Rửa chén cùng mẹ, tùy bút của Nguyễn Đình Xê (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021), gồm 35 bài viết ngắn. Trước đây, khi còn công tác ở báo Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi báo Người Lao động, Nguyễn Đình Xê đã có những trang văn ấn tượng, tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc… Anh viết ít, chọn lọc sự kiện, nhân vật, câu chuyện và chọn cả cách viết, cách dẫn chuyện.
Tùy bút Rửa chén cùng mẹ của tác giả Nguyễn Đình Xê. |
Với Rửa chén cùng mẹ, Nguyễn Đình Xê dựng lên một thế giới đẹp đẽ của tuổi thơ bên bà ngoại, người dì, người cậu (Nhãn vườn quê ngoại, Vườn không còn chim cút, Ngoại dạy chúng tôi nhắm mắt), dựng nên một trang viết thầm lặng về người cha làm nghề thợ may (Từ thôi thúc của yêu thương). Ở đó, ta gặp một màu sương hoài niệm về quán hớt tóc ngày xưa, dọc theo sông Hàn (Thứ hai hớt tóc). Nhớ một khung trời mộng mơ, đầy kỷ niệm về ngôi trường, bạn bè: “một mảng ký ức sống lại nóng hổi và khoảng trời xanh mây trắng ngoài cửa lớp, đây này vạt áo lụa tinh khôi và mùi hương cũ xao xuyến nồng nàn thuở dậy thì…” (Miếng mẻ sành); một tâm hồn đa cảm, lòng sầu vương của “cậu bé thả hồn theo từng lời ca, đắm đuối theo chuyện tình đẫm nước mắt của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, chí anh hùng hảo hớn của Võ Đông Sơ nhắn gửi người tình Bạch Thu Hà, rồi thổn thức với nỗi niềm ngang trái của anh bán chiếu trên sông Phụng Hiệp”, bốn mươi năm sau, vẫn còn vương theo ý nhạc năm nào (Lời thì thầm của tuổi thơ).
Qua Rửa chén cùng mẹ, bạn đọc nhận ra một thứ hương: mùi hương tủ (trang 18), mùi hương kỷ niệm (trang 42), mùi hương tóc (trang 78), mùi hương cũ xao xuyến (trang 80), con phố hương thơm (trang 105), hương vị quê nhà (trang 146), đặc biệt, hương của tình yêu đầu đời, hương của thời gian: “Hương thơm tuổi thơ như chuyến tàu chở bạn xuôi về quá khứ với nhiều nỗi niềm. Trên chuyến tàu ấy, bạn gặp lại mái ấm gia đình với đầy đủ bố mẹ, các anh các chị cùng lũ em, gặp lại nỗi xao xuyến học trò với nhiều yêu thương mộng mị mà sau này chẳng bao giờ gặp lại trên đường đời nhiều biến động” (Chuyến tàu của hương thơm).
Nguyễn Đình Xê còn rung động về “một trời hoài niệm”, hoài niệm về một giọng Quảng nơi phương xa” (Vào chợ Bà Hoa mua … giọng Quảng); hoài niệm về một chỗ ngồi trong lớp học ngày xưa, “từng năm, rồi từng năm, chỗ của tôi cứ chồng chất người ngồi … và dù năm tháng phủ lên phận người đủ thứ buồn vui, ngọt ngào hoặc cay đắng, truân chuyên hay êm ả, chỗ ngồi ấy hãy còn tinh tươm để giữ cho bạn vẹn nguyên sống động vũ trụ học trò” (Ai ngồi chỗ của tôi); hoài niệm về tuồng chữ cũ của bạn (Tôi tìm thấy tôi trong tuồng chữ của bạn); hoài niệm về người thầy, “vẫn giữ cốt cách và phong thái của một người gieo hạt đầy lạc quan và trách nhiệm” (Chữ của thầy); hoài niệm của cậu bé mê vọng cổ ngày ngày thả hồn theo từng làn điệu của những Út Trà Ôn, Tấn Tài, Lệ Thủy (Lời thì thầm của tuổi thơ); hoài niệm về “Tờ bạc của mẹ” trong quán cà phê buổi sớm với người nghệ sĩ cũng khố rách áo ôm như mình.
Tập tùy bút dịu dàng với thứ tình yêu thơ mộng, rung động đầu đời, đẹp như bài thơ qua bao mùi hương ấy, từ một dòng sông Thu hiền lành, chảy qua tuổi thơ; nghĩa là, qua tác giả, người đọc như được trở về dưới mái hiên nhà mình, quanh viền sân, nơi bậc cửa, nơi chiếc bàn con nghe kể chuyện của làng, của ngoại, của mẹ, của năm tháng cũ, đầy ắp những cảm xúc. Những câu chuyện bình dị, gần gũi, đời thường, cứ như thế, rười rượi, thân tình.
