Con ngõ nhỏ có rặng tre xanh

.

Trước mặt nhà tôi là rặng tre dày, đan khít, thân và lá bốn mùa xanh ngắt tỏa bóng mát cả một khoảng không gian. Không rõ cha tôi trồng từ lúc nào; khi tôi biết nhảy lò cò, chơi nẻ, bụi tre đã lặng thầm đứng nơi đầu ngõ, tỏa bóng che chở mái đầu bé xíu tóc đuôi gà đỏ quạch vì ham chơi, dang nắng. Rặng tre ấy gắn với một thời thơ ấu tươi đẹp bên mái nhà yêu thương mà mỗi khi đi xa, tôi vẫn thao thiết nhớ về.

Nhà tôi ở cuối con đường đất, ngó ra tỉnh lộ vốn là tuyến giao thông chính từ Vĩnh Điện đi Hội An. Mỗi chiều, dưới bóng tre trước ngõ, cha tôi thường ngồi đan lát; những nan tre dưới bàn tay thoăn thoắt của người bỗng chốc thành những chiếc rổ xinh xắn, cái giỏ đựng rơm vừa nhẹ, vừa gọn.

Trong ký ức của nhiều người vẫn lưu giữ hình ảnh những rặng tre già giữa vùng quê yên ắng, thanh bình và tươi đẹp. Ảnh: N.T.T.T
Trong ký ức của nhiều người vẫn lưu giữ hình ảnh những rặng tre già giữa vùng quê yên ắng, thanh bình và tươi đẹp. Ảnh: N.T.T.T

Rặng tre như bức bình phong che cho ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi biết bao mùa mưa gió, bão lũ. Mỗi cây tre bề ngang chỉ vừa một nắm tay mà thân vươn cao đón nhận mưa sa bão táp. Những ngày bão, đóng kín cửa, ru rú trong nhà nhưng đôi mắt láu táu của trẻ con vẫn len lén qua khe cửa. Nhìn những cây tre ngã nghiêng, rồi kiên cường đứng dậy, trí óc non nớt của tôi liên tưởng đến trận đánh của những anh hùng trong cổ tích với gió bão, lũ lụt; bên tai vang lên giọng đọc của cô giáo: “Ông trời/ mặc áo giáp đen ra trận/ Muôn nghìn cây mía/ múa gươm/ Kiến/ hành quân/ đầy đường/ Lá khô/ gió cuốn/ bụi bay /cuồn cuộn/ Cỏ gà rung tai/ nghe/ Bụi tre/ tần ngần/ gỡ tóc…” (Mưa - Trần Đăng Khoa). Bão tan, ngõ đầy lá xanh rụng, những thân tre trầy xước, ngọn tả tơi, có cây cong hẳn xuống như chiếc lưng cụ già cong võng bởi gánh nặng thời gian.

Những ngày còn bé, tôi thường quanh quẩn bên gốc tre, bẻ những cành khô làm củi, cha tôi tranh thủ đánh gốc trối phơi kịp nắng, dự trữ cho những ngày mưa. Mùa hè, khi những chiếc mo nang làm tròn chức năng bao bọc cây non, khô đi và thả trôi theo gió, chúng tôi thường nhặt chúng xâu thành từng chùm nấu nồi cơm gạo mới. Chiếc nào thẳng, to thì được cắt tròn thành chiếc quạt mo phe phẩy, xua tan cái nóng oi ả của trời hạ. Thuở ấy, ở quê tôi, người lớn vẫn dùng quạt bằng mo cau nhưng bàn tay yếu nhỏ của bọn trẻ chúng tôi chỉ thích cầm chiếc quạt tự tay mình cắt từ chiếc mo nang vừa nhẹ, vừa gọn; quạt chán thì chụm lửa và thay chiếc khác đẹp hơn, trắng hơn. Bữa cơm mẹ nấu sau mỗi trưa đi học về có món canh măng chua với cá lóc đồng, thơm lừng cả gian bếp, giờ nhắc lại vẫn còn thoang thoảng mùi hương ngày xa ấy.

Những đêm trăng sáng, cha tôi thường đem bộ bàn ghế tre ra trước ngõ, đặt ấm nước chè, vừa hóng gió, ngắm trăng, vừa chuyện vãn cùng các bác hàng xóm; còn lũ trẻ chúng tôi cũng có dịp bày trò năm mười, u mọi… Khi bình minh vừa thắp lên, lũ chim sẻ, chào mào, chèo bẻo líu lo trên rặng tre, chúng tôi đã sẵn sàng cặp sách, ơi ới gọi nhau đến trường; mỗi bước chân ngoái lại, tôi vẫn thấy những cành tre dưới nắng sớm đu đưa như vẫy chào. Dù ngày nào cha cũng đốn tre già chẻ lạt, vót nan đan lát, có lúc chặt đến ba, bốn gốc tre làm cột chống cây rơm nhưng rặng tre ấy vẫn sinh sôi nảy nở. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Duy đã đúc kết những vần thơ về hình ảnh cây tre Việt Nam: “Thân gầy guộc, lá mong manh/ mà tre nên lũy nên thành tre ơi”. Bụi tre nhỏ thời thơ ấu của tôi theo tháng năm trở thành một lùm tre rậm rạp, cha tôi đã cao tuổi, không còn sức để đốn tre, chẻ lạt. Mỗi chiều tà khi trời vừa tắt nắng, tôi dìu cha ra trước hiên nhà ngồi hít thở khí trời, đôi mắt người vẫn dừng lâu nhất nơi dãy tre trước nhà...

Mỗi lần về quê, mới xuống xe ngoài đường lớn, tôi đã nhìn thấy hàng tre xanh um, lại như thấy thấp thoáng bóng mẹ đang sảy gạo trước hiên nhà. Khi dừng chân nơi con ngõ nhỏ có rặng tre xanh, tôi hình dung nỗi luyến lưu của cha mẹ với đàn con cháu về thăm mỗi bận cuối tuần, rồi chiều đến thì tất bật chia tay. Rời xa ngôi nhà bên lũy tre, chúng tôi xuôi ngược với những miền đất mới, nhưng chắc chắn những kỷ niệm ngày nào vẫn mãi in sâu như “Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương/ Thời thơ ấu không thể nào đánh đổi/ Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội/ Có một miền quê trong đi đứng nói cười” (Nguyễn Duy).

NGUYỄN THỊ THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích