Những viên thuốc đắng

.

Sáng sớm nay, lúc xếp hàng mua thuốc cho con và cho mình, tôi tự hỏi: Tại sao con người ngày càng tốn tiền cho thuốc thang đến vậy? Trong nhà chỗ nào cũng thấy thuốc, trong túi rác có khi vỏ thuốc nhiều hơn vỏ sữa của con. Thỉnh thoảng dọn nhà, tôi nhặt được cả bịch thuốc uống thừa. Nhà có người già, con nhỏ thì tiền mua thuốc hằng tháng có khi hết nửa tháng lương công nhân.

Mẹ tôi, sau khi bị Covid-19, số thuốc mua tăng lên gấp đôi vì có những triệu chứng hậu Covid chữa hoài không khỏi. Hằng ngày, mẹ không biết phải phân chia thời gian ra sao để có thể uống được hết các loại thuốc trong ngày: thuốc điều trị dạ dày, thuốc khớp, thuốc viêm phổi, thuốc vai gáy, thuốc hoạt huyết… Bỏ lại loại nào thì đau bệnh đấy.

Bọn trẻ trong nhà cũng chẳng mấy ngày không uống thuốc, hết thuốc trị bệnh thì đến thuốc bổ tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch; thuốc giải độc gan; thuốc giúp ăn ngon, ngủ ngon… Ở những bệnh viện tuyến đầu, bệnh nhân vẫn xếp hàng chờ khám từ sáng sớm. Thị xã nơi tôi sống có thêm vài chuyến xe chạy từ 3 giờ sáng để phục vụ nhu cầu đi khám bệnh lên tuyến trên ở thành phố của người dân.

Tôi nhớ đến thời thơ ấu của mình. Cuộc sống ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, bữa cơm độn khoai sắn, với con cua con hến dưới đồng ăn quanh năm. Chiếc áo ấm mặc cả mùa đông, đêm ngủ còn để chậu than dưới gậm giường, có khi nằm ổ rơm trong những ngày giá lạnh, nhưng không hề ốm vặt. Những đứa trẻ quê tôi cả năm không mất viên thuốc nào. Nếu có lỡ ốm sốt thì hái nắm rau diếp cá, tía tô, lá hẹ ngoài vườn uống là khỏi.

Đâu như bây giờ, trẻ con bé xíu đã phải dùng kháng sinh liều cao. Mấy loại thuốc dân dã quê nhà không làm sao khỏi bệnh. Con gái tôi sau nhiều lần điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh, cơ thể bị nóng, nổi mụn khắp người. Bệnh này sinh ra bệnh kia, thuốc này cơ thể chưa kịp thải trừ lại đến thuốc khác. Nhiều lúc cầm tiền mua bịch thuốc cho con mà thấy xót xa. Giá như tiền ấy con ăn, con mặc để khỏe mạnh, tươi vui thì chẳng nói làm gì…

Tại sao con người ngày càng yếu ớt, mắc nhiều bệnh tật? Tại sao hệ miễn dịch của con người ngày càng yếu đi? Trước tiên, chúng ta thấy rằng, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, làm tăng gánh nặng bệnh tật từ việc phải tiếp xúc trực tiếp với điều kiện nhiệt độ cực đoan, khắc nghiệt; tác động đến dinh dưỡng khi gây tình trạng khan hiếm nước, mặn hóa đất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu làm tăng bệnh tật liên quan đến an toàn thực phẩm, bệnh truyền nhiễm, bệnh hô hấp do không khí ô nhiễm.

Tác hại của bức xạ tia cực tím cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe: đục thủy tinh thể, ung thư da, cháy nắng… Sau nữa có lẽ là do chúng ta ăn uống ngày càng nhiều thực phẩm bẩn bày bán khắp nơi trên thị trường. Sự lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm chính là “thủ phạm” làm tăng tỷ lệ người mắc bệnh ung thư. Tất cả những nguyên nhân đó đều từ con người mà ra, con người tàn phá thiên nhiên dẫn đến biến đổi khí hậu, con người tạo nên thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường... Người nội trợ dù cẩn thận, tỉ mẩn cũng không tránh khỏi sự lo lắng không bảo đảm được những bữa ăn sạch cho gia đình.

Tôi cứ nghĩ mãi về vòng luẩn quẩn giữa đồng tiền và những viên thuốc đắng. Steve Jobs khi đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác đã nói: “Chiếc giường đắt nhất thế giới là chiếc giường bệnh”. Bài học đắt giá ấy nhiều người cho đến lúc sắp nhắm mắt xuôi tay mới nghiệm ra khi đã dành cuộc đời chạy đua với thời gian, lao vào công việc, bán rẻ sức khỏe để kiếm tiền, để rồi cuối đời lại dùng những đồng tiền ấy mua một chiếc giường trong bệnh viện. Thử hỏi có đáng hay không?

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.