Trưng bày bản thảo của Marcel Proust ở Paris

.

Marcel Proust (1871-1922, người Pháp) là một trong những tiểu thuyết gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông là tác giả cuốn À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất), cuốn tiểu thuyết bảy tập dựa trên cuộc đời của Proust - từng được Tạp chí Time bầu chọn là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại.

Trang bản thảo “Đi tìm thời gian đã mất”.
Trang bản thảo “Đi tìm thời gian đã mất”.

Bản thảo tiểu thuyết nổi tiếng này cùng một số hiện vật khác của Marcel Proust được Thư viện François Mitterrand ở Paris tổ chức triển lãm từ đây đến hết ngày 22-1-2023. Triển lãm diễn ra nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn nhằm giới thiệu những trang bản thảo viết tay, từ cuốn đầu tiên viết năm 1913 và cuốn cuối cùng năm 1937. Bên cạnh đó, Thư viện François Mitterrand còn trưng bày gần 350 hiện vật, bao gồm các tài liệu chưa từng thấy, bản thảo, ảnh, tranh vẽ, đồ vật, trang phục theo dõi và minh họa quá trình sáng tạo của Proust vào thời điểm ông viết từ cuối thế kỷ 19 cho đến khi ông qua đời vào năm 1922.

Proust thích viết bằng bút máy trên giường, nơi ông ngủ vào ban ngày và làm việc vào ban đêm. Đây là một trong số các cuộc triển lãm đặc biệt nhất tại Thư viện François Mitterrand - một phần Thư viện Quốc gia Pháp. Có nhiều cuốn sổ ghi chép Proust viết bằng bản thảo, gần như không đọc được. Những bản nháp thô ráp trên những tờ giấy lót ố vàng, rời rạc được xé ra từ chính những cuốn sách đó và hàng chục trang bản thảo viết tay và đánh máy, cũng như những ấn bản kiểm chứng của nhà xuất bản đầy dấu hiệu chỉnh sửa, chú thích và sửa đổi.

Hiện vật tiết lộ rành mạch về một nhà văn có tính mô phạm và theo chủ nghĩa hoàn hảo; một người biên tập và sửa đổi không mệt mỏi công việc của chính mình. Proust đã sửa từng chữ, từng mỗi, thậm chí toàn bộ trang với các chỉnh sửa được vẽ nguệch ngoạc ở lề trên, dưới và lề trang hai bên. Trong phiên bản cắt và dán trước máy tính, Proust đã tự động cắt ra các đoạn văn bản viết tay hoặc đánh máy rồi dán chúng ở nơi khác. Ngay cả câu đầu tiên của tập đầu tiên, cuốn “Con đường của Swann”, đã trở thành một trong những câu mở đầu cuốn tiểu thuyết dễ nhận biết nhất: “Longtemps, je me suis couché de bonne heure” (Trong một thời gian dài, tôi đi ngủ sớm). Câu này được viết, nghiền ngẫm, gạch bỏ, rồi sau đó khôi phục.

Nathalie Mauriac, một trong những người phụ trách triển lãm, cho biết việc tuân theo trình tự viết của Proust là “rất phức tạp”. “Ông đã viết tập đầu tiên và tập cuối cùng gần như một lúc và thực hiện nhiều thay đổi trong cách tổ chức tác phẩm. Có điều gì đó không cân xứng trong phạm vi công việc của Proust, bằng chứng là tính trọng yếu của các bản thảo, bắt đầu từ những cuốn sách nổi tiếng (bản nháp giấy), những mảnh giấy vụn được gấp lại và dán vào sổ tay”, cô nói.

Nathalie Mauriac cho biết số lượng lớn bản thảo đã được sửa chữa và thay đổi “rất Proust”, là bằng chứng về khối lượng công việc khổng lồ mà ông đã đặt vào mỗi cuốn sách.

“Đi tìm thời gian đã mất” là cuốn tự truyện hư cấu, trong đó Proust phản chiếu cuộc sống của chính mình, từ khi còn là một cậu bé. Chủ đề trung tâm là vai trò của trí nhớ và quan niệm rằng trải nghiệm không bị mất đi mà vẫn còn trong vô thức. Bảy tập cuối cùng dài hơn 3.200 trang, hơn 2.000 nhân vật khác nhau, nhưng tập đầu tiên bị một số NXB từ chối, buộc Proust phải tự mình in với NXB Grasset. Tác phẩm được xếp vào danh sách những cuốn sách hay nhất mọi thời đại. Tiểu thuyết gia người Anh Graham Greene khẳng: “Proust là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20, cũng như Tolstoy ở thế kỷ 19.”

Proust đã lưu giữ hầu hết các bản thảo của mình. Ông vẫn làm việc, sửa đổi ba chủ đề cuối cùng của cuốn tiểu thuyết trước khi qua đời ngày 18-11-1922 vì bệnh viêm phổi và áp xe phổi ở tuổi 50. Sau cái chết của Proust, tác phẩm và tài liệu của ông được chuyển cho Robert (em trai) và Suzy (con gái). Sau này, Suzy khuyến khích xuất bản các tác phẩm và thư từ của ông. Những năm 1960, bà bán một phần bộ sưu tập cho Thư viện quốc gia Pháp, số còn lại được chia cho ba người con trước khi mất vào năm 1986.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

;
;
.
.
.
.
.