Sinh viên sáng chế áo giảm kích động ở trẻ tự kỷ

.

Dự án Áo dành cho trẻ tự kỷ của nhóm F.O.B.C, sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa và Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đã được trao Cúp Quán quân cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên năm 2022.

Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng nhóm F.O.B.C - dự án Áo dành cho trẻ tự kỷ cho biết: “Thông qua khảo sát tại các trung tâm dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ, khi ở trạng thái kích động, phần lớn trẻ sẽ có biểu hiện như la hét, đập phá, có thể tự làm tổn thương bản thân hoặc những người xung quanh”. Từ kết quả khảo sát và tham khảo thêm những nguồn tài liệu liên quan đến trẻ tự kỷ cho thấy tần suất kích động của trẻ tự kỷ khoảng 4 lần/tuần. Nếu thời tiết nắng nóng, mức độ có thể nhiều hơn.

Sản phẩm áo dành cho trẻ tự kỷ của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng sáng chế.  Ảnh: HÀ TRẦN
Sản phẩm áo dành cho trẻ tự kỷ của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng sáng chế. Ảnh: HÀ TRẦN

Theo Nguyễn Hoàng Bảo Trâm, thành viên của dự án, thông thường khi trẻ tự kỷ bị kích động, giáo viên và phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ phải ôm trẻ, vỗ về để trấn an, giúp trẻ bình tĩnh lại.

“Thế nhưng, trong quá trình này, nhiều trẻ vẫn khiến người đối diện bị thương, nhẹ thì chỉ ở mức độ xây xát ngoài da, nhưng cũng có nhiều tình huống nguy hiểm”, Trâm nhận xét.

Từ đây, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng nghĩ đến áo thông minh như một công cụ hỗ trợ giáo viên, phụ huynh đỡ vất vả trong việc giúp trẻ tự kỷ khống chế sự kích động.

Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: “Áo thông minh thoạt nhìn như một áo khoác thông thường, sử dụng chất liệu vải, trọng lượng khoảng 1kg. Áo được thiết kế kích cỡ không kén người mặc, trẻ 6-14 tuổi đều có thể mặc được mà không phải thay đổi khi trẻ thay đổi chiều cao hoặc cân nặng. Bên trong áo bố trí hệ thống túi khí, thiết bị masssage được đặt phía trên vai. Áo sẽ hoạt động theo cơ chế kích thích ép sâu”.

Theo đó, khi trẻ tự kỷ bị kích động, áo sẽ tự động bơm làm phồng túi khí ôm chặt vào cơ thể trẻ và thiết bị massage trên hai vai đồng thời hoạt động, giúp trẻ nhanh chóng ổn định tâm lý để trở lại trạng thái bình thường.

Điều khó khăn nhất khi thực hiện dự án này, theo Dũng, là phải tìm được một công cụ hỗ trợ có thể sử dụng ở nhiều trẻ tự kỷ với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Về mặt kỹ thuật, nhóm mất nhiều thời gian để chọn phương án sử dụng túi khí với liều lượng bao nhiêu là phù hợp, thiết kế sao cho chặt chẽ để vẫn an toàn cho trẻ khi thiết bị hoạt động.

So sánh áo dành cho trẻ tự kỷ của nhóm với một số sản phẩm có cùng chức năng khác trên thị trường, Bảo Trâm cho biết, áo hoạt động theo cơ chế tự động, điều khiển từ xa bằng sóng RF, tạo cho trẻ sự thoải mái bằng việc massage. Trong khi đó, một số sản phẩm khác buộc trẻ phải gò ép mình khi sử dụng nên không thoải mái, đôi khi còn khiến trẻ bị kích động hơn.

Không chỉ dừng lại ở phiên bản trình diễn tại cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên năm 2022, nhóm tác giả dự án Áo dành cho trẻ tự kỷ sẽ tìm giải pháp để hoàn chỉnh theo hướng sản phẩm thương mại. Màu sắc và kiểu dáng trang trí bên ngoài của áo sẽ được thiết kế lại để tạo sự thích thú cho trẻ.

“Hiện tại, áo mới có độ phủ từ vai đến vùng bụng. Nhóm chúng em dự tính thiết kế mẫu áo choàng để có thể bố trí các túi khí bao trùm toàn bộ cơ thể trẻ, như vậy sẽ rút ngắn thời gian kích động của trẻ. Ngoài ra, áo sẽ được thiết kế thêm tính năng cảm biến, có thể đo, phân tích nhịp tim cùng một số thông số khác để có thể vừa theo dõi sức khỏe của trẻ, vừa có thể hoạt động ngay khi trẻ bắt đầu bị kích động”, Trâm cho biết.

Do ảnh hưởng Covid-19 nên áo khoác dành cho trẻ tự kỷ của nhóm mới chỉ được thử nghiệm cho 10 trẻ. Kết quả thử nghiệm cho thấy, khi các hệ thống bên trong áo hoạt động khoảng hơn 10 phút, trẻ dần hết trạng thái bị kích động, không la hét và quậy phá.

HÀ TRẦN

;
;
.
.
.
.
.