Đà Nẵng được khắc họa khá ấn tượng qua lời thơ, tiếng nhạc, như trong bài hát Đà Nẵng tình người: “Núi trong lòng thành phố/ Phố trong lòng biển khơi”. Ít có nơi nào được thiên nhiên ban tặng vị trí địa lý khá độc đáo mà trong phố có thể thấy rừng, nôm na là rừng trong quận như bán đảo Sơn Trà với hệ sinh thái rừng gắn với biển thuộc quận Sơn Trà, rừng Hải Vân thuộc quận Liên Chiểu, hay như cụm núi Ngũ Hành nằm ngay trong lòng quận cùng tên. Đó là những nét tự nhiên vốn có do “trời đất sắp đặt” cho Đà Nẵng.
Theo quy luật của sự phát triển, nhất là tại các đô thị lớn như Đà Nẵng, việc gia tăng những công trình xây dựng cùng với tiến trình đô thị hóa, “bê-tông hóa” dần làm mất đi những mảng xanh, thiên nhiên, cho dù người ta vẫn quan tâm đến việc trồng cây xanh, tạo cảnh quan bằng lá hoa, công viên vườn dạo nhưng những gì gọi là “màu xanh” đó vẫn còn khá khiêm tốn. Và những ai yêu thích thiên nhiên, thích rừng trong phố hẳn sẽ rất dễ chịu, thoải mái khi sống trong phố mà không bị không gian thô ráp, đơ cứng của đô thị làm lu mờ đi những nét tự nhiên.
Không ít "người thành phố” cảm thấy dễ chịu khi thấy thiên nhiên không rời bỏ mình sau bao tháng năm vì mải miết mưu sinh mà có lúc xao nhãng. Để cỏ cây hoa lá phải chịu nhiều vết thương, phải bị o ép mà dành chỗ cho bê-tông, kim loại và lối sống nặng theo vật chất. Trong cái xô bồ, ồn ã của đô thị ấy, đó đây được làm dịu đi bằng những khoảnh khắc quý hiếm được thiên nhiên mang lại.
Câu chuyện người viết muốn nói về con phố nơi mình sinh sống, qua những lần tản bộ bộ lúc bình minh, để rồi cảm nhận, lắng nghe, thưởng thức những âm thanh, hình ảnh đặc trưng của… núi rừng ở ngay trong lòng phố, những chuyện làm người viết cảm thấy ngỡ ngàng và đầy thích thú.
Một con phố với hàng cây chưa phải “có tuổi” nhưng cũng tạo ra màu xanh đủ làm dịu đi cái nắng của những ngày hè nóng bức. Một con phố mà mỗi sáng lại bắt gặp những hình ảnh, âm thanh “lạ tai, lạ mắt” nếu nhìn từ góc độ đô thị, mà không phải ở đâu cũng có được. Ấn tượng nhất là thỉnh thoảng lại được nghe tiếng tắc kè, không phải ở một chỗ mà 2-3 chỗ cách nhau hàng trăm mét trên con phố dài hơn 1,5km. Tiếng tắc kè vang lên giữa buổi bình minh còn thanh vắng nghe thật độc đáo và thú vị. Có cảm giác như là âm thanh của núi rừng đã “lạc” về phố thị và nếu nhắm mắt lại thì sẽ ngỡ rằng mình đang ở một nơi hoang sơ, xa vắng nào đó chứ không phải giữa một con đường trong thành phố sôi động. Những “âm thanh rừng” khác còn là tiếng chim hót chào đón bình minh trong từng tán lá, những loài chim mà chỉ nghe ở rừng, ở quê, không phải từ trong những cái lồng treo trong nhà mà là “tiếng chim tự do” vút lên giữa thinh không phố phường.Thật sảng khoái khi đi trong phố mà nghe được cả tiếng chim sâu, chim chích, sẻ, chim tìm vịt và thỉnh thoảng có cả tiếng chim sáo… Còn về hình ảnh, thích thú nhất là bắt gặp chú sóc con di chuyển trên tán cây và băng ngang qua đường trên đường dây điện, một hình ảnh rất đặc trưng và điển hình của rừng giữa lòng phố thị…
Nét rừng trong phố quả là một cảm nhận khá thú vị. Nó chỉ mới diễn ra ở một con phố bình thường ở Đà Nẵng, nhưng ít nhiều cũng giúp điểm xuyến cho một phố thị đang có những chuyển biến theo hướng xanh hơn, trong lành hơn, gần gũi với thiên nhiên, điều rất cần có đối với mỗi đô thị phát triển mà Đà Nẵng không phải là ngoại lệ. Nhìn rộng ra, việc có thêm nhiều màu xanh của cây lá, có thêm nhiều “nét rừng” trong lòng thành phố, nhìn nhận một cách nghiêm túc phải là tương lai hướng đến của Đà Nẵng, bởi vì qua đó nó góp phần cải thiện chất lượng sống, tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng sinh học và giúp các đô thị thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu. Từ một câu chuyện nhỏ, ước mong sao dáng nét rừng trong phố sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa để Đà Nẵng thực sự một đô thị hiện đại, văn minh hòa cùng những mảnh xanh thiên nhiên.
DÂN HÙNG