Mùa xuân nghĩ về hạnh phúc

.

Một mùa xuân mới lại về theo quy luật đất trời. Ngàn hoa khoe sắc, lòng người hân hoan. Mùa xuân luôn gắn với những ý niệm tốt lành về một khởi đầu mới, một chặng đường mới. Dẫu một năm nhiều biến động, thăng trầm, những điều chưa được như ý nguyện nhưng khi tờ lịch cuối cùng gỡ bỏ, kết lại một chặng đường lại mong mỏi những điều tốt đẹp ở phía trước. Và mùa xuân, trong lời chúc cho nhau nhiều nhất vẫn là chúc an khang, chúc hạnh phúc. Trong nguyện ý cầu mong năm mới vẫn là mong bản thân mình hạnh phúc, vui vẻ. Vậy hạnh phúc có xa xôi để miệt mài tìm kiếm hay hạnh phúc lúc nào cũng hiện hữu xung quanh?

Năm nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế dần ổn định, nhiều người rưng rưng trong hơi ấm đoàn viên. Mùa xuân này có nụ cười của mẹ sau nhiều tháng ngày xa cách đã được ôm con, ôm cháu trong tay. Những bữa cơm rộn rã niềm vui sum vầy, nén hương trầm được thắp lên trên bàn thờ tổ tiên. Sau đại dịch, nhìn những mất mát xung quanh, người ta lại càng trân trọng hơn hạnh phúc giản dị mà mình đang có. Có những người bàng hoàng chỉ vài ngày mà mất đi người thân, tan vỡ mái ấm, những đứa trẻ ngơ ngác khi bỗng mồ côi... Nên chăng còn được sống, còn được nhìn thấy nhau, còn được trở về quê sau bao năm tha hương là đặc ân to lớn của cuộc đời!

Mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Với người nghèo khó, hạnh phúc là được ấm no, là có một mái nhà che mưa che nắng. Với những người ốm đau, bệnh tật, hạnh phúc là được nhìn, được nghe, được cảm những âm thanh, hương vị của cuộc sống.… Vài ví dụ như thế để thấy rằng, đôi khi những gì chúng ta đang có trong tay: Một gia đình, một ngôi nhà để trở về, một cơ thể lành lặn, một sức khỏe tốt đã là một niềm khát khao của bao nhiêu người. Nhưng thực tế, ta vẫn muộn phiền, vẫn thấy bất công, vẫn thấy bản thân chẳng có gì cả!

Đôi khi, cuộc sống hiện đại cứ cuốn con người ta theo đuổi những ảo ảnh của hạnh phúc. Thước đo của hạnh phúc phải là những rung cảm nằm sâu trong tim chứ không phải những hào nhoáng bên ngoài nhìn thấy được. Dĩ nhiên, con người ta cần cố gắng mới có thể đạt được cuộc sống như mình mong ước nhưng không phải bằng cách biến mình thành nô lệ của đồng tiền, của danh vọng, gạt qua một bên tình cảm gia đình, con cái, nghĩa vợ chồng… Để cuối cùng, thứ người ta có được vĩnh viễn không phải là hạnh phúc.

Mùa xuân người ta hay bàn đến đến việc “trồng người” - bởi trẻ em là mùa xuân, là tương lai của đất nước. Nhưng giáo dục ngày nay có cảm giác con trẻ bị đè nặng bởi sách vở và buộc ngồi một chỗ mà phải học mọi thứ trên cuộc đời. Và các bậc cha mẹ luôn cố gắng hết sức để con được học ngoại ngữ, năng khiếu, mọi kĩ năng… với mục đích là sau này ra trường sẽ có được công việc với mức lương cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội mà bất chấp rằng con có thích hay không.

Học sinh ngày nay áp lực bài vở đến mức nhiều em bị trầm cảm. Giống như một cái cây đang muốn vươn mình đón nắng đã bị buộc phải uốn cong theo hướng người trồng. Hầu như những bậc cha mẹ hiện đại không mấy người quan tâm đến việc giáo dục, hướng dẫn để con trở thành một con người hạnh phúc. Trở thành một người hạnh phúc - đó chẳng phải là đích đến của mọi nền giáo dục hay sao?

Covid-19 đã đi qua, nhưng những ngày tháng đó đã để lại cho con người một bài học sâu sắc về hạnh phúc. Sau đại dịch, nhiều người đã xác tín lại điều - mình - cần. Họ rời bỏ thành phố, trở về quê hương để gần cha mẹ, để tuy kiếm ít tiền nhưng ngày nào cũng rộn rã tình thân. Nhiều người đã chọn cách yêu thương, nhìn đời và nhìn người bao dung hơn, sống cho hiện tại hơn là theo đuổi vật chất.

Hạnh phúc nào có xa xôi, đó chính là những thứ đang có, đang hiện hữu chứ chẳng phải những điều mình đang mê mải tìm kiếm. Chừng nào con người biết đủ thì sẽ hạnh phúc.

NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.