Được lời như cởi tấm lòng

.

Quyết định hủy bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt Đà Nẵng đến với người dân trong vùng quy hoạch ở quận Liên Chiểu như cơn mưa rào sau đợt nắng hạn. Từ khi dự án được công bố quy hoạch vào 18 năm trước, người dân các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc như trải qua bao cung bậc cảm xúc. Từ kỳ vọng - mong mỏi - chán chường kéo dài gần hai thập kỷ dài đằng đẵng chờ một dự án. Dẫu cho bây giờ “trở về nơi bắt đầu”, hàng ngàn người dân vẫn vui mừng bởi từ nay đã được “cởi tấm lòng”, không phải đợi chờ gì nữa.

Ông Lê Tâm, người dân phường Hòa Khánh Nam, vẫn nhớ như in năm thành phố công bố quy hoạch dự án này - năm 2004. Ngày ấy, đứa con trai đầu của ông vừa nhập học ở một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đất rộng mà người cũng đông, trước khi con trai đi ông Tâm nghĩ thầm trong bụng khi giải tỏa dự án sẽ nhận bố trí vài lô đất tái định cư. Đó chính là của để dành nuôi những đứa con trên giảng đường cũng như của hồi môn để con cái dựng vợ gả chồng. Kỳ vọng là thế nhưng chờ mãi lời hứa khi giải tỏa sẽ được bố trí nơi tái định cư “tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ” chẳng thấy đâu. Những người dân quê vẫn tiếp tục mòn mỏi trông chờ sự thay da đổi thịt phía tây thành phố.

Rồi thời gian đi qua, khi người con trai đầu ra trường cưới vợ, gia đình thật sự cảm thấy bất tiện khi dự án cứ án binh bất động. Giấc mơ nhờ giải tỏa quy hoạch mà nơi ở trở nên khang trang, lộng lẫy trở về hiện thực khi ba bốn thế hệ phải sống chung một mái nhà. Toàn bộ hạ tầng trong khu vực “đứng yên” do gặp vướng khi xây dựng, sửa chữa. Những hệ lụy cho đời sống dân sinh khu vực bắt đầu nẩy nở khiến ai nấy chán chường.

Nhiều năm liền làm tổ phó tổ 10, ông Nguyễn Như Thư trở thành người đi “kêu” cho dân cả vùng Hòa Khánh Nam. Hôm thành phố công bố cởi trói quy hoạch, ông vác loa đi đọc quyết định chia vui từng nhà dân. Ông Thư kể trước mỗi đợt tiếp xúc cử tri, ông hay chạy quanh xóm để lấy ý kiến làm tư liệu đăng đàn. Trước đây nhiều người vẫn muốn bấm bụng chờ thêm để được giải tỏa. Đặc biệt là khi đi qua Hòa Xuân thấy thênh thang phố xá, ghé Hòa Liên thì thấy cánh đồng ngày nào giờ trở thành vùng đô thị xe chạy vun vút trên đường lớn khiến ai nấy đều ham...

Gần hai thập kỷ qua, dự án ga đường sắt Đà Nẵng không triển khai đã gây nhiều hệ lụy, khó khăn cho đời sống người dân trong khu vực quy hoạch.  Tình thế quá sức chịu đựng buộc chính quyền thành phố phải hành động nhanh bằng quyết định bãi bỏ các… quyết định. Cụ thể UBND thành phố bãi bỏ các quyết định quy hoạch ga trước đó bao gồm: Quyết định số 5071/QĐ-UBND ngày 1-7-2004 về việc phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch nhà ga đường sắt mới, tỉ lệ 1:1.000; Quyết định 2739/QĐ-UBND ngày 23-4-2013 về việc phê duyệt điều chỉnh Sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án ga đường sắt mới; Quyết định 4472/QĐ-UBND ngày 7-7-2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉ lệ 1/2.000 Ga đường sắt mới và hệ thống giao thông vụ phụ ga. Chính vì vậy, trong lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội mới đây tại quận Liên Chiểu, lần đầu tiên sau nhiều năm được đăng đàn phát biểu ông Thư đã thôi… than. Muộn còn hơn không.

Nhìn lại một khu vực rộng lớn trở nên cũ kỹ, nhếch nhác và thiếu động lực phát triển trong một thời gian dài ai cũng nhiều nuối tiếc. Bởi nếu được sửa sang sẽ không có những mái thấp lè tè, cửa ngõ hàng rào được xây mới sẽ không xảy ra cảnh mưa ngập. Càng xót xa, tiếc nuối mới thấy việc căn cứ kết quả cuộc họp UBND thành phố thường kỳ tháng 11 để đi đến công bố bãi bỏ quy hoạch dự án này là thực sự cấp bách và cần thiết. Bởi từ quyết định này, ngoài việc tháo gỡ cho người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa, quyết định này cũng là cơ sở cho phép việc đầu tư cơ sở hạ tầng điện đường, thoát nước phục vụ đời sống cư dân tốt hơn.

Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, sau khi có quyết định hủy bỏ quy hoạch chính thức, thành phố đã yêu cần khẩn trương xây dựng phương án triển khai phát triển hạ tầng đô thị tại các khu vực này. Đặc biệt thành phố cam kết sẽ tăng thêm chi phí ngân sách cho việc cải tạo mương rãnh để giảm thiệt hại do ngập lụt và sớm triển khai các phương án cải tạo, xây dựng các thiết chế văn hóa đô thị để phù hợp với người dân.

Đây là những điều cấp bách nên làm. Nhưng chắc chắn không là điều cuối cùng phải làm để bù đắp cho sự mỏi mòn đợi chờ. Bởi sau một thế hệ bị chựng lại vì quy hoạch, vùng đất rộng lớn này vẫn trông chờ một kế hoạch bài bản dài hơi để tăng tốc phát triển cùng thành phố.

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG

;
;
.
.
.
.
.