Bảy tuần và bảy năm

.

“Mỗi biến cố trong cuộc đời đều đến từ nhiều sự kiện trước đó, nhà Phật gọi ấy là nhân duyên. Chính điều đó là sự nhắc nhở chúng ta về cách sống mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc” - lời chia sẻ trên bìa gấp sách Bảy bảy bốn chín (NXB Trẻ - 2022) của nhà văn Hoàng Công Danh bắt đầu từ cái chết của nhân vật, song đó cũng là hành trình của sự giải thoát và cũng là một thông điệp từ đạo Phật.

Đọc Bảy bảy bốn chín, Hoàng Công Danh, NXB Trẻ, quý 1-2022.
Đọc Bảy bảy bốn chín, Hoàng Công Danh, NXB Trẻ, quý 1-2022.

“Đó là buổi sáng, trời rất đẹp. Tôi đang ngồi trong quán cà phê nghe một bản nhạc không lời mà tôi đoán là nhạc tình thì có cuộc điện thoại. Đầu kia gọi xác minh danh tính, họ lưỡng lự một chút và thông báo rằng vợ tôi bị tai nạn, đã chết”. Và thế là bắt đầu bốn mươi chín ngày mà tương truyền theo quan niệm nhà Phật, vong hồn được phán xét để đầu thai. Bảy tuần lễ thất, cũng là bảy tuần để người chồng nhìn lại cuộc hôn nhân kéo dài bảy năm với người vợ đã mất. Bảy tuần chiêm nghiệm, nhìn nhận lại bảy năm họ chung sống bên nhau.

Cách đặt đề tài của Hoàng Công Danh vừa lạ vừa quen với cách kể đan xen giữa hiện tại và quá khứ, cứ hết một tuần thất là đến ký ức của một năm. Lần lượt bảy tuần tương ứng với bảy năm quá khứ. Những tuần thất với các nghi thức của nhà Phật, là cuộc sống của nhân vật và con gái sau ngày người phụ nữ của gia đình từ giã cõi đời. Câu chuyện có phần giản dị, bình lặng như nếp sống vốn nó phải thế. Nhưng những năm quá khứ được nhớ lại trong tâm tưởng lại không hề giản đơn, nó là một loạt những biến cố, những ẩn ức, những va chạm thường ngày của một cuộc hôn nhân, là những tầng nấc biến đổi tâm lý của hai con người khi sống cạnh nhau. Đó là không gian dưới một mái nhà, tưởng là hẹp mà mênh mông. Thay vì ngày càng xích lại gần nhau khi cùng lo toan cho một mái ấm, thì những xung đột tưởng như vụn vặt, những suy nghĩ không cùng tầng bay, những rào cản tâm lý đã đẩy hai con người xa nhau hơn. Để đến cuối câu chuyện, nhân vật nam chợt nhận ra những biến cố xảy ra trong bảy năm qua dường như là một chuỗi mắt xích, xâu chuỗi với nhau. Câu chuyện vì thế đã tạo nên sự lôi cuốn, ấn tượng với người đọc.

Một cuộc hôn nhân, một không gian bàng bạc của câu chuyện với những nếp nghĩ truyền thống xảy ra trong một gia đình ở miền Trung trong câu chuyện có thể được bắt gặp ở bất kỳ một gia đình, một làng quê nào khác. Bởi vậy, Bảy bảy bốn chín là một câu chuyện rất “thật và đời”, và ám ảnh người đọc.

“Tôi đã muốn hóa cái phan càng sớm càng tốt, nhưng lấn cấn mãi về chỗ đốt. Có thể đốt ở vườn nhà để tro mủn ra đất, linh hồn nàng bắt rễ nương theo một cái cây. Sống đời thực vật chắc là dễ chịu hơn và ít điều tiếng hơn kiếp người. Hay đốt ở nghĩa địa bên ngôi mộ, để linh hồn được theo cùng thân xác và rồi mục ruỗng dần theo tháng năm để trở thành đất. Hay đốt bên sông và thả tro xuống dòng nước, để hồn được tan chảy về biển cả đại dương phóng khoáng, không còn bị gò bó. Không ai nói với tôi nên chọn cách nào thì hay hơn”.

Tất cả nhân vật trong Bảy bảy bốn chín đều không có tên, hình dáng hay gương mặt cũng không rõ ràng. Họ có thể là bất cứ ai trong cuộc sống này. Bởi vậy mà như thông điệp tác giả muốn gửi gắm, mỗi sự kiện của hiện tại có thể là những gì mà chúng ta trải qua trong quá khứ, như một quy luật, ở một cách này hay cách khác. Truyện dài Bảy bảy bốn chín cũng chính là quá trình chiêm nghiệm sâu sắc về đạo và đời, như mối lương duyên gắn bó của con người trong quá khứ và hiện tại, và có thể cả trong tương lai. Nên nó nhắc mỗi người về cách sống, cách hành xử giữa con người với con người sao cho nhân văn, để quá khứ trôi qua mà không thấy hối tiếc ở hiện tại.

Bảy bảy bốn chín đã đoạt giải trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7 năm 2022. Nhà văn Hoàng Công Danh sinh năm 1987, tốt nghiệp kỹ sư ngành vật lý Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, hiện làm ở Tạp chí Cửa Việt, Quảng Trị. Anh đã xuất bản ba tập truyện ngắn: Cõng nhau trong một cõi người (2013), Chuyến tàu vé ngắn (2016), Trong cơn say níu sợi dây đứt (2019) và tùy bút Khói sẽ làm mắt tôi cay (2014).

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.