Chậm lại để lắng nghe

.

1. Chiều nay, em ghé đến trả món nợ cũ và gửi lời chào tạm biệt. Em bảo, mức lương phục vụ ở quán cà phê không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là bệnh tình của mẹ ngày càng chuyển biến nặng. Mắt chàng trai đôi mươi ươn ướt khi kể về cuộc sống khốn khó và dự định chuyển việc phụ hồ với hy vọng cải thiện tình hình hiện tại.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Quầy tạp hóa của ba mẹ có vài khách quen như thế. Đến, không chỉ để mua-bán mà cả gửi trao tâm sự. Dăm câu chuyện cỏn con, không đầu, không đuôi nhưng ánh lên niềm vui giản dị, hẳn là vì có một ai đó lắng nghe. Tác giả Minh Niệm từng viết trong Hiểu về trái tim: “Dù ta không phải nhà tâm lý trị liệu, nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia ít nhiều”. Mong rằng, quán nhỏ của gia đình tôi đã từng là điểm dừng chân an yên cho một hoặc vài tâm hồn mong manh nào đó, dù ít, dù nhiều.

2. Nghe là một trong những kỹ năng bẩm sinh được hình thành đầu tiên, trước cả nói. Vậy mà, nghe hay lắng nghe đúng cách chưa được quan tâm đủ để có các chương trình giáo dục phù hợp. Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy tập nói, không được dạy tập nghe. Khi lớn lên, chúng ta có thể tham gia nhiều khóa hùng biện, thuyết trình, nói chuyện trước đám đông…, không có cơ hội tham gia tập lắng nghe. Và phải chăng, bởi vì vậy, đôi khi, chúng ta vô tình đánh rơi những điều quan trọng trong cuộc sống.

Vì một số biến động, thu nhập của chồng bạn giảm sút phần nào. Sợ vợ lo lắng và suy nghĩ, anh âm thầm giấu kín điều này, một mình gồng gánh. Cũng bởi vì lao lực quá mức và không thể chia sẻ tâm tư, tâm trạng của anh từ buồn bã dần chuyển sang u uất. Mới đây, anh được chẩn đoán trầm cảm, suy nhược cơ thể. Không hiểu tường tận mọi chuyện, vợ anh không chỉ không thể chung lưng đấu cật với chồng trong giai đoạn khó khăn mà còn có những ứng xử chưa thỏa đáng. Điều này khiến cả hai thường xuyên bất hòa, thậm chí suýt tan vỡ hôn nhân.

Câu chuyện của bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta muốn được tâm sự và được lắng nghe nhưng vì nhiều lý do không thể giãi bày hoặc lựa chọn không giãi bày. Một trong các nguyên do xuất phát từ việc chúng ta từng nói và từng nhận lại sự lắng nghe thiếu thấu cảm. Như tác giả Stephen Covey từng viết: “Đa số mọi người lắng nghe không phải để hiểu, họ lắng nghe để trả lời”. Nghĩa là, người nghe có xu hướng tập trung vào bản thân mình, suy nghĩ về sự phản hồi, tiếp nối câu chuyện thay vì cố gắng để ý nhu cầu của người nói. Lâu dần, chúng ta có thói quen co mình lại với tâm tư riêng.

3. Lắng nghe không chỉ dừng lại ở lời nói, mà còn qua nhiều ngôn ngữ cơ thể khác, cụ thể hơn với tên gọi lắng nghe thấu cảm (empathic listening). Kỹ năng này đòi hỏi người nghe phải chú ý đến cảm xúc của người nói, bên cạnh nội dung câu chuyện. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, điều này không hề dễ dàng. Bởi lẽ, theo nghiên cứu khoa học, trung bình chúng ta chỉ có thể tập trung sự chú ý trong 8 giây. Việc chăm chú lắng nghe lại càng trở nên khó khăn hơn trong cuộc sống hiện nay, khi mà các thiết bị công nghệ đang chi phối nhiều đến sự tương tác của mỗi cá nhân. Không ít người có xu hướng giao tiếp gián tiếp qua các ứng dụng mạng xã hội thay vì giao tiếp trực tiếp. Điều này vô hình khiến việc nắm bắt cảm xúc thật của đối phương gần như là không thể.

Scott Eblin - tác giả cuốn Overworked and Overwhelmed: The Mindfulness Alternative (tạm dịch: Làm việc quá sức và quá tải: Nền tảng thay thế) cho rằng: “Bộ não của chúng ta đã không phát triển kịp với công nghệ. Ảnh hưởng của việc này khiến mọi người luôn trong tình trạng bấn loạn khi tranh luận hoặc giao tiếp”. Bản thân tôi cũng từng trải qua hai vai: người nghe “lạc lối” và người nói “cô đơn”. Khi là người nghe, tôi lúng túng trong cách hồi đáp. Khi là người nói, tôi hụt hẫng vì không tìm được sự kết nối. Cũng vì vậy, tôi luôn nhắc nhở mình chậm lại vài nhịp trong các cuộc trò chuyện để có thể là một người lắng nghe chân thành, ít nhất là với một ai đó. Để mai này, lỡ như có xôn xao giữa dòng đời, biết đâu tôi sẽ gặp một tâm hồn dịu dàng với những nỗi niềm ngả nghiêng của tôi…

LAN KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.