Nhớ làng rừng

.

Làng rừng quê tôi có mở về xuôi bằng những con đường bê-tông rộng rãi. Nghe tiếng bánh xe lăn trên mặt đường xen giữa tiếng bìm bịp báo con nước lên, tiếng chim rừng gọi sương xuống, có ai ngờ đã có một thời, vẫn có một lối về nguyên sơ khe đá với bao nỗi niềm trong những ngày mưa tháng bảy.

Cha tôi kể, trong hai cuộc chiến tranh, trai tráng làng tôi đi vệ quốc rất nhiều. Vốn là dân của một vùng đất mới khai khẩn, nhát dao phát của ông cha còn in hằn thớ đá, những đứa trẻ lớn lên biết mặt con chữ thì ít, nhưng lại biết học cây, học rừng mà sống. Ấy thế mà, hễ nghe tiếng bom đạn, người làng rừng lại đi tòng quân để lại muôn trùng gió núi và lá rừng xao xác.

Nghe các cụ kể, một ngày, những người lính công binh đã tới xẻ bức tường đá chia cắt làng Mè mấy trăm năm với những vùng xung quanh. Khe đã mở ra như cổng trời, người làng thấy như long mạch có đổi thay, tâm tính cũng bớt đi những khúc khuỷu, lầm lì.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng đó là những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Cả đơn vị bộ đội đã hy sinh trong một trận bom. Mặt đất lại bình yên trong một tình huống khác thường. Năm tháng qua đi, cây lại lên xanh, cổng đá lại rêu phong như chưa từng có bàn tay người xẻ núi. Có một tấm bia được dựng lên bằng đá rất trang nghiêm, người dân tưởng nhớ các anh vẫn thường xuyên nhang khói.

Có lần cha dẫn tôi đi qua con đường ấy để đến trường. Tôi hỏi cha tôi: “Làng mình sao không có ai đỗ đạt?”. Chẳng hiểu sao, tôi lại kiếm được câu hỏi lạc lõng đến thế, câu hỏi như sao mai ngơ ngác một sớm ngày. Cha tôi bảo: "Con thấy trời xanh có in chữ không? Cỏ xanh ngút tận đỉnh đồi có hình gì trên đó? Và, sao cứ phải mỗi cây môi hoa, mỗi hoa một sắc hương? Bởi vì, trước tiên hãy hiểu lẽ tự nhiên, an nhiên như đất trời cây cỏ. Con có học được bao nhiêu chữ quý nhưng chữ “hiếu đễ”, “nghĩa nhân” thì phải tự ngộ ra từ trong lòng mình".

Tháng năm theo dòng mưa lũ vẫn mòn mỏi trên mặt đá của tấm bia nhẫn thín. Bao thế hệ sinh ra, lớn lên rồi hòa vào cuộc mưu sinh. Thi thoảng tôi vẫn đi về qua đường cổng đá. Bây giờ xung quanh là bạt ngàn cam, mía, bưởi đào, những cây vui mọc về làng, về xóm. Làng rừng đã không còn cô quạnh, những ngôi nhà kiên cố mọc lên giữa mướt xanh bình yên.

Nhưng trong nền xanh ấy, tôi vẫn nhận ra một sắc xanh thật khác. Màu xanh của áo lính chưa hề phai. Họ là những người con của mảnh đất này, bằng tuổi với những người từ bao miền quê khác về đây và nằm lại. Họ chưa từng gặp mặt, những người chủ nhân của đất đai hôm nay thầm cảm ơn những ai đã hy sinh bảo vệ quê hương mình. Màu hoa vụ mới, tiếng cười trẻ nhỏ, đôi mắt đục nhưng vẫn lấp lánh niềm vui của những người già chính là những gì mới mẻ mà con người hôm nay nguyện dâng cho đất.

Làng rừng có bia không chữ, người làng rừng có đi xa, học nhiều vẫn kiệm lời, có lẽ bởi những gì thiêng liêng, chất phác thì luôn âm thầm lặng lẽ làm nên cốt cách của những con người cũng như vẻ đẹp của một vùng quê. Tôi nhớ làng rừng…

KIẾN VĂN

;
;
.
.
.
.
.