức), Nguyễn Dục (dạy 3 vua: Dục Đức, Kiến Phúc và Đồng Khánh), Trần Văn Dư (dạy vua Dục Đức)... Đặc biệt, Nguyễn Duy Hiệu vào năm 1882 được vua Tự Đức bổ dụng làm giảng tập ở Dưỡng Thiện Đường để dạy các hoàng tử, trong đó có 3 người về sau làm vua là: Ưng Kỷ (Đồng Khánh), Ưng Đăng (Kiến Phúc) và Ưng Lịch (Hàm Nghi).

Trước khi trở thành thầy dạy vua, Nguyễn Duy Hiệu đã theo học cụ Cử nhân Lê Tấn Toán ở làng Hà Lộc, phủ Điện Bàn (nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Bài học vỡ lòng thầy dạy trò không chỉ là kiến thức mà còn có cả đạo đức, tiết tháo, lòng yêu nước thương dân của một kẻ sĩ.

Như đã biết, sau khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thoái trào, cả gia đình bị giặc bắt, Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu bàn bạc với các thủ lĩnh của Nghĩa hội để Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự vận mang theo tất cả bí mật của phong trào. Ông lẳng lặng về quê nhà Cẩm Hà (nay thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), ngồi trong một ngôi miếu nhỏ chờ giặc đến bắt, nhận hết trách nhiệm về mình, không để liên lụy đến các thuộc hạ.

Tháng 10-1887, Nguyễn Duy Hiệu bị xử chém khi tuổi vừa tròn 40. Ông ra đi ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, nói như người xưa là đã có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ (bất hoặc). Người thầy truyền đạt cho ông cái sự lý đó, cụ Cử Toán, cũng chịu vạ lây, ung dung nhận chén thuốc độc trong hình phạt “Tam ban triều điển” (chén thuốc độc, thanh gươm, dải lụa) để đi theo học trò.

Nhân cách và tài năng của người thầy làng Hà Lộc đã để lại dấu ấn trong tâm hồn các môn sinh, trong đó có hai người đã làm rạng rỡ trang sử nước nhà. Nếu Nguyễn Duy Hiệu lưu danh thiên cổ với Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) thì Châu Thượng Văn gắn phương danh của mình với phong trào xin xâu kháng thuế ở Quảng Nam năm 1908. Tác giả Lê Bình Trị trong bài viết “Thầy nào trò nấy” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 10-5-2008 nhận xét về tình thầy trò cảm động này: Thầy giáo Lê Tấn Toán và học trò Nguyễn Duy Hiệu được người đời khen ngợi, thật xứng đáng “Thầy ra thầy, trò ra trò”, “Thầy nào, trò nấy”.

Nhận xét về cái chết lẫm liệt của Nguyễn Duy Hiệu, cụ Phan Bội Châu đã viết trong Việt Nam vong quốc sử: “Trời đất phải khâm phục, quỷ thần phải kính ghi”. Còn Frederic Baille, một viên công sứ Pháp đã viết trong Souvenirs d’Annam. 1886-1890 (Quà lưu niệm d’Annam. 1886-1890): “... chiêm ngưỡng nơi y một bản lĩnh, một kẻ trăm rèn mới có, mà người ta lấy làm vinh hạnh là địch thủ của y”.

2. Hơn 20 năm trước, trong lần điền dã khảo sát Gia phả và bia mộ tộc Lê Tấn làng Hà Lộc, người viết từng đọc trên bia mộ một người anh của cụ Cử Toán ở hàng con rể thấy có tên Châu Khởi Vị, người này là con của Châu Thượng Văn - học trò cụ Cử đến từ làng Minh Hương (nay thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Ngày trước, nhà nội tôi chỉ cách học tràng của cụ Cử Toán một cánh đồng. Theo lời ba tôi kể, làng Hà Lộc ngày đó xuất hiện một nhân vật khiến thực dân Pháp mất ăn mất ngủ. Đó là ông Lê Tấn Yết, tục gọi là ông Nghè Sơn Tùng, cháu gọi bằng bác ruột và cũng là môn đệ của cụ Cử Toán.

Ông Yết vừa là đại biểu Viện Dân biểu Trung kỳ, vừa có chân trong Tiên Long Thương đoàn - một hội buôn do các nhà tư bản Việt Nam lập ra khắp 12 tỉnh Trung Kỳ vào những năm 30 của thế kỷ trước để đua tranh với tư bản Pháp, có chi hội đóng tại Hội An. Ông tham gia hội buôn chỉ là mặt nổi, chủ yếu tranh đấu thẳng thừng tại nghị trường, buộc Pháp phải mở trường dạy học tại làng quê mình.

Bác ruột khẳng khái nhận cái chết bằng chén thuốc độc, học trò của bác người bị xử chém khi mới tròn tuổi 40, người không tránh khỏi một kết cục thảm khốc sau vụ kháng sưu giảm thuế năm 1908 ở Quảng Nam... Những sự kiện đau lòng này đã thôi thúc ông Nghè Sơn Tùng trở thành nhà buôn để ngầm kinh tài hoạt động chống Pháp.

Lần nọ, ông Nghè Sơn Tùng mang một số tiền lớn của Thương đoàn đi Hà Nội mua hàng về Hội An bán. Năm 1935, xe lửa (Hỏa xa) từ Hà Nội chỉ chạy tới Vinh, còn xe lửa từ Sài Gòn chỉ chạy tới Tourane (Đà Nẵng), xe đò thì chưa có. Ông và viên thư ký phải đi tàu thủy ra Vinh rồi lên tàu lửa đi Hà Nội.

Xuống ga, về đến nhà trọ, mở chiếc hòm đựng tiền, ông chết điếng khi phát hiện bên trong chỉ toàn giấy và giấy. Thế mà trước đó, ông đã tận tay xếp từng xấp giấy bạc vuông vức vào hòm. Ông lặng lẽ, quay ngay về Hội An. Người ta thấy ông đi lại ra chiều rất mực đăm chiêu trên bến sông Hoài. Rồi một bữa, ở xóm Lò Heo cuối chợ Phố, người ta thấy một đôi dép bỏ lại trên bến. Đó là đôi dép đã mòn vẹt phía gót chân mà ông thường mang khi dạo phố. Còn ông thì không ai còn gặp lại nữa.

Ông Nghè Sơn Tùng có lẽ không được liệt vào danh sách những nhà buôn một thời vang bóng ở phố Hội, nhưng trong tâm tưởng người dân Hà Lộc (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn), ông là một nhà buôn nhỏ có tâm hồn lớn. Về sau, đọc mấy dòng nguệch ngoạc ông Nghè để lại ở nhà trọ, người ta mới hay là viên thư ký đã mua một chiếc hòm y hệt chiếc hòm đựng tiền của ông, ra đến Hà Nội, y biến mất. Ông chỉ còn biết mượn dòng nước bạc để tỏ lòng trinh bạch của mình với đồng chí. Sự thật này chỉ được biết đến sau tiết lộ của bà chủ một nhà trọ ở Hội An - nơi ông Nghè bí mật chuẩn bị cho chuyến đi buôn cuối cùng trong đời mình.

3. Những ông thầy Quảng đã để lại những trang đời thanh cao, đẹp đẽ đến nỗi người không phải là môn đệ của các vị cũng phải ngả mũ bái phục. Thầy và trò cụ Cử Toán đều khảng khái nhận lấy cái chết để giữ vẹn tiết tháo của sĩ phu xứ Quảng.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.