Mẹ nói, Tết này chúng tôi sẽ về quê nhà Đà Nẵng, sau gần hai chục năm ăn Tết xứ người. Buổi tiệc tất niên năm nay được gia đình tôi làm sớm hơn, ngay khi đưa ông Táo về trời, chứ không phải vào giao thừa như thông lệ. Tuy nhiên, tiệc vẫn đông đủ cả “bọn trẻ” xóm hẻm. Đứa ba mươi tuổi thì dắt theo con ngồi như một thành viên mới, đứa hai mươi mới cưới năm qua, đang bồng đứa nhỏ trên tay, vẫn không bỏ buổi tiệc thường niên này. Bạn nói, “chỉ là một chuyến nhà mầy về quê ăn Tết thôi, mà tụi tao cứ bồn chồn trong dạ như cảm giác mầy sẽ về Đà Nẵng mãi, và xóm mình sẽ hụt mất mùi tô mì thơm lừng của buổi giao thừa, sẽ mất đi tiếng người thân thuộc”. Tôi không ngờ đám bạn xóm hẻm lại hụt hẫng khi mình về quê ăn Tết, trong khi đã có lúc, bọn nó chọc tôi đến phát khóc lên, “mầy chẳng phải người Đà Nẵng!”.
***
Hồi nhỏ, mỗi khi nghe gia đình tôi trò chuyện, vang lên hai chất giọng khác nhau, là chúng bạn lại len lén cười. Cái cười lén ấy làm tôi vô cùng khó chịu, bởi biết ngay chút nữa thôi, khi không có ba mẹ ở bên, chúng sẽ nói vào tai tôi rằng, “mầy chẳng phải con của ông bà Quảng ấy đâu, mầy chỉ là đứa con nuôi. Ông bà Quảng lượm mầy ở gốc cây, kiến bu đen đỏ thấy thương nên mang về nuôi mà thôi”. Trong tâm trí tuổi thơ, tôi không thể nào chịu được sự giễu cợt ấy. Không hiểu sao dẫu rất bực mình, nhưng mỗi lần nghe lũ bạn xóm nói vậy, ý nghĩ “mình chỉ là đứa con nuôi, cũng chẳng phải gốc người Đà Nẵng như ba mẹ” lại dậy lên trong tôi. Trốn chạy ý nghĩ ấy, tôi càng chạy lại càng bị theo đuổi réo rắt kề bên. Mẹ hỏi bằng thứ ngôn ngữ Sài Gòn, nhưng cái chất giọng người quê Đà Nẵng vẫn còn đậm đặc:
- Con buồn răng rứa?
Tôi úp mặt vào gối, lau nhanh dòng nước mắt, nói vọng ra:
- Con không sao, con không sao?
Mẹ đến kế bên, vuốt tóc tôi. Bà ngồi thật lâu trong khi đứa con đang kìm nén cảm xúc mình lại thật chặt để không phải tung gối ra ôm chầm lấy mẹ, vừa khóc và vừa hỏi, “mẹ nói thật đi, con có phải con ruột của ba mẹ không?”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Suốt những năm tháng ấy, tôi ám ảnh điều đó thật nhiều. Bởi lẽ tôi nói giọng Sài Gòn rành mạch bao nhiêu thì ba mẹ lại nói giọng Đà Nẵng đậm đặc bấy nhiêu. Ba mẹ thích ăn cay, thích mắm nêm, còn tôi thì không. Đó là hai trong số nhiều giả thuyết mà đám bạn xóm hẻm đưa ra để minh chứng rằng, “mầy chẳng phải con ruột của ông bà Quảng”. Cũng bởi vậy mà có lần tôi đã đánh thằng bạn hàng xóm đến gãy răng, bởi nó đưa ra lý lẽ rằng, “mầy không giống ba mẹ mầy mà đòi là con ruột hả?”.