Có thể nói, Rửa chén cùng mẹ của Nguyễn Đình Xê đưa ta về một tầng văn hóa - văn hóa của những làng quê, phố thị của một thời quá vãng chưa xa lắm! Với Nguyễn Đình Xê, qua các mẩu chuyện, không hề làm văn chương, trước hết và sau cùng, vẫn là cuộc đời, là rung động của trái tim về cảnh và người quê nhà. Trong Rửa chén cùng mẹ, chú ý sẽ thấy cái tình, cái đằm sâu của tác giả. Tác giả nói chuyện rửa chén không phải với mẹ, mà là “cùng mẹ”. “Cùng” và “với”, về mặt ngữ nghĩa khác nhau lắm. Nếu là con gái trong nhà, rửa chén là chuyện phải làm, đương nhiên, ở đây, là con trai, việc rửa chén không ai bắt buộc. Cùng mẹ rửa chén, vượt lên trên phân công lao động, đó là sự sẻ chia, là tình thương yêu, là thứ tâm tình tặng mẹ. Nhẹ nhàng, bình dị, song, sâu lắng vô cùng. Chữ “cùng” ấy động chạm đến trái tim người đọc.
Người đọc bâng khuâng trước dòng văn nhẹ nhàng, chân thật khi viết về mẹ: “Chừ về bên bếp nhà mẹ và cùng mẹ rửa chén, tôi bắt gặp mình với cậu bé ngày xưa hấp tấp, lo âu, xuyến xao bối rối, lòng mãi phân vân giữa rạo rực chờ mong và phập phồng trốn lánh cái dáng áo trắng năm nào” (Rửa chén cùng mẹ). “Những lần trở về đứng cạnh mẹ bên gian bếp, thò tay vào mớ rau muống mà mẹ đang lặt hay loay hoay cùng mẹ bên bồn rửa chén, tôi lại thêm một lần nghe lại những chuyện kể của bà. Vẫn nhiều sôi nổi, hào hứng dù giọng mẹ bây giờ yếu đi thấy rõ. Nhờ vậy mà anh em tôi thỉnh thoảng lại được trở về với tuổi thơ, san sẻ nhiều hồi ức không chỉ của riêng mỗi người” (Từ thôi thúc của yêu thương).
Như lời tác giả nói, khởi nguồn những trang viết là từ sự thôi thúc yêu thương của tình cảm gia đình thiêng liêng và “quê hương tuổi thơ tôi” hay bóng dáng đồng nghiệp, đồng môn và vài nghệ sĩ quen thuộc. Ở đó, ta gặp một Nguyễn Đình Xê thành thật, chân tình với bạn bè, với những gương mặt yêu quý như Phan Huỳnh Điểu, Thu Bồn, Chóe...
Rửa chén cùng mẹ là những trang viết đầy xúc cảm… Các câu chuyện như chảy ra từ con sông hoài niệm. Một thứ chân trời cũ (tên một tác phẩm của Hồ DZếnh) hiện về, rõ mồn một, xao xuyến. Những bài viết ngắn, khắc ghi những ký ức khó quên, đó là: Vườn không còn chim cút, Hương gối, Lời thì thầm của tuổi thơ, Củ sắn của bác xích lô, Ngoại dạy chúng tôi nhắm mắt, Tiếng tàng héng, Ổ khóa tình nhân, Chiếc tủ cũ… được nhìn dưới con mắt ngây thơ hoặc dưới giọng u hoài, thương nhớ hay pha chút u-mua (humour - hài hước) nhẹ nhàng. Nguyễn Đình Xê có cái tài tình trong việc chọn chi tiết, hình ảnh bằng một trái tim nhạy cảm, sâu đậm với quê hương, làng xóm. Mỗi câu chuyện là một bức tranh trữ tình về đời, về người.
Rửa chén cùng mẹ, tập tùy bút ghi chép những chuyện vụn của một cá nhân, một gia đình, một vùng quê. Ở đó, tưởng chẳng có gì để nói cả, vậy mà, đằng sau đó, là cả vùng trời thương yêu, một nơi chốn đi về, để nhớ, để thương, để tự hoàn thiện mình, mà thiếu nó, con người sẽ trống trải và cô đơn biết mấy.
HUỲNH VĂN HOA