Sách mới, sách hay

.

1. Từ những công trình chuyên khảo về lịch sử và văn hóa, Tạ Chí Đại Trường - tác giả cuốn Những bài dã sử Việt (NXB Tri Thức, 2021) đã giúp độc giả thấu rõ những khái niệm về nhà thờ, đình làng, miếu mạo, đền, phủ… Cụ thể, nhà thờ là nơi thờ tự của gia đình, tộc họ; đình làng là nơi thờ thành hoàng, đồng thời là ngôi nhà chung của làng, xã; miếu thờ các vị thần được dân làng tôn sùng; đền, phủ là nơi thờ cúng Đạo giáo…

Không dừng lại ở khái niệm rời rạc, Những bài dã sử Việt tập hợp những bài viết về đình làng, sự hình thành và phát triển trong đời sống tâm linh người Việt; dấu vết thủy lợi sử dụng chất liệu đá xếp ở vùng Gio Linh (tỉnh Quảng Trị); Việt Nam ở thế kỷ X; Phổ hệ và chế độ nội hôn của họ Trần; Tiền đúc ở Đàng Trong - phương diện loại hình và tương quan lịch sử… Đặc biệt, bên cạnh thông tin lịch sử, tác giả luận dẫn những nội dung nghiên cứu của bản thân, cũng như chia sẻ nghiên cứu của tác giả khác nhằm làm sáng rõ vấn đề lịch sử, văn hóa.

2. Sách Luận về yêu (NXB Thế Giới, 2022) của tác giả người Anh Alain de Botton - nhà văn, triết gia, diễn giả nổi tiếng thế giới - chia sẻ rất nhiều phương diện về tình yêu đôi lứa, trong đó có cả những điều mà người trong cuộc có xu hướng giấu kín. Tác giả lý giải rằng, “định mệnh” chính là từ mọi người thường nghĩ đầu tiên mỗi khi nhắc đến tình yêu. Đó là những cảm xúc mơ hồ, những lần gặp gỡ khiến bản thân muốn chinh phục và tìm hiểu đối phương: “Chúng ta chỉ phải lòng khi thực sự không biết người chúng ta phải lòng là ai” và “chúng ta không thể lên tiếng một cách chính đáng cho đến khi ai đó có thể hiểu chúng ta nói gì, và về thực chất, chúng ta không hoàn toàn sống cho đến khi chúng ta được yêu”.

Luận về yêu gồm 24 chương, dẫn dắt bạn đọc vào câu chuyện tình yêu của hai bạn trẻ tình cờ gặp gỡ và yêu. Cũng như nhiều cặp tình nhân khác, họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu, lúc nồng nhiệt, lúc buồn chán, lúc hy vọng, lúc ngập tràn hạnh phúc… Bằng những phân tích cụ thể, tác giả cho rằng một dấu hiệu cho thấy hai người đã thôi yêu nhau (hoặc ít nhất là thôi vun đắp) có thể nằm ở chỗ họ không còn có thể biến những khác biệt giữa hai người thành chuyện cười, hoặc đặt ra câu hỏi: “Sống để làm gì nếu không có tình yêu và không được lắng nghe? Tự do là gì nếu nó nghĩa là tự do để bị rời bỏ?”.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.