Khơi dậy tình yêu văn học từ "Thẻ văn nhân"

.

26 bạn trẻ, lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất 14 tuổi, đến từ mọi miền Tổ quốc đang truyền cảm hứng yêu thích văn học ­­đến thế hệ Gen Z (Generation Z, hay còn gọi là thế hệ Z - thuật ngữ dùng để chỉ nhóm người sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) qua bộ thẻ bo góc in hình các văn nhân Việt Nam đầy tinh thần trẻ trung, năng động.

Bộ sưu tập “Thẻ văn nhân” đầy ấn tượng của nhóm bạn trẻ được bán với giá 35.000 đồng/6 thẻ. Ảnh: NVCC
Bộ sưu tập “Thẻ văn nhân” đầy ấn tượng của nhóm bạn trẻ được bán với giá 35.000 đồng/6 thẻ. Ảnh: NVCC

Xuất phát từ nguyện vọng ấm áp - tổ chức sự kiện bán hàng gây quỹ tặng quà cho những em nhỏ khó khăn, bạn Trần Thượng Triều (SN 2004, cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh) - Trưởng ban Tổ chức, đồng sáng lập dự án Nhã Tự - đã nảy ra ý tưởng kết hợp chiếc thẻ bo góc (hay còn gọi là photocard) của văn hóa thần tượng Hàn Quốc với văn chương Việt Nam. Và thế là, những chiếc “Thẻ văn nhân” đầy giá trị nhân văn ra đời, gồm các chủ đề: Văn xuôi hiện đại, Phong trào Thơ mới và Văn học cách mạng.

18 tác giả tiêu biểu của làng văn học Việt Nam như Xuân Diệu, Tố Hữu, Nam Cao… đã được vẽ tay và thiết kế đầy hiện đại kèm theo tên, năm sinh, năm mất ở mặt trước thẻ. Mặt sau là trích đoạn tiêu biểu trong các tác phẩm gắn liền với tên tuổi của các “idol đời đầu” của văn đàn nước nhà. Trần Thượng Triều xúc động bày tỏ: “Chúng mình gửi gắm qua bộ thẻ một lời tri ân, sự kính mến đến những cây bút đầy tài năng, những vì sao sáng của văn chương đã đóng góp rất nhiều cho nền văn học nước nhà và mong muốn các bạn trẻ cũng sẽ cảm nhận được tinh thần ấy”.

Trong quá trình hình thành sản phẩm, cả nhóm tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ việc lên ý tưởng, thống nhất nội dung đến lựa chọn phong cách thể hiện. Chỉ riêng công đoạn thiết kế đã “ngốn” hơn 3 tháng. Bạn Trần Phúc Quỳnh (SN 2005, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh), Trưởng ban Thiết kế cho biết, “khó nhằn” nhất là khi Ban Thiết kế thống nhất phong cách vẽ, màu sắc, bố cục… Mỗi thành viên đều có hướng sáng tạo khác nhau nên việc đi đến kết luận cuối cùng luôn khó khăn.

“Sau nhiều buổi họp và thảo luận sôi nổi, cả ban thống nhất bộ thẻ sẽ không sử dụng hình chụp của các nhà văn mà tiến hành vẽ lại. Đây là công đoạn khá tốn thời gian vì chúng mình phải phác họa (sketch), đi nét, đổ màu và thêm thắt các chi tiết, thông tin. Tụi mình mất trung bình từ 7-8 tiếng cho một bản thiết kế thẻ bo góc hoàn chỉnh”, Phúc Quỳnh hào hứng.

Trong khi đó, theo Phó ban Thiết kế Nguyễn Ngọc Trà My (SN 2005, học sinh Trường THPT Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh), nhóm đã chọn 4 bảng màu sao cho phù hợp với phong cách và đặc điểm của từng thời kỳ văn học. “Việc bảo đảm những nét vẽ có thể khắc họa được hình ảnh của các tác giả một cách chính xác nhất cũng là một bước đầy thận trọng. Ngoài mong muốn mang lại cảm giác chân thật, chúng mình hy vọng những tấm thẻ có nét “hiền” và mềm mại hơn để thể hiện sự tôn trọng của Nhã Tự đối với các nhà thơ, nhà văn Việt Nam”, Trà My tâm sự.

Trưởng ban nhân sự Nguyễn Vũ Thanh Hằng (SN 2004, đang học tại Đại học La Trobe - Úc) chia sẻ, với mong muốn phát triển môi trường hoạt động mà các thành viên có thể thỏa sức sáng tạo, quá trình hoàn thành thẻ văn nhân đôi khi không thể tránh khỏi tình huống “chín người mười ý” dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian ở một số giai đoạn. Tuy nhiên, quả ngọt của hành trình đầy chỉn chu và tâm huyết ấy là bộ sưu tập thẻ bo góc có thiết kế độc đáo đã gây ấn tượng sâu sắc và được đón nhận nồng nhiệt, không chỉ thành công ở truyền thông mà cả về doanh thu. Đợt bán hàng gây quỹ lần này là một hoạt động thuộc khuôn khổ của sự kiện “Miền hạnh phúc” - sự kiện chính của Nhã Tự trong mùa đầu hoạt động. Bên cạnh việc gửi tặng toàn bộ số tiền thu được từ việc bán thẻ bo góc, Nhã Tự còn tổ chức quyên góp và trao tặng tủ sách tình thương cho một mái ấm và một lớp học tình thương.

Được biết, Nhã Tự là một dự án văn học được thành lập bởi các bạn học sinh THPT với mong muốn lan tỏa vẻ đẹp văn chương và khơi dậy tình yêu văn học trong lòng người trẻ. Ngoài thẻ văn nhân, Nhã Tự từng có những chuỗi bài đăng trên mạng xã hội của dự án nhằm đem đến không gian và kiến thức văn chươngcho cộng đồng.

Châu Thị Thanh Hiền (SN 2004, cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Phó ban Tổ chức, đồng sáng lập dự án Nhã Tự) nhấn mạnh: "Nhã Tự hình thành mong muốn chung tay đóng góp cho cộng đồng giá trị của văn chương thông qua các hoạt động thực tế, giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn và cơ hội giáo dục bình đẳng hơn cho những số phận kém may mắn ngoài xã hội”. Hiện, dự án đã hoạt động hơn 9 tháng và dần bước vào giai đoạn cuối của mùa đầu tiên.

Nhã Tự ghép giữa hai chữ “Nhã” và “Tự”. “Nhã” ở đây là sự trang nhã, đẹp đẽ, thanh cao, ý nói đến vẻ đẹp của văn chương. “Tự” nghĩa là từ, là chữ - chất liệu tạo nên các tác phẩm văn học. “Nhã Tự” là những con chữ đẹp đẽ làm nên trang văn.

DIỆP CHI

;
;
.
.
.
.
.