Phượt có trách nhiệm

.

Đi phượt (du lịch bụi) kết hợp làm từ thiện, bảo vệ môi trường đang được giới trẻ yêu thích, bởi ngoài cơ hội thư giãn, khám phá vùng đất, những hoạt động xã hội giúp họ kết nối tốt hơn với thiên nhiên và người dân bản địa.

Phạm Tùng Dương (phải) và người bạn nhặt rác trong chuyến đi cắm trại tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phạm Tùng Dương (phải) và người bạn nhặt rác trong chuyến đi cắm trại tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Phạm Thanh Tùng (quê Thái Bình, đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng) cho biết, anh và nhóm bạn đang lên kế hoạch đi phượt làng Aur (xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) kết hợp giúp đỡ đồng bào. Dự kiến nhóm sẽ di chuyển từ Đà Nẵng lên Aur trong 3 ngày 12, 13 và 14-8, mang theo sách vở, truyện tranh, đồ chơi, quần áo tặng trẻ em Cơ tu.

Theo anh Tùng, làng Aur nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, vùng giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Làng có hơn 20 nóc nhà, là nơi sinh sống của hơn 100 đồng bào Cơ tu. Nhóm sẽ chạy xe máy từ Đà Nẵng đến Làng văn hóa Tà Vàng (xã A Tiêng) nghỉ ngơi, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực trước khi đi bộ vào làng Aur. Ở điểm cuối hành trình, nhóm phượt sẽ tổ chức phát quà cho trẻ em và giao lưu văn hóa, văn nghệ với người dân bản địa.

Thường xuyên tham gia các chuyến phượt, anh Tùng mong muốn kết nối nhiều hơn với người đồng bào sinh sống tại khu vực biên giới. “Đi nhiều, tôi nhận thấy đời sống kinh tế của người đồng bào vùng biên giới còn nhiều khó khăn nên tôi mong muốn được kết nối nhiều hơn thông qua việc hỗ trợ các phần quà nho nhỏ. Điều này giúp chuyến đi thêm ý nghĩa, cũng như giúp mỗi thành viên trong nhóm sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng”, anh Tùng nói.

“Đi bộ nhanh - dọn rác nhiều” là chủ đề chương trình Clean up Sơn Trà - Vì một Sơn Trà xanh năm 2022. Tham gia chương trình, các nhóm tình nguyện viên (đa phần là CLB, đội nhóm trẻ) dọn rác tại bán đảo Sơn Trà trong khoảng thời gian quy định và Ban tổ chức sẽ trao quà cho 3 nhóm thu gom khối lượng rác nhiều nhất. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, điểm mới của Clean up Sơn Trà - Vì một Sơn Trà xanh năm 2022 là khuyến khích giới trẻ tham gia hoạt động tham quan, trải nghiệm bán đảo Sơn Trà kết hợp nhặt rác, bảo vệ môi trường. Thông thường chương trình nhặt rác diễn ra một buổi, đủ thời gian cho bạn trẻ check-in điểm đến.

Theo ông Vũ, tùy điều kiện kinh phí, Clean up Sơn Trà - Vì một Sơn Trà xanh năm 2022 diễn ra định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý nhằm bảo đảm môi trường bán đảo luôn sạch sẽ, trong lành. Cá nhân tham gia dọn rác được cung cấp dụng cụ thu gom rác, găng tay và phương tiện vận chuyển.

“Điều chúng tôi vui nhất là chương trình đã lan tỏa đến nhiều nhóm phượt trẻ. Họ ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường khi đến tham quan bán đảo, đồng thời giúp Ban quản lý thu gom rác thải ở những vị trí trọng yếu, ít người qua lại”, ông Vũ chia sẻ.

Có mặt trong nhóm Phượt Đà Nẵng từ năm 2019, Nguyễn Hữu Nhật - sinh viên khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) - cho hay bản thân đã 2 lần tham gia Clean up Sơn Trà - Vì một Sơn Trà xanh. Ngoài dọn rác theo lịch trình, anh cùng nhóm bạn thỉnh thoảng tổ chức phượt nhặt rác ở Bãi Đá Đen, Bãi Rạng, Bãi Cát Vàng, Ghềnh Bàng… Ban đầu, nhóm nhặt rác vì cảm thấy khó chịu trước sự nhếch nhác của điểm đến, sau này là yêu và muốn đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Chung niềm trăn trở trên, Phạm Tùng Dương, quản trị viên nhóm Camping in Đà Nẵng (Cắm trại Đà Nẵng) trên facebook cho biết, nhóm đang tích cực kết nối thành viên thích hoạt động phượt vì môi trường. Đơn cử, các hoạt động hiking (đi bộ đường dài) và chèo Sup tại khu vực sông Cu Đê (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) năm nay, nhóm luôn kết hợp nhặt rác cũng như kêu gọi các thành viên có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường khi tham gia phượt, camping. Đây cũng là một trong những điều kiện ràng buộc thành viên nếu muốn tham gia phượt, camping chung với nhóm.

Dương cho hay, nhóm Camping in Đà Nẵng tập hợp người thích cắm trại, du lịch bụi nên tiêu chí đặt ra là “không lấy đi gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những bước chân”, người đến trước phải gìn giữ cảnh quan, môi trường cho người đến sau cùng tận hưởng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.