Sách mới sách hay

.

1. NXB Trẻ vừa tái bản lần 3 cuốn sách Nhật ký phi công tiêm kích của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát. Cuốn sách chia sẻ những ghi chép của tác giả từ quá trình học bay đến xung trận trong suốt 7 năm 1966-1972. Theo tác giả, ông nhập ngũ vào không quân ngày 4-7-1965 và may mắn cùng 58 học viên khác sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Sau 2 năm 9 tháng, ông học xong chương trình đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu MiG-21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô lúc này, trong khi chương trình đào tạo thông thường phải mất 5 năm. Ông bắt đầu viết nhật ký ngày 20-3-1966 và viết đều đến 31-12-1972, một ngày sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Trong suốt thời gian phục vụ chiến đấu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 27 tuổi. Câu chuyện của tác giả ghi lại đầy đủ những hy sinh, gian khổ và tinh thần tận hiến cho cách mạng. Cuốn sách cho thấy những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu và tình đồng chí thật đẹp…

2. Bạn có gặp trường hợp mình mua nhiều sách về nhà, nhưng con bạn không hề lật ra, chỉ thích chơi game? Các em không kiên nhẫn đọc sách được liên tục 15 phút? Có những em “sợ” đọc sách khoa học vì cảm thấy khó, khô khan. Vậy bạn chữa nỗi sợ này như thế nào?... Trên đây là một số câu hỏi được đặt ra trong cuốn Cẩm nang khuyến đọc (NXB Trẻ, 2022), song song với việc phân tích, tìm ra phương pháp kích thích trẻ ham đọc và đọc có trọng tâm.

Cẩm nang khuyến đọc chia ra nhiều nội dung, như: Đọc sách có lợi thật không; Hiểu con em mình để giới thiệu loại sách phù hợp; Các giai đoạn đọc sách của trẻ và cách khuyến đọc phù hợp; Làm thế nào để tạo không gian khuyến đọc… Theo nhóm tác giả, để thuyết phục con em bạn hay chính bạn đọc sách, bạn cần tin là đọc sách có lợi, giúp tăng độ tập trung, phát triển tư duy, mở rộng tầm nhìn, tăng sự thấu cảm và giao tiếp với người khác tốt hơn. Ngoài ra, cuốn sách còn phân tích kiểu đọc sách hiện nay, kèm theo những điều chỉnh phù hợp. Ví như trước “một em bé quá ham đọc sách, biết quá nhiều kiến thức dễ khiến các em trở nên lạc lõng giữa bạn cùng lứa. Để các em không hoang mang, nên chỉ cho các em thấy ứng dụng những gì mình đã đọc. Hướng các em tìm hiểu những ngành, nghề liên quan đến những kiến thức đã tích lũy. Việc mô tả tương lai và ích lợi của việc đọc với các em đọc nhiều có tác dụng động viên rất quan trọng”.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.