Đà Nẵng cuối tuần

Tiếng lòng vang mãi

08:44, 05/02/2023 (GMT+7)
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ ở tuổi 50. Ảnh: T.H.D.V
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ ở tuổi 50. Ảnh: T.H.D.V

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ sinh năm 1927, tại Hà Tĩnh. Từ năm 9 tuổi, ông theo cha vào sống ở Hội An, Quảng Nam. Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ cùng thế hệ và là bạn của các nhạc sĩ Trương Đình Quang, Thuận Yến, Phan Huỳnh Điểu… Thời kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ tham gia hoạt động ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Theo nhà thơ Phùng Tấn Đông, từ sau 1975, Hoàng Tú Mỹ gắn bó gần như trọn vẹn với phong trào ca nhạc của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông viết khỏe và viết hay, tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại, từ ca vũ kịch, thanh xướng kịch đến các ca khúc cho thiếu nhi, nhi đồng (đặc biệt là những ca khúc mô phỏng đồng dao), ca khúc cho tuổi trẻ, nhạc múa…

Với hơn 500 tác phẩm, có thể nói, không có một hội diễn văn nghệ quần chúng nào, hội diễn “hoa phượng đỏ” nào ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong những năm 80, 90 mà không vang lên những ca khúc của Hoàng