MA NHAI NGŨ HÀNH SƠN

Di sản văn hóa - nỗi mừng biết lấy chi cân...

.

Cuối tháng 11 vừa qua, thêm một tin vui cho thành phố Đà Nẵng nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng: Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản được công nhận ở tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Trong ảnh: Ma nhai Phổ Đà sơn linh trung Phật ở động Hoa Nghiêm.Ảnh: XUÂN DŨNG
Ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản được công nhận ở tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Ma nhai Phổ Đà sơn linh trung Phật ở động Hoa Nghiêm. Ảnh: XUÂN DŨNG

Và với vinh dự lớn lao này, Ngũ Hành Sơn là nơi hội tụ đến ba loại hình di sản quan trọng: “Di tích quốc gia đặc biệt” cho cả khu danh thắng được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng năm 2018, “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh cho Nghề đá mỹ nghệ Non Nước (2014), cho lễ hội Quán Thế Âm (2021) và nay là Di sản tư liệu ma nhai mang tầm quốc tế.

Còn nhớ, vào năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng tiến hành khảo sát danh thắng Ngũ Hành Sơn để nếu đủ điều kiện thì có thể làm hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Với sự hỗ trợ của lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, việc khảo sát được tiến hành thuận lợi. Trong quá trình khảo sát này, anh chị em ngành văn hóa thấy trên rất nhiều bia đá, vách đá có khắc chữ Hán, chữ Nôm. Mặc dầu chưa rõ hết nội dung và ý nghĩa nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rằng, nó có một giá trị nào đó. Và chúng tôi có liên tưởng đến “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016.

Tình cờ, chúng tôi được biết Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán ở Huế đang nghiên cứu di sản Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn, bởi nơi đây từng một thời là trung tâm Phật giáo lớn ở Đàng Trong cũng như cả nước. Tại hội thảo do Trung tâm Văn hóa Phật giáo này phối hợp chùa Quán Thế Âm tổ chức vào tháng 5-2018, thơ văn ma nhai được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Ngay sau đó, một số nhà nghiên cứu Hán Nôm và nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phật giáo từ Huế vào khảo sát rất kỹ lưỡng ma nhai nơi đây suốt hai tháng liền.

Theo Đại đức Thích Không Nhiên thì “Văn bản ma nhai hiện lưu tại 5 hang động Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Âm Phủ và một số vị trí khác tại ngọn Thủy Sơn, bước đầu thống kê có khoảng 90 văn bản. Trong đó, động Huyền Không chiếm số lượng áp đảo với 60 văn bản, động Tàng Chơn 20, động Linh Nham 3, động Vân Thông 3, động Âm Phủ 3 và các vị trí còn lại 3 văn bản. Tuy nhiên, đa phần các văn bản không còn nguyên vẹn, bởi một số lớn bị phong hóa theo thời gian, mờ hết chữ; một số bị bôi lấp bởi sơn và xi-măng. Đáng tiếc nhất là trong 8 bia kí thời chúa Nguyễn, có đến 5 tấm đã bị đục hết nội dung chữ khắc...”.

Với thực trạng như vậy, tại hội thảo, nhà nghiên cứu Phan Đăng cho biết, đã gặp may khi tìm được một quyển sách chép tay bằng chữ Hán đã tồn tại trên 100 năm, chưa được in ấn lần nào, bên trong có nhiều nội dung bổ ích cho việc nghiên cứu ma nhai Ngũ Hành Sơn. Theo ông, sự tồn tại cho đến nay của quyển sách chép tay này là một điều kỳ diệu. Đó là quyển “Ngũ Hành Sơn lục” do tú tài Hồ Thăng Doanh, người làng Hóa Khê, Ngũ Hành Sơn biên soạn vào đầu triều Khải Định, năm 1916. Nội dung quyển sách đề cập nhiều chủ đề, trong đó có ghi chép, dịch nghĩa, giải thích một số thơ văn ma nhai Ngũ Hành Sơn, nhờ vậy mà nó giúp chúng ta biết được nội dung các văn bia đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Kết quả nghiên cứu ban đầu qua cuộc khảo sát đã được đăng trong Đặc san Liễu Quán - Xuân Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Ngự chế thi và thơ văn ma nhai Ngũ Hành Sơn”. Có thể kể đến các bài: “Tổng quan hệ thống Ma nhai Ngũ Hành Sơn” của Thích Không Nhiên, “Thơ Ngự chế Hoàng đế Minh Mạng về danh thắng Ngũ Hành Sơn” của Võ Vinh Quang, “Về hai văn bản Ma nhai thời Đồng Khánh tại động Huyền Không” của Thích Như Tịnh, “Thơ đề của các đại thần đời Thành Thái trên Ma nhai Ngũ Hành Sơn” của Phan Đăng, “Khảo sát văn bản Ma nhai thời Duy Tân tại động Huyền Không" của Phạm Đức Thành Dũng”, “Về các bài thơ đề vịnh Ngũ Hành Sơn thời Khải Định và Bảo Đại” của Trần Đại Vinh...

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu rất chuyên sâu nói trên, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử thành phố phối hợp Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức Hội thảo khoa học “Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn” vào tháng 3-2019 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và nghiên cứu đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Qua hội thảo này có thể xác định, thơ văn ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức thể hiện độc đáo, có tính duy nhất không thể thay thế với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối, hát nói... của vua quan, các cao tăng, văn nhân thi sĩ từng dừng chân cảm tác, khắc ghi trên các vách đá, hang động Ngũ Hành Sơn từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX. Đây là nguồn tư liệu quý hiếm, có giá trị nhiều mặt về lịch sử, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, kể cả ngoại giao.

Đối chiếu với những tiêu chí của UNESCO về xem xét để ghi danh loại hình Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới như tính xác thực, tính nguyên bản, tính đại diện, giá trị nội dung, khả năng bảo tồn, giới thiệu của địa phương..., Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp UBND quận Ngũ Hành Sơn quyết định báo cáo lãnh đạo thành phố, xin chủ trương lập hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị ghi danh Di sản tư liệu quý giá này.

Xuyên suốt quá trình lập hồ sơ, ngành văn hóa thành phố và quận Ngũ Hành Sơn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm của Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;  Ủy ban Quốc gia chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương Việt Nam; Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế; Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế. Và lẽ ra, hồ sơ này được trình tại kỳ họp của UNESCO tại Ấn Độ vào tháng 10-2020, tuy nhiên, Covid-19 làm gián đoạn kỳ họp nên đến cuối tháng 11-2022 hồ sơ mới được trình và thông qua.

Nằm trên con đường di sản miền Trung nhưng từng có lúc, Đà Nẵng cảm thấy thua chị kém em trên lĩnh vực di sản văn hóa. Những năm gần đây, lĩnh vực này có nhiều chuyển động mạnh mẽ với hai di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng (thành Điện Hải và danh thắng Ngũ Hành Sơn), với sự phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế trùng tu di tích quốc gia Hải Vân Quan và nay là di sản ma nhai được UNESCO ghi danh. Vấn đề bây giờ là thành phố Đà Nẵng nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, cần có chương trình hành động cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản quan trọng này.

NSND HUỲNH HÙNG
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố

;
;
.
.
.
.
.