Quách Tấn buồn vui cuối đời

.

“Quách Tấn buồn vui cuối đời” là tác phẩm sưu tầm và biên soạn của Quách Giao, do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 3-2022. Nhà nghiên cứu Quách Giao là con trai cả của nhà thơ Quách Tấn, ông lớn lên bên cạnh nhà thơ từ thuở bé, đã biên soạn tập sách với nội dung bao gồm các diễn biến quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp thân phụ. Bên cạnh đó, ở phần phụ lục còn có nhiều tài liệu, các bài viết của các nhà nghiên cứu viết về Quách Tấn...

Quách Tấn chính thức bước vào làng thơ từ năm 1932 với nhiều bài thơ Đường luật, là  thi sĩ xuất hiện sớm, ông xuất bản đến hai tập thơ trong phong trào Thơ mới, nhưng trước sau vẫn cơ bản trung thành với hình thức Đường thi và trở thành hiện tượng độc đáo “bình cũ rượu mới”.

Ngay từ những trang mở đầu tập sách “Quách Tấn buồn vui cuối đời”, nhà nghiên cứu Quách Giao cho biết: “Ba tôi có 3 người con trai và 5 người con gái. Người con trai út sớm từ trần, lưu lại nhiều thương đau đọng thành những giọt lệ trong tập thơ Giọt trăng”. Tuy nhiên, Quách Giao cho rằng: “Thời gian cuối đời, niềm vui vẫn thắm đượm hơn nỗi buồn” và ông “viết lại nỗi buồn, niềm vui này để ghi lại những gì xảy ra, những gì đã giúp ba tôi có được động lực để sống cùng gia đình, bè bạn, văn chương trong những ngày cuối đời” (Đôi dòng tâm sự).

Sách chia ra làm nhiều chương, trong đó có nhiều đoạn rút ra từ chính những trang hồi ký của nhà thơ Quách Tấn, gần như lần đầu tiết lộ ở các chương: Một cuộc di tản, Một bức tâm thư, Vụ liên can đến chính trị, Văn học nơi xứ trầm hương, Đêm mừng thọ 85, Bức ảnh cuối đời, Gặp Chế Lan Viên lần cuối, Chung quanh một bài thơ nói lái... Thú vị hơn nữa, qua dịp này bạn đọc được gặp lại những trích đoạn thơ văn rất quen thuộc của Quách Tấn đã từng in trong sách giáo khoa: “Con ve ve/ Kêu ngày hè/ Trở lại/ Ven đường cái/ Hoa soan tây/ Nở đầy/ Trong ánh nắng/ Đàn bướm trắng/ Chập chờn bay/ Theo chiều gió...” (Trong nắng hè, in trong tập “Vui với trẻ em”, NXB Trẻ tái bản năm 1994).

Đặc biệt ở mảng biên khảo lịch sử, có lẽ không có nhà Tây Sơn học nào có nguồn tài liệu phong phú bằng Quách Tấn. Ông rất tự hào mình là dân Tây Sơn. Ông đã từng sống, từng được nghe các bậc trưởng thượng ở quê hương kể chuyện về Tây Sơn, Bình Khê, Bình Định. Có lẽ vì vậy nên quyển sử ký Nhà Tây Sơn (Quách Tấn viết cùng con trai Quách Giao) khiến người đọc có cảm giác như đọc truyện. Tác phẩm này được viết với phương châm ghi chép lại các sự kiện lịch sử chính xác theo sự phản ánh của nhân dân địa phương, cụ thể là theo lời truyền của các bậc trưởng thượng từng sống thời Tây Sơn ở đất Tây Sơn, chính xác theo các tư liệu lịch sử đáng tin cậy gồm 12 bộ sử ký về Tây Sơn được nhân dân bảo tồn.

Chan hòa trong tập sách là phần phụ lục, thể hiện tấm chân tình, tình cảm bạn bè viết về Quách Tấn như: Hồi ký của Đào Xuân Quý, Những bức thư cuối cùng của Nguyễn Hiến Lê, Nhớ một kỷ niệm 30 năm trước của Dương Trung Quốc...

Trong đó, ở bài viết “Vui buồn cùng nhà thơ Quách Tấn”, nhà thơ Giang Nam khẳng định lại giá trị suốt quá trình sáng tác thi ca của Quách Tấn: “Tôi đã đọc thơ Quách Tấn khi còn đi học ở Trường Quốc học Quy Nhơn đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước. Thật lạ, bên cạnh sự say mê thơ lãng mạn của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh... tôi vẫn thích và học thuộc lòng một số bài thơ mới in ra của ông: Đêm thu nghe quạ kêu, Mộng thấy Hàn Mặc Tử, Trơ trọi, Tình xưa...”.

Giang Nam rất xúc động đoạn hồi ký Quách Tấn viết về trường hợp “thai nghén” và hình thành bài thơ Đêm thu nghe quạ kêu: “Tôi làm thơ để gởi gắm tâm sự, để giải tỏa tâm hồn. Tôi làm thơ cho tôi trước hết. Cho nên tôi không thể giả dối với tôi”. Và tại dịp Lễ mừng thọ 85 tuổi (năm 1992) của Quách Tấn, Giang Nam đã phát biểu: “Anh có bao giờ nghĩ rằng một số bài thơ hay của anh luôn ở bên cạnh tôi trong những ngày chiến đấu ác liệt suốt 30 năm. Xin cảm ơn anh”.

Quách Tấn (1-1-1910 - 21-12-1992), tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên; tiểu hiệu Định Phong, Cổ Bản Nhân, Thi Nại Thị, Cù Huân Khách, Lão Giữ Vườn... Quê sinh ở thôn Trường Định (nay thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), tổ tiên người Trung Quốc. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn. Ông từng làm phán sự Tòa Khâm sứ Huế, Tòa sứ Đồng Nai Thượng (Đà Lạt) và Nha Trang; công chức và dạy học từ 1945 đến khi nghỉ hưu (1965), sống ở Nha Trang đến khi qua đời…

TRẦN TRUNG SÁNG

;
;
.
.
.
.
.