Thế giới của yêu thương

.

Sáng nay thức dậy thấy nơi kẹt cửa một bì bánh Pía và chùm dâu da, tôi biết đó là quà của bà Bảy hàng xóm. Nhận quà của bà nhiều lần, lần nào tôi cũng rưng rưng xúc động. Tôi từ quê lên lấy chồng ở phố, sự quan tâm của bà làm tôi tha thiết những ấm áp ngày xưa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi ấy, như bao ngôi nhà khác ở quê, nhà tôi cũng có lối cửa phụ mở ra phía bên kia là khu vườn nhà hàng xóm, người ta gọi là cửa hông. Đó là những cánh cửa nhỏ chỉ vừa một người đi. Nói là phụ nhưng đối với trẻ con và phụ nữ trong gia đình thì đó lại là lối đi chính.

Mùa hè, mới sáng sớm, lũ trẻ đã tót ra vườn qua lối cửa hông. Đứa đem trâu ra đồng, đứa ùa theo chúng bạn với rất nhiều trò chơi. Ban trưa, cửa hông cũng là “lối thoát hiểm” nhanh gọn lẹ, giúp những cô cậu nhất quỷ nhì ma tránh xa ánh mắt la rầy, thúc ngủ của mẹ, của bà.

Cửa hông bên nhà chẳng mấy khi khép. Những tia nắng xiên xiên buổi sớm soi rõ hàng triệu hạt bụi lân tinh từng là điều bất ngờ đầy kỳ diệu cho những đôi mắt bé thơ. Từ lối ấy, tiếng chim trên vòm lá của cây đào, cây bưởi trưa nào cũng vọng vào lích rích, cộng hưởng cùng làn gió nồm nô đùa mát rượi trở thành lời ru mượt mà cho mọi giấc mơ trưa.

Mỗi ngôi nhà thường có vài cánh cửa hông. Cửa hông không đóng nhưng cánh đàn ông chẳng mấy khi đi lối này. Cửa mở ra những khoảng trời của bà, của mẹ.

Phía ngoài chiếc cửa hông gần khu vực bếp nhà tôi là khoảng sân ướt với chiếc bể nước to từ lâu đã xanh lên màu rêu cũ kỹ, bên trên được ngoại “thắp” lên một giàn bầu non mượt dưới tầng trời xanh um. Những ngày mẹ đi chợ về, tôi luôn thích ngồi cùng mẹ thật lâu nơi bậc thềm cánh cửa hông này. Dưới mái nhà xanh của những chiếc lá, hơi nước từ bể tỏa ra khiến không gian mát rượi như sương, tôi cùng mẹ kiểm đếm, sắp đặt những thứ vừa mua được trong buổi chợ. Ngoài rau trái, tôm thịt, lúc nào tôi cũng được mẹ thưởng cho một bịch bánh ram, món bánh tuổi thơ ngọt ngào mà chỉ cần nhắc đến thì trên đầu lưỡi như vẫn còn dư vị của những lớp đường ngào…

Cửa không chỉ in dấu chân ra vào của những thành viên trong gia đình mà còn là nơi hàng xóm, láng giềng mỗi ngày trao nhau các món ngon, tiếng dạ thưa, chào hỏi. Cũng như bà Bảy bây giờ, cạnh nhà tôi hồi ấy có nhà ông bà Giáo đã lớn tuổi, ở xa con cái. Vườn ông bà trồng rất nhiều rau và các loài cây ăn trái. Mùa nào thức nấy. Mùa xuân có cam, chanh, bưởi; mùa hè có mít, ổi, nhãn, xoài… Những trái nào đẹp mã, ông bà dành cho những buổi chợ xa, còn lại ông bà đem biếu quanh xóm, những nhà nào có nhiều trẻ con như nhà tôi càng được ưu tiên. Xoài ngọt lịm, ổi thơm giòn, những miếng cơm nhãn sần sật ngọt thanh ngày ấy đã mở ra trong tôi tình yêu dành cho biền bãi, vườn tược. Những khu vườn mùa hè rợp tràn ong bướm và hương hoa.

Cửa hông tuy nhỏ nhưng mở ra cả thế giới của yêu thương. Với tôi, những ai đi vào từ lối cửa chính đều là khách, còn những ai tìm nhau qua lối cửa hông đều thân thiện, gắn bó như người nhà. Không biết bao nhiêu lần cái Tý nhà tôi chẳng cần chờ bà Giáo cất tiếng, qua lối cửa hông, chỉ cần nhìn dáng bà loay hoay với cây kim trên tay thì nó chạy tót ngay sang chấm chấm mút mút vào đầu chỉ, giúp bà xâu kim.

Cửa hông là nơi mẹ tôi từng ngồi tết tóc, đan áo, là nơi tôi ngồi lẫy ốc, ngắm trăng…

Ở làng bây giờ, càng ngày càng hiếm những ngôi nhà có cửa hông. Người trẻ chuộng xây nhà ống, nhà tầng. Họ lắp thật nhiều cửa kính trong suốt nhưng cả ngày lại kéo màn che thật kín. Mọi người ngại hỏi han, ngại thăm viếng lẫn nhau.

Cuộc sống càng hiện đại, con người càng ít khi sống chậm. Còn tôi vẫn nhớ về cánh cửa hông với một thế giới đầy ắp yêu thương.

MINH THI

;
;
.
.
.
.
.