Người cho con đôi cánh ước mơ

.

Hồi tôi còn đi học, câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất từ cô giáo của mình là “Ai đưa em đến trường?”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi lúng túng vò vạt áo, hơi cúi mặt, trả lời không mấy tự hào rằng mẹ đưa tôi đến trường. Thật ra, công việc chính của mẹ mỗi buổi sáng không phải là việc đưa tôi đi học. Sáng sớm, mẹ đã tất tả chuẩn bị quang gánh với đủ thứ rau củ cây nhà lá vườn chất đầy hai thúng tre. Tôi được mẹ gọi dậy sớm, dúi cho gói xôi bắp, hoặc có hôm là gói bánh tằm khoai mì, hay ổ bánh mì kẹp thịt thơm lừng… Rồi mẹ gánh đôi thúng rau trên quang gánh, tôi lẽo đẽo bám theo quang gánh mẹ đến trường.

Mẹ bán rau ở ngôi chợ nhỏ xíu gần trường học. Vì vậy, đa số bạn bè đều biết tôi là con của “bà bán rau”. Rau vườn nhà được ba trồng và chăm sóc rất tươi tốt nên mẹ bán mau hết. Nhưng mẹ không về ngay mà nấn ná ở lại chờ đến giờ tan học. Sau khi đón tôi, hai mẹ con cùng nhau trở về nhà. Thường thì tôi sẽ được mẹ thưởng cho một cây cà rem đá, hoặc ly sirô đá bào, hoặc ô mai xí muội, nếu hôm đó tôi được cô giáo khen.

Suốt hồi mầm non và tiểu học, tôi hầu như đều đi bộ cùng mẹ đến trường. Tôi thèm biết bao cái cảm giác được một lần ngồi trên yên xe đạp đẹp đẽ sau lưng ba mẹ như những đứa bạn. Nhìn cái cách chúng tự hào bước xuống xe, vui vẻ chào ba mẹ rồi vào lớp, nỗi tủi thân bỗng dâng tràn trong trái tim đứa con nít mới mấy tuổi đầu.

Mấy mươi năm trôi qua, đôi quanh gánh của mẹ đã thành dĩ vãng. Giờ tôi như thấy lại hình ảnh mẹ và tôi hồi xưa, khi tôi đứng chờ đón con trước cổng trường hằng ngày. Và rồi hôm nọ, tôi bắt gặp một bác trai đã lớn tuổi kiên nhẫn đến sớm chờ rước cháu. Bác mất một chân nhưng vẫn xoay xở đỡ đứa cháu trai nhỏ xíu, còi cọc lên yên sau xe đạp. Chiếc nạng gỗ được kẹp trên xe. Ông chỉ còn một chân nhưng vẫn đạp xe và chống chân giữ thăng bằng, chở cháu thật giỏi. Tôi quan sát thật kỹ hai ông cháu, để rồi một hôm khác tôi lặng người đi khi nghe cả hai chuyện trò. “Ông ơi, hôm nay cô giáo hỏi ước mơ của con là gì đó ông!”. “Vậy ước mơ của cháu ông là gì?”. “Con ước lớn lên làm phi công. Con sẽ lái máy bay, chở ba mẹ và ông bay trên bầu trời cao kia kìa!”. Hai ông cháu cười vang cả một khúc đường.

Tôi mừng cho cậu bé có một trái tim thật hồn nhiên tươi nguyên. Trái tim ấy hẳn chứa đầy lòng biết ơn ông của mình. Đôi chân ông đã khuyết một bên nhưng chính đôi chân ấy đang ngày ngày chấp cho cậu bé đôi cánh ước mơ, để vài chục năm sau này, có thể cậu sẽ bay cùng ước mơ trên bầu trời cao rộng kia và chở theo cả người ông của mình.

Hôm kia nữa, tôi suýt ồ lên khi gặp một người cha đi đón con bằng cả chiếc xe ba gác chở… mía. Anh vừa lau mồ hôi, vừa cười phân bua, xin lỗi mọi người vì chiếc xe của mình chiếm chỗ hơi nhiều. Anh từ miền ngoài vào, sau đại dịch Covid-19, công ty phá sản, anh thất nghiệp phải đi bán mía dạo chờ tìm được việc thích hợp. Lạ một điều là khi đứa con gái bé bỏng của anh vừa ra khỏi cổng trường, anh đã nhấc bổng cô bé, cõng ra xe một cách cẩn thận. Nhiều người tỏ vẻ ái ngại khi thấy anh nuông chiều con thái quá. Anh chỉ lặng lẽ mỉm cười. Hôm tôi mua giúp anh mấy cây mía, hỏi thăm mới biết vợ anh đã mất trong đợt Covid-19 bùng phát cao điểm năm 2021. Còn nỗi đau nào lớn hơn!

Tôi nhìn bé gái vui vẻ ngồi trong thùng xe, giữa những cây mía dài ngoằng, miệng líu lo trò chuyện với ba mà lòng dâng trào nhiều xúc cảm. Con gái à, mong con sau này sẽ nhớ mãi người ba và chiếc xe chở đầy những cây mía ấy. Ba không chỉ chở mía mưu sinh, mà chở luôn ước mơ cho con.

Giá như thời gian quay ngược lại, tôi sẽ ngẩng cao đầu tự hào về mẹ. Nhờ tình thương bao la của mẹ, ước mơ tôi nay đã vẹn tròn rồi.

Tôi nghĩ về những ngày khốn khó đã qua…

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.