Lặng nghe da diết cải lương

.

Có hôm đi làm về, ngang qua lối hành lang chung cư, nghe tiếng vọng cổ cải lương từ nhà hàng xóm “Hò ơi! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp, hò ơi, tôi gối đầu mỗi đêm…” mà xốn xang lòng. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được nghe lời ca ngọt lịm, dịu êm của người nghệ sĩ cải lương giữa những âm thanh hỗn độn của nhịp sống xô bồ.

Cô chú hàng xóm mới dọn đến ở khu chung cư được vài tháng, nhưng luôn mỉm cười chào hỏi khi gặp bất cứ ai. Căn phòng của cô chú được xem là căn phòng hiếm hoi nhất của khu chung cư này luôn luôn mở toang cửa. Vậy nên, tiếng vọng cổ cải lương phát ra từ căn-phòng-mở-cửa-hiếm-hoi ấy dường như không bị ngăn cách bởi cái vỏ bọc kín của mỗi gia đình nơi phố thị thường có xu hướng ít giao tiếp với nhau. Thỉnh thoảng nghe lại những bài ca cổ vang danh với những Lý chim quyên, Con gái của mẹ, Nhụy Kiều tướng quân, Tình anh bán chiếu, Dương Quý Phi… qua tiếng than của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, lời chia tay quyến luyến của nghệ sĩ Minh Vương, tiếng cười nham hiểm của nghệ sĩ Diệp Lang… từ nhà cô chú hàng xóm vọng sang mà lòng tôi thấy thương, thấy nhớ những năm tháng rực rỡ của cải lương một thời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Là người mê loại hình nghệ thuật truyền thống này, thật ra ở nhà và bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể mở tivi nghe cải lương nhưng cảm thấy mình xa lạ, lạc lõng giữa nhịp sống bận rộn, gấp gáp của gia đình. Nào cơm nước, con cái, cùng với sự khác biệt về sở thích, sự lên ngôi của các thiết bị công nghệ thông minh khiến các thành viên gia đình ngày càng ít thời gian bên nhau. Nhớ mẹ chồng tôi, người tôi hay gọi đùa vui là bạn-cùng-xem-cải-lương. Tôi nhớ những hôm cùng xem cải lương với mẹ, rồi hai mẹ con tranh luận về nội dung của từng vở diễn: nào là tình mẫu tử, nào là chuyện mẹ chồng nàng dâu, nào là nghĩa vợ chồng… Tôi thường tìm những tuồng cải lương mẹ thích, những giọng ca vàng mẹ hay nghe, thấy vui và bắt đầu nghĩ về tổ ấm gia đình những lúc có mẹ đang chờ tôi cùng xem cải lương. Tôi chợt nhận ra rằng, cuộc sống ở ngoài với những toan tính, tất bật, màu mè thì vài chục phút ngồi xem cải lương với mẹ như kéo tôi lại với khoảng lặng bình yên của gia đình. Một khoảng lặng vừa đủ để hoài niệm quá khứ, hoặc chỉ để “nhấm nháp” nỗi buồn vu vơ hay đơn giản là để nhìn ngắm, lắng nghe “hơi thở” cuộc sống hằng ngày.

Cuộc sống hối hả hằng ngày dường như đã lấy đi phần nào cảm xúc tự nhiên của mỗi người, việc dành thời gian vài ba tiếng đồng hồ để xem và cảm hết một vở cải lương không phải ai cũng làm được. Bởi muốn thưởng thức cải lương phải thật thư thái, không bận tâm điều gì khác. Có như vậy mới hiểu đầy đủ nội dung, nghe đủ và thấm từng làn hơi, từng câu hát. Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường ca nhạc giải trí, không khó để khán giả tiếp cận những liveshow nhạc trẻ, nhạc trữ tình, nhạc bolero,… nên cải lương bỗng trở thành loại hình nghệ thuật cực kỳ “kén” khán giả. Vậy mà hồn cải lương vẫn còn rung động trong từng lời ca tiếng hát đối với những người yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Mẹ chồng tôi, cô chú hàng xóm, tôi - những người cổ lổ sĩ… luôn dịu lòng lại để lặng nghe da diết cải lương. Bởi được chìm đắm vào những xúc cảm của muôn năm cũ để thấy lòng bình an hơn...

ĐÔNG TRÌ

;
;
.
.
.
.
.