Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 18 vào tháng 11-2012 đến cuối tháng 4-2022, các cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật của nước này đã điều tra gần 5 triệu vụ tham nhũng, xử lý hàng trăm ngàn cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Ông Tiêu Bồi, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc, cho biết có gần 5 triệu vụ việc tham nhũng bị điều tra. Ảnh: AP |
Thông tin do ông Tiêu Bồi, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc đề cập trong cuộc họp báo bên lề Đại hội 20 của CPC đang diễn ra ở Bắc Kinh thật sự gây sốc. Trong 10 năm (từ 2012-2022), có gần 5 triệu vụ tham nhũng và 553 cán bộ do Trung ương quản lý bị điều tra; 207.000 cán bộ cấp sở, cục, huyện… bị xử lý; 80.000 cán bộ tự nguyện đầu thú trong 5 năm qua. Điều đó cho thấy chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2012 đã đạt những thành tựu đáng kể, đánh dấu nỗ lực chống tham nhũng có tổ chức lớn nhất trong lịch sử cầm quyền của CPC tại quốc gia tỷ dân này.
Xử phạt hàng loạt quan tham
Tháng 9-2022, liên tiếp các cựu quan chức Trung Quốc ra hầu tòa và nhận những bản án nghiêm khắc, trong đó có ông Tôn Lập Quân - cựu Thứ trưởng Bộ Công an; ông Phó Chính Hoa - cựu Bộ trưởng Tư pháp và ông Vương Lập Khoa - cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp (Chính trị và Pháp luật) tỉnh Giang Tô.
Ông Tôn Lập Quân bị buộc tội nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán và sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Ông Phó Chính Hoa cũng bị kết tội nhận hối lộ, sử dụng quyền hạn để che giấu hành vi phạm tội của người thân. Ông Vương Lập Khoa nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ để giúp đỡ những người kinh doanh…
Tháng 8-2022, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (tương đương Phó Chủ tịch HĐND) tỉnh Giang Tây Sử Văn Thanh bị kết án tử hình hoãn thi hành án 2 năm vì tội nhận hối lộ và sở hữu súng bất hợp pháp trong thời gian công tác tại tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Giang Tây từ năm 2003-2020. Những vụ việc nói trên được xét xử trước thềm Đại hội lần thứ 20 của CPC cho thấy sự kiên quyết không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng mang tên “đả hổ, diệt ruồi” do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2022, Trung Quốc đã tuyên án tử hình treo ít nhất 5 quan chức tham nhũng, mới đây nhất là cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Điện Vân Công Dân do nhận hối lộ 468 triệu nhân dân tệ (69 triệu USD), cựu Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hải Nam Đồng Đạo Trì vì nhận hối lộ 274 triệu nhân dân tệ (hơn 41 triệu USD) và giao dịch nội gián chứng khoán trị giá gần 31,7 triệu nhân dân tệ (hơn 4,7 triệu USD). Năm 2021, Trung Quốc đã xử lý khoảng 627.000 quan chức tham nhũng.
“Không dám, không thể và không muốn tham nhũng”
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ 20 hôm 16-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Tham nhũng là căn bệnh ung thư lớn nhất đe dọa sinh lực và sức chiến đấu của đảng”. “CPC đã tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử của mình. Chúng ta đã quyết tâm “thà xử lý vài ngàn người vi phạm chứ không để 1,4 tỷ người chịu thất bại” và dốc sức xóa sạch mọi tệ nạn bên trong đảng”, ông Tập Cận Bình tuyên bố.
Ông Tiêu Bồi, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc, cũng khẳng định: CPC không khoan nhượng trong việc trừng trị tham nhũng; đồng thời xây dựng hệ thống, biện pháp để cán bộ không dám, không thể và không muốn tham nhũng. “Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng lâu dài này. Hổ và ruồi khi xuất hiện sẽ bị hạ gục bất kỳ lúc nào”, ông Tiêu Bồi nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ không dừng lại và cũng sẽ không chậm đi. Minh chứng rõ nhất là năm 2018, Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia - cơ quan siêu chống tham nhũng có vị trí cao hơn tòa án tối cao và văn phòng công tố viên hàng đầu.
Ngay trong năm 2022, CPC liên tiếp đưa ra những quy định mới nhằm đẩy mạnh việc chống tham nhũng trên mọi mặt trận, từ tài chính, mua bán nông sản..., đến thân nhân của các cán bộ, đảng viên. Động thái này xuất phát từ các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức đăng ký việc kinh doanh và tài sản đứng tên người thân.
Tháng 9-2022, CPC đặt ra những yêu cầu cụ thể trong việc đề bạt và miễn nhiệm cán bộ, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy thực hiện việc cán bộ lãnh đạo “có thể lên, có thể xuống”, với trọng tâm là xử lý các cán bộ “có vấn đề” nhưng chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng. Sau Đại hội 20, các chuyên gia tin rằng sẽ có thêm nhiều biện pháp, chính sách được CPC triển khai nhằm tăng cường việc giám sát các đảng viên để không còn đất và điều kiện cho tham nhũng sản sinh.
KHÁNH LINH (theo The Strait Times, AP, THX)