Thổn thức bến sông quê

.

Cứ mỗi lần bước lên các chuyến đò ngang từ Phú Thuận, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc qua quê tôi, làng Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thì trong lòng lại dâng trào bao cảm xúc vời vợi thương đau. Bến sông bây giờ khác xưa, không còn lau lách phủ kín con đường mòn như ngày nào. Con đò rẽ sóng, chòng chành rồi cập phía bờ nam mà tôi cứ quay đầu nhìn trở lại bờ bắc bởi nơi ấy đã, đang và sẽ còn đọng lại trong cuộc đời tôi nỗi buồn vô tận với thời gian, cái bến đò mà cha tôi đã ngã xuống, hòa dòng máu đỏ với sông nước quê hương.

Phục dựng chiếc cần trạc để đưa đất đào địa đạo lên trên. Ảnh: THÁI MỸ
Phục dựng chiếc cần trạc để đưa đất đào địa đạo lên trên. Ảnh: THÁI MỸ

Bến sông cha mãi đi xa

Cách đây hơn 52 năm, tháng 7-1970, một số cán bộ của huyện Duy Xuyên, trong đó có cha tôi phải sang các xã vùng B Đại Lộc để tiếp thu các chỉ thị, nghị quyết của Đặc khu ủy Quảng Đà về triển khai ba mũi giáp công, tiếp tục bám đất, giành dân nhằm mở rộng địa bàn chiến lược. Sau khi lãnh hội các ý kiến chỉ đạo của cấp trên ngay trong lòng địa đạo Phú An - Phú Xuân, cha tôi cùng hai cán bộ khác là Thái Văn Lịch, Thái Văn Lào men theo hàng tre ven làng để ra bến sông Phú Thuận. Gói xong tài liệu, quần áo vào túi ni-lông cho khỏi ướt rồi vượt sông về lại bên kia thì chiếc máy bay lên thẳng, người dân gọi loại này là tàu rọ từ căn cứ quân sự An Hòa bay dọc bờ sông Thu Bồn tìm kiếm.

Từ máy bay, những tên lính nhìn rõ ba người, trong đó có cha tôi đang nhấp nhô trên mặt nước, chúng sà xuống chĩa súng kêu gọi đầu hàng. Ba cán bộ liền bơi trở lại, chui vào đám bói, loại cây mọc dày ở đôi bờ sông để ẩn nấp. Song tàu rọ sà quá thấp, sức gió từ cánh quạt máy bay làm xác xơ, nghiêng ngã cả đám bói lớn, ba cán bộ bị lộ diện hoàn toàn. Biết chúng quyết tâm bắt sống, cha tôi rút chốt trái lựu đạn M26 ném vào cửa máy bay rồi ùm xuống nước nhưng lựu đạn trúng tên lính đứng ngay cửa rơi trở xuống nổ ở đám bói.

Khi cha tôi tung lựu đạn thì các ông Lịch, Lào nhanh chóng rời vị trí, đề phòng lựu đạn rớt trở lại nên không bị gì. Hoảng sợ, máy bay vút lên cao và loạt đại liên từ trên máy bay găm dày đặc xuống dòng sông, cha tôi hy sinh, trôi theo dòng nước hơn một cây số tấp vào Bàu Áo, xã Xuyên Thu, nay xã Duy Tân, được người làng vớt lên chôn cất vội vàng ở bãi dâu cạnh con khe đêm ngày róc rách. Các ông Thái Văn Lịch, Thái Văn Lào bị bắt đưa về quận Đức Dục giam giữ. Do các tài liệu, tang vật được các ông tiêu hủy trước lúc sa vào tay giặc nên mặc dù bị tra tấn dã man, chúng vẫn không khai thác được gì, thời gian sau hai ông được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng.

Đường hầm trong lòng đất

Địa đạo Phú An - Phú Xuân, xã Lộc Quý, nay là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc. Đây là vùng đất nằm giữa hai con sông Thu Bồn, Vu Gia. Để phục vụ cuộc chiến đấu lâu dài, Tỉnh ủy Quảng Đà đã chỉ đạo cho Huyện ủy Đại Lộc huy động lực lượng bí mật đào địa đạo để tránh trú khi cần thiết. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Huyện ủy Phan Thanh Thủ, quân, dân xã Lộc Quý đêm ngày không quản ngại đạn bom tiến hành đào địa đạo.

Hầu hết việc đào hầm đều triển khai vào ban đêm. Đất đào được đựng trong những chiếc sọt tre đưa lên khỏi mặt đất rồi chuyển ra đổ xuống sông, xuống hố bom địch vừa ném nổ. Tại các cửa miệng địa đạo tuyệt đối không được giẫm đạp nát cỏ, không để lại đường mòn, dấu chân khi vận chuyển đất đi nơi khác. Từ các chiến sĩ an ninh, du kích xã Lộc Quý đến lực lượng Ban An ninh huyện Đại Lộc, Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà đến các bác, các mẹ, các chị, các cháu thiếu niên đều tham gia đào địa đạo. Thông thường việc đào được chia từng nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, mỗi tổ 15 người như tổ trực tiếp đào trong lòng đất, tổ đưa đất đào lên, tổ chuyển đất đi nơi khác đổ để xóa dấu vết, canh phòng địch phục kích, máy bay địch trinh sát…

Với phương pháp này, từ tháng 3-1965 đến tháng 4-1967, quân, dân xã Lộc Quý và lực lượng an ninh tỉnh đã đào được 2.300 mét địa đạo, trong đó có 21 đoạn hầm đường ngách, rộng, hẹp, sâu, cạn khác nhau, bao gồm các hầm cứu thương, chứa lương thực, trú quân, hội họp, chỉ huy. Địa đạo xuyên ngoằn ngoèo trong lòng đất, bờ tre, làng mạc các thôn Phú An, Phú Xuân, Phú Bình, Phú Long của xã Lộc Quý.

Địa đạo Phú An - Phú Xuân là nơi trú ẩn, làm việc của Huyện ủy Đại Lộc, Tỉnh ủy Quảng Đà, địa điểm tiếp nhận nguồn cán bộ, bộ đội miền Bắc chi viện cho chiến trường xứ Quảng, nơi trú quân an toàn trước giờ nổ súng tấn công vào các chi khu và bộ máy đàn áp của địch ở quận lỵ Đức Dục, An Hòa (Duy Xuyên), Núi Lở, Ái Nghĩa (Đại Lộc). Đã nhiều lần Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy khu 5 Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước), Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, Chính ủy các Chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng (sau này là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước); Đoàn Khuê (về sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng nhiều lãnh đạo, tướng lĩnh cấp cao khác đã ở trong lòng địa đạo Phú An - Phú Xuân bàn bạc, chỉ huy chiến trường  Quảng Đà và khu 5.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để tôn vinh giá trị lịch sử, ngày 30-12-2002, địa đạo Phú An - Phú Xuân được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư kinh phí 3,2 tỷ đồng để trùng tu di tích. Việc bảo tồn này cũng chỉ mang tính giữ gìn tượng trưng cho di tích vì địa đạo quanh co hơn 2.000 mét nhưng có nhiều đoạn đã bị sập, bít kín lối, chỉ sửa chữa được 145 mét cùng với 3 miệng hầm lộ thiên và một số hạng mục khác. Địa đạo Phú An - Phú Xuân được sản sinh từ vùng đất giàu truyền thống yêu nước, là ý chí sắt đá cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa và mãi mãi là biểu tượng khát vọng độc lập tự do của nhân dân ta.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.