Lần đó, tôi bị ba phạt rất nghiêm khắc. Ngoài “ăn” cả chục roi, tôi còn bị úp mặt vào tường, sau lưng là hỗn loạn bao nhiêu lời la rầy của ba và mẹ, “răng mi đánh bạn?”. Những ý nghĩ cứ trộn lẫn vào nhau, chúng cay và nồng chẳng khác nào hũ mắm nêm sau nhà của mẹ, có trộn thêm mấy ký ớt cay nồng đến chảy nước mắt, ướt cả bức vách không nguôi. Tối đó, tôi cứ chập chờn trôi trong nước mắt, và cái mùi mắm nêm lại nồng lên sóng mũi. Tiếng đám bạn xì xào, tiếng của ba mẹ lao xao con phố. Bao năm tuổi thơ, tôi cứ chập chờn mãi cái ý nghĩ mình chẳng phải con của ba mẹ, chẳng phải dân Đà Nẵng, bởi những điều khác biệt bày ra trước mặt không thể nào chối cãi.
***
Nhiều năm sau, tôi đã biết ăn mắm nêm, và món mắm nêm của mẹ đã làm mê lòng cả xóm hẻm, trở thành thân thuộc. Tôi vẫn nhớ những ngày mẹ phải buôn gánh bán bưng từng tô mì Quảng, ba mẹ luôn dặn rằng, mình vào đây tay trắng, nhờ xóm làng giúp đỡ mà được như hôm nay, mình phải nhớ ơn và đùm bọc xóm hẻm như bà con thân thuộc. Những lúc vậy, tôi nhận ra, cái chất người miền biển luôn ẩn chứa trong từng miếng bánh, trái cam của mẹ tặng cho hàng xóm của mình. Cũng chính điều đó đã ăn sâu vào tôi, nó hòa cùng với tính cách dân Sài Gòn hào sảng!
Xa quê, lấy phố làm nhà, nhưng dường như chất quê và nỗi nhớ vẫn luôn đong đầy trong ba mẹ. Vậy mà suốt bao năm, chưa bao giờ ba đưa tôi trở về làng chài, thăm lại ngôi nhà xưa cũ. Ba bảo rằng ông sẽ chẳng chịu được khi về nơi đau buồn ấy. Năm nay, sau nhiều năm năn nỉ, khi công việc đã bớt bộn bề, ba mẹ mới chịu dắt tôi về làng chài.
Với ba mẹ, ấy là chuyến về “nhà” đầu tiên sau gần hai chục năm xa cách. Ba nói, chuyến bay từ Sài Gòn ra chỉ mất hơn một giờ là đến, vậy mà nhà mình suốt chục năm vẫn chưa thể quay về “nhà”. Trên chuyến bay ngắn ngủi lần ấy, không hiểu sao mà bao cảm xúc lại dậy lên. Ba nhớ chuyện xưa, ông kể lại như có một mạch nguồn vừa dâng trào trong tận đáy lòng… Giọng ba trầm trầm, có lúc nghèn nghẹn lại vì xúc động. Người ta bảo, miền Trung như mảnh ngực gầy đầy kiêu hãnh vươn ra biển lớn. Đón biết bao gió bão khắc nghiệt, chỉ làm cho người miền Trung thêm rắn chắc và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên có một mùa bão, đã làm cho quê mình xơ xác, không thể nào bám biển mà sống được.
Hai cơn bão liên tiếp vào bờ, gần như xóa sổ xóm làng chài. Những ngư dân ra khơi đã kẹt lại đâu đó trong lòng biển, mãi mãi. Những người ở lại cũng chẳng được tha. Bão qua, những ngôi nhà kết bằng xác thuyền đắm cũng chẳng còn. Ba mẹ tôi là hai trong số những ngư dân may mắn sống sót, trở lại xóm chài, quỳ trước những ngôi nhà vắng lặng không một bóng người, hét như muốn nuốt cả biển. Nhưng biển cũng chẳng chịu thua, biển tạt những cơn sóng vào như xua đuổi. Bà con thân thuộc chẳng mấy ai đông, gồm bên nội và bên ngoại có hơn chục người, mang mơ ước một mùa Tết sum vầy trên hai con thuyền đã mất dạng ngoài khơi xa. Khi cơn bão tan, ngày nào ba mẹ cũng ra với biển, hy vọng sẽ còn có con tàu nào đó ung dung bất khuất đâm mũi từ xa trở về. Có mấy con tàu về trong cơn mệt mỏi, nhưng chẳng con tàu nào của nội ngoại tôi! Lay lắt ở xóm chài với bàn tay trắng, nỗi mất mát cứ dâng trào. Đến một hôm, có người hàng xóm dúi vào tay ít đồng bạc lẽ, rồi xúi hãy xuôi về Nam mà tìm đường lập nghiệp. Trong lúc bơ vơ, buồn thảm, ba mẹ quyết định nhảy tàu ra đi trong một đêm tối trời, nghe trong vỏ ốc vang vọng trăm ngàn cơn phẫn nộ lôi đình, như biển sẽ chẳng yên, biển vẫn còn nổi giận.
Chiếc tàu chạy qua phố biển, dừng lại khoảng nửa giờ đón khách. È ạch bụng bầu, chẳng có hành lý chi, mẹ len lén lên tàu. Ba trốn từ toa này sang toa khác, mẹ đành chịu, ngồi gục mặt xuống bụng. Nằm im, mẹ nhìn xuống lối đi của tàu. Có hơn chục lần người soát vé đi ngang, dừng lại. Nhưng rồi lại đi. Có vẻ như người ta hiểu được cảnh trốn tàu của người đàn bà đáng thương, khổ sở, nên xem như chẳng thấy bà ở trên tàu này. Cũng như ba tôi trốn từ nhà vệ sinh đến hết toa này sang toa khác, đôi lần sắp bị bắt gặp, nhưng rồi cũng thoát được để vào đến chặng cuối của con tàu.
Khi ba kể đến đây, mẹ bảo:
- Bước xuống tàu, hai vợ chồng ngơ ngác, cầm trên tay ổ bánh mì mà người đi tàu thấy thương nên cho...
Thời ấy dân tứ xứ tay trắng đến Sài Gòn không hiếm. Nhìn bộ dạng lơ mơ, gầy gò hốc hác của cả hai, biết ngay là dân rời quê vào phố, nên có người đến hỏi ba “có muốn làm vác thuê không?”.
Ở bến vác thuê, ba vừa khuân vác, mẹ ngồi ngó chứ chẳng biết phải đi đâu. May mà ngày hôm ấy đủ tiền cơm, tìm công viên mà ngủ. Hôm sau ba lại vác thuê, mấy hôm liền thì đủ tiền để dằn cọc thuê căn trọ nhỏ xíu và ọp ẹp, tiền ngày nào trả ngày nấy. Cứ thế dần dần cho đến ngày mẹ sinh nở. Tôi ra đời trong căn trọ nhỏ, bà hàng xóm cũng người Đà Nẵng lưu lạc đỡ đẻ giúp. Và bà cũng giúp đỡ cho suốt mấy tháng ròng sau đó. Mẹ bảo, “con sinh ra, lớn lên ở xứ người, nên giọng nói không như ba mẹ.
Nhưng cái hồn cốt vẫn là người Đà Nẵng nớ, vẫn là đứa bé làng chài, ngay trong hơi thở cũng mẹn mòi gió muối”. Câu chuyện trên chuyến bay làm tôi xúc động. Và nỗi xúc động đó thật sự dâng trào khi chúng tôi về đến làng chài.
Ngôi làng nhỏ, hơn chục nóc nhà ngó mặt ra bãi biển xanh. Nơi đây chắc rằng quanh năm nghe rì rào gió thổi. Ba nhanh nhẹn như những lối mòn vô hình trên cát vẫn còn đó suốt bao năm. Những ngôi nhà đã được xây mới khang trang, những người tản cư cơn bão năm nào đã trở về và lại sinh sống bằng nghề đi biển. Họ khá hơn xưa bởi sau cơn bão ấy biển đã ăn năn và mang lại cho nhiều thắng lợi mỗi chuyến ra khơi. Cảnh lạ, một thế hệ mới sinh ra, cũng lạ. Trong lúc ba vừa đi vừa hồi tưởng lại ký ức mình thì có người đàn ông gầy gò ngồi trên chiếc võng trong ngôi nhà cũ, nói vọng ra:
- Quảng hỡi, mi phải Quảng không?
Nhìn vào người đàn ông già nua rám nắng biển, ba tôi mừng như gặp lại người thân ruột thịt, chạy ào vào nhà tay bắt mặt mừng. Đây là ông già Tư, người đã dúi vào ba mấy đồng bạc lẻ và bảo rằng: “Mi lên tàu vô Nam. Mình khổ chẳng răng, nhưng đứa nhỏ ra đời lúc bão này thì tội”. Ba kể lại chuyện cũ, ông lão khoát tay, “Chẳng có chi mô. Nì nì, mi đi theo tau, đi theo tau”.
Ông lão dắt chúng tôi qua bên hông nhà, đó là một khu đất nhỏ được xếp nhiều tấm ván thuyền. Ông bảo rằng sau bão khoảng hai ba tháng, ông và những người tản cư sống sót trở về đây. Bấy giờ làng chài xơ xác, trơ ra những xác nhà. Lâu lâu biển lại quăng trả mấy mảnh thuyền đắm, không ít trong số xác thuyền ấy là thuyền của dân làng chài. Mấy đứa con không cho ông Tư đi biển nữa, mà ở nhà trông cháu để các con đi. Ông Tư ở lại nhà. Hằng ngày, đi gom những xác nhà và xác thuyền về chất ở đây, để ông nhìn mà đỡ nhớ làng, nhớ người xưa. “Mảnh đất nì tau giữ thay cho vợ chồng mi, nay mi về, tau yên tâm treo lại”.
Ba tôi xúc động nắm lấy tay ông Tư chẳng nói nên lời. Trong lúc nghẹn ngào đó, ông lão lại bước đến mớ ván thuyền, lật một mảnh thuyền ra. Bên trong thuyền, những cây nấm mối mọc lên đầy sức sống. Ông bảo, chẳng hiểu sao những mảnh thuyền này lại mọc rất nhiều nấm mối. Cứ hái một mớ ăn cái đã. No dạ rồi hãy tính chuyện nhà cửa sau, mi hì?
***
Tháng mười, ba đã về biển Sơn Trà, nơi làng chài quê hương để cất lại căn nhà nho nhỏ, chúng tôi sẽ có một nơi để quay về, để thấy rằng ký ức dù có đau thương thì vẫn sẽ nở hoa chứ không bao giờ héo úa. Mớ xác thuyền đắm chất ở đất nhà, ba hái được hơn sáu ký nấm mối, gửi vào cho hai mẹ con. Tôi mang nấm mối miền biển Đà Nẵng quê hương chia cho cả xóm. Đám bạn thân ăn tấm tắt khen ngon. Tôi bảo:
- Đấy là mùi của biển quê tao.
Đứa bạn cười, bảo rằng:
- Ngon là bởi tấm lòng của người Đà Nẵng. Lòng người dù có đi xa đến dâu vẫn đong đầy chất quê như vậy.
Tôi ra vẻ ngạc nhiên, nói bằng giọng quê mình:
- Tau mô phẻ người Đè Nẽng mi hà?
Đứa bạn cười tươi, bảo rằng, “bởi mười mấy năm qua, nhà mầy đã hòa vào xứ sở này biết bao nhiêu chất biển. Cái nếp người Đà Nẵng đã hòa vào tụi tao trong từng miếng mì đến cách cho đi và nhận lại, thì giờ vắng đi, hỏi sao không buồn”. Cầm nấm mối biển trên tay, có đứa khác lại bảo, năm nay dẫu có về quê ăn Tết, thì cũng phải ráng đãi tụi tao một buổi tất niên mì Quảng mầy nha. Cái chất Đà Nẵng không thể nào thiếu đi với dân xóm hẻm này được mầy à! Tôi gật đầu đồng ý. Hình như rau muống biển mẹ trồng cũng vừa nở bông trên ban công, thứ hoa xa quê nhưng vẫn làm xanh lên màu xứ sở!
LÊ QUANG TRẠNG