BẢO TỒN VĂN HÓA CHĂM

Dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn

.

Người đầu tiên để tâm tới dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn cũng là người có công gầy dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và do vậy bảo tàng độc nhất vô nhị này từng được mang tên ông vào năm 1936 - kiến trúc sư Henri Parmentier.

Bệ đá Chăm được tìm thấy trong quá trình tu sửa động Tàng Chơn ở núi Ngũ Hành Sơn.
Bệ đá Chăm được tìm thấy trong quá trình tu sửa động Tàng Chơn ở núi Ngũ Hành Sơn.

Trên bản đồ khảo cổ học Champa - thực chất là bản danh mục mô tả những công trình Champa ở Trung Kỳ do ông thiết lập từ năm 1898 và ấn hành năm 1908, Henri Parmentier đã ghi tên “Tháp Ngũ Hành Sơn”. Nhiều kết quả nghiên cứu về dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn của Henri Parmentier được Albert Sallet đưa vào cuốn sách nhan đề Les Montagnes des Marbre/Ngũ Hành Sơn in lần đầu trong tập san Đô thành hiếu cổ (B.A.V.H), số 1, xuất bản năm 1924 (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Sinh Duy, NXB Đà Nẵng, 1996).

Dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn cũng được các nhà khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội do Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn đầu quan tâm khảo sát vào năm 2002 và kết quả cuộc khảo sát này được các tác giả Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung, Hà Phước Mai, Nguyễn Hồng Kiên tổng thuật chi tiết trong cuốn sách Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000 (NXB Khoa học Xã hội, 2002)…

Có thể nói dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn được hậu thế biết đến trước hết là qua hoạt động khảo sát, khai quật khảo cổ học tại vùng đất này. Các cuộc khai quật di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc được Viện Khảo cổ học và Trung tâm Quản lý di sản thành phố Đà Nẵng tiến hành vào các năm 2015 và 2017 không chỉ nhằm tiếp tục tìm kiếm dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn mà còn và quan trọng hơn là tìm lời đáp cho câu hỏi còn đương bỏ ngõ bấy lâu nay: Người Champa đến từ đâu?

Đồng thời trên đường tìm kiếm dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn, giới khảo cổ học nước ta còn khẳng định ở miền Trung chỉ có hai di chỉ khảo cổ học mà tầng văn hóa còn nguyên vẹn, hai địa chỉ đỏ cực kỳ quý hiếm trong việc nghiên cứu thời kỳ Tiền Sa Huỳnh: Di chỉ khảo cổ học Bàu Trám I (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Như vậy ở núi Ngũ Hành Sơn không chỉ lưu dấu cư dân Champa cách đây hai ngàn năm mà còn lưu dấu cư dân Sa Huỳnh, Tiền Sa Huỳnh cách đây từ 3.000 đến 3.500 năm… và cuộc tìm kiếm dưới lòng đất để tiếp tục lắng nghe “những buổi ngày xưa vọng nói về” (thơ Nguyễn Đình Thi) vẫn chưa dừng lại.  

Dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn còn được hậu thế biết đến qua các hiện vật điêu khắc còn lưu giữ được trong các hang động, chẳng hạn như động Tàng Chơn có tượng Linga-Yoni bằng đá được thờ rất trang trọng trong hang tối âm u, có hai tượng hộ pháp ở hai bên lối vào, có đài thờ phong cách nghệ thuật Đồng Dương được trang trí độc đáo và cho đến nay là đài thờ đẹp nhất được phát hiện ở Ngũ Hành Sơn; ở động Huyền Không có tượng nữ thần Po Inư Nagar - tín ngưỡng dân gian Việt gọi là bà Chúa Ngọc/Ngọc Phi - với thế ngồi theo phong cách Ấn Độ (đáng tiếc là do quá sùng bái nữ thần, người ta đã sơn vẽ khuôn mặt tượng và mặc áo xanh đỏ sặc sỡ không đúng nguyên bản), có đài thờ được chạm trổ công phu gần lối xuống động mang phong cách nghệ thuật Đồng Dương và có cả gạch Chăm lát nền…

Dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn còn được hậu thế biết đến qua các hiện vật văn hóa còn đang lưu giữ được, chẳng hạn như hai trụ cửa sa thạch ở trên đường dẫn lên chùa Tam Thai - có thể là trụ cửa của một phế tích tháp Chăm và được chuyển đến đây (đáng tiếc là vào năm 2015, khi dựng hai trụ cửa này thành cổng, người ta lại mài nhẵn bề mặt cả hai trụ, làm mất đi yếu tố điêu khắc gốc)…

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng từng cho rằng sẽ an toàn hơn nếu như các hiện vật điêu khắc Chăm vừa kể trên được đưa về trưng bày/triển lãm trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bởi chất liệu đá sa thạch - nhất là các chi tiết trên mỗi hoa văn và đường nét trên tượng hoặc phù điêu - rất nhạy cảm, dễ phong hóa và biến dạng khi có tác động đáng kể từ bên ngoài.

Thế nhưng những dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn vẫn tiếp tục được đồng hành với… ngọn núi này, với nơi phát tích; điều này cũng có ý nghĩa nhất định, bởi khi người nghệ sĩ Chăm xưa sáng tạo nên một pho tượng hoặc một bức phù điêu bằng sa thạch là đã thổi hồn vào đá và do vậy cũng có thể nói mỗi dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn dường như không chỉ đến từ thế giới nghệ thuật mà còn và chủ yếu là đến từ thế giới thần linh - nói khác đi đã hai lần thăng hoa so với cõi thực.

Chính vì vậy, không chừng sẽ thú vị hơn nhiều khi chiêm ngưỡng tượng Linga - Yoni trong hang tối âm u ở động Tàng Chơn hay khi nhìn ngắm phù điêu có hình vị thần đang ở tư thế một chân co một chân duỗi và hai tay nâng một vật đưa về phía trước như đang dâng cúng cho ai đó trên đài thờ gần lối xuống động Huyền Không... ngay trên ngọn Thủy Sơn lồng lộng gió trời.

Trên hành trình tìm kiếm dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn, không thể không nhắc đến những nghệ nhân tài hoa của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước chuyên sáng tác những tượng tròn và phù điêu mô phỏng tượng và phù điêu Champa cổ, đặc biệt không thể không nhắc tới lão nghệ nhân Lê Bền cùng cơ sở sản xuất và trưng bày của gia đình với hàng trăm pho tượng Champa đủ hình dạng và kích cỡ... Có thể nói qua hơn bảy mươi năm “chuyên điêu khắc tượng đồ Hời cổ xưa” - đồ Hời cổ xưa là cách nói của nghệ nhân Lê Bền trong trường ca Hạnh thuật cuộc đời do ông chấp bút để nói về tượng và phù điêu Champa cổ. Ông cũng là người có công đóng góp bảo tồn và quảng bá một nền nghệ thuật tạo hình độc đáo đã ít nhiều phôi pha với thời gian.

Như vậy có thể tìm dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn ngay trong những tượng Champa cổ được phục chế hoặc chế tác tại làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ngày nay. Thật ra ngay từ thập niên 1920, tượng đồ Hời cổ xưa của làng nghề điêu khắc đá Quán Khái - tiền thân của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - cũng đã được đưa sang triển lãm ở Hội chợ thuộc địa tại thành phố Marseille năm 1922 bên Pháp.

Dấu Chăm xưa hiện vẫn còn lưu dấu ở nhiều nơi trong thành phố bên sông Hàn này, như phế tích tháp Xuân Dương ở làng Xuân Dương (quận Liên Chiểu) mà sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn gọi là “cổ tháp Trà Vương di tích”, như phế tích tháp Phong Lệ ở làng Phong Lệ (quận Cẩm Lệ), hay như tháp Quá Giáng ở làng Quá Giáng (huyện Hòa Vang)…

Tuy nhiên có điều kiện để được du khách thập phương nghe tên biết tiếng thì dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn có lợi thế hơn, bởi đang gắn với một di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời nhờ gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, dấu Chăm xưa ở núi Ngũ Hành Sơn còn có điều kiện để bảo tồn tốt hơn trước, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá hoại di tích nhân danh trùng tu như số phận của hai trụ cửa trên đường dẫn lên chùa Tam Thai vào năm 2015… 

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.