Sau mỗi cuộc tiễn đưa

.

Ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã rất sợ những cuộc tiễn đưa. Cuộc đưa tiễn đầu tiên của tôi cách đây gần ba mươi năm trước, là khi chú chó già mất đi. Đó là người bạn nhỏ đã cùng tôi rong ruổi những tháng năm thơ ấu. Người bạn ấy luôn lẽo đẽo theo sau, đưa đón, bảo vệ tôi mỗi ngày đi học. Tôi lớn dần chú chó cũng già đi, chậm chạm, răng rụng hết không còn ăn uống được gì. Hôm ấy nó nằm chết trên đường từ nhà tới trường đón tôi đi học về trong cơn mưa tầm tã. Tôi tiễn đưa nó bằng rất nhiều nước mắt và nỗi đớn đau mất mát đầu đời. Mộ chú chó nằm cạnh gốc cây khế ngọt, năm nào hoa trái cũng trĩu cành. Nhiều trưa hè tôi mắc võng ngoài vườn nghe cây lá lao xao. Trong giấc mơ chập chờn tôi thấy người bạn nhỏ ấu thơ nằm quận tròn dưới chân mình, vểnh tai lên nghe ngóng. Tỉnh dậy thấy tim vẫn còn đau

Tôi lớn lên, những cuộc tiễn đưa cũng nhiều hơn. Tiễn chú, tiễn bà, tiễn những người thân của anh em, bè bạn. Vẫn là cảm giác đau đớn ấy nhưng đã nhẹ nhõm hơn. Như bao nhiêu người trưởng thành khác, tôi học cách chấp nhận những mất mát của cuộc đời. Tôi tin rằng con người ta sau khi rời cõi tạm sẽ đến được thế giới tốt đẹp hơn. Một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại họ, kết nối lại thứ nhân duyên dang dở ở cõi này. Ý nghĩ ấy an ủi tôi đi qua nỗi đau, không còn nhiều bi lụy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Và mới đây, tôi vừa đưa tiễn bà ngoại của chồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà đã nhiều tuổi, không tránh được quy luật sinh-lão-bệnh-tử của đời người. Cuộc tiễn đưa không có nhiều nước mắt bởi cụ đã sống một cuộc đời vẹn tròn, viên mãn bên con cháu. Quãng đường từ nhà ra nghĩa trang dài khoảng bốn cây số men theo con đường nhỏ chạy giữa cánh đồng. Đội nô tỳ khênh quan tài đi trước, chầm chậm rời cổng nhà nơi bà đã gắn bó cả đời người. Căn nhà cũ, góc sân nhỏ, cây nhãn già và cả những chùm cau còn đợi bà quện vôi têm trầu, lá như cũng cúi đầu tiễn biệt bà. Em chồng tôi bảo: “Đã lâu bà không đi đâu ra khỏi nhà. Đây là chuyến đi xa…”. Tôi bỗng nhận ra ý nghĩa của con đường tới nghĩa trang. Tôi cũng đã hiểu vì sao suốt bao nhiêu năm nay người dân các miền quê vẫn giữ phong tục khênh quan tài đi bộ mà không dùng đến các phương tiện khác nhanh hơn. Đoàn người vừa đi vừa nghỉ như cố kéo dài quãng đường tiễn đưa người đã khuất. Cũng là để người vừa mất được đi qua xóm làng thân quen, từ biệt từng ngõ nhỏ, từng nóc nhà, từng thửa ruộng trên cánh đồng quen thuộc. Những bông hoa xuyến chi hai bên vệ đường nở rộ, đàn chim chiền chiện vừa vụt bay lên rải những tiếng hót trên suốt dọc đường đi. Bà ngoại của chồng tôi đã tạm biệt cuộc đời này như thế…

​​​Sau mỗi cuộc tiễn đưa ta càng thêm trân quý nhau hơn. Bởi không biết ngày mai ra sao nên phải sống một cuộc đời ý nghĩa. Yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu cho nhau. Bao dung với người cũng đừng quên bao dung với chính mình. Gạt bỏ những suy tư nặng nề để mỗi ngày mới thấy mình còn thở là còn may mắn hơn biết bao người. Tôi khép lại ngày cũ bằng bằng ý nghĩ về tiếng chim chiền chiện trên nền trời mùa hạ trong xanh lúc tiễn bà đi. Cánh đồng mùa lúa non cũng mênh mông một màu xanh bình yên đến lạ…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.