Người dân Ukraine đối mặt với một mùa đông ảm đạm nhất trong lịch sử khi thiếu điện, nước, hệ thống sưởi, thuốc men và thông tin liên lạc sau các đợt tấn công của Nga từ giữa tháng 10-2022 đến nay.
Người dân trên một chuyến tàu sơ tán ở Kherson ngày 23-11. Ảnh: NYT |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, tình trạng nói trên sẽ đe dọa đến mạng sống của hàng triệu người dân Ukraine. Ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, phát biểu trên Telegram: “Khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp tục”.
Thiết lập “các trung tâm bất khả chiến bại”
Ukraine đang đón đợt lạnh và tuyết rơi đầu tiên trong mùa đông năm nay. Tại nhiều khu vực, nhiệt độ giảm tới âm 20oC, tuyết phủ dày. Dự báo thời tiết trong tháng 12 cho thấy, nền nhiệt trung bình ở Ukraine sẽ từ âm 20oC đến 30oC. Trong vài tháng tới, tại một số vùng, nền nhiệt sẽ ở mức âm 200oC.
Tình hình ở thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác đang trở nên phức tạp sau khi Nga thực hiện cuộc tấn công vào hệ thống lưới điện của Ukraine trong những tuần gần đây. Gần 50% cơ sở hạ tầng về điện bị hư hại. Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng, 1/4 dân số Ukraine, tức hơn 10 triệu người, sống trong tình trạng không có điện. Trong khi đó, báo New York Times cho hay, hầu như mỗi người dân Ukraine chịu cảnh mất điện từ 4-12 giờ/ngày. Không điện kéo theo “3 không” khác: không sưởi, không nước và không thông tin liên lạc. Do thiếu điện nên giao thông công cộng bị gián đoạn, các cơ sở y tế cũng chỉ có thể hoạt động cầm chừng.
Chính phủ Ukraine phải điều hòa phân phối điện bằng cách cắt điện luân phiên. Trước tình hình này, thủ đô Kiev thiết lập 528 điểm khẩn cấp, trang bị nguồn năng lượng riêng cùng các phòng sưởi để hỗ trợ người dân sưởi ấm, uống trà, sạc điện thoại và nhận mọi sự trợ giúp cần thiết khác. Giới chức thành phố này dự kiến chuẩn bị tổng cộng 1.000 điểm sưởi ấm và đang xem xét nhiều kịch bản khác nhau theo mức độ hư hại về hạ tầng.
Tổng thống Zelensky đặt tên cho các trạm cung cấp điện, sưởi, nước, internet và thuốc men miễn phí là “các trung tâm bất khả chiến bại” vì phải giải quyết hàng loạt vấn đề nhu cầu thiết yếu. Ông thúc giục người dân làm tất cả những gì có thể để tiết kiệm năng lượng, nhất là trong những giờ cao điểm. Nhà lãnh đạo này khẳng định các nhà chức trách đang nỗ lực khôi phục mạng lưới, gỡ mìn dọc các đường dây truyền tải điện và tiến hành sửa chữa suốt ngày đêm.
Dự kiến 2-3 triệu người Ukraine sơ tán
Từ tháng 8-2022, chính phủ của Tổng thống Zelensky đã dự kiến khả năng sơ tán một phần dân ở thủ đô Kiev nếu lưới điện quá tải vào mùa đông. Giờ đây, các nhà chức trách đang hỗ trợ người dân sơ tán đến những khu vực có thể bảo đảm điện, nước và hệ thống sưởi, trong đó có thành phố Kherson hiện thuộc quyền kiểm soát của Ukraine. WHO cho rằng, sẽ có thêm từ 2-3 triệu người rời bỏ nhà cửa để tìm sự ấm áp và an toàn. Tuy nhiên, nhiều người không muốn rời đi.
Ông Hans Kluge - Giám đốc khu vực châu Âu của WHO bày tỏ lo lắng: “Mùa đông này sẽ là cuộc chiến sinh tồn, đe dọa tính mạng của hàng triệu người ở Ukraine”. Theo ông Kluge, người dân sẽ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt về sức khỏe, bao gồm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như Covid-19, viêm phổi và cúm; những nhóm dân cư chưa được tiêm phòng đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và sởi.
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO khuyến cáo người dân có thể phải dùng “các phương pháp sưởi ấm thay thế” như đốt than, củi, hoặc sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel hay lò sưởi điện, nhưng những cách thức này đều thải ra khí độc ảnh hưởng sức khỏe. “Các rủi ro sức khỏe bao gồm việc tiếp xúc với các chất độc hại có hại cho trẻ em, người già, những người mắc bệnh hô hấp và tim mạch, cũng như có thể gây ra các vết bỏng và thương tích do tai nạn”, ông Kluge nói.
Cũng theo WHO, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga còn gây tổn hại nặng nề đến sức khỏe tâm thần của người dân Ukraine. Ông Kluge lý giải, khoảng 10 triệu người có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như căng thẳng cấp tính, lo lắng, trầm cảm…
Trước khi Nga tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, nước này đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo. Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 18 triệu người (hơn 40% dân số) cần được hỗ trợ; khoảng 14 triệu người rời bỏ nhà cửa, trong đó 6,2 triệu người sơ tán ở trong nước và gần 7,7 triệu người tị nạn. |
KHÁNH LINH (theo NBC, NYT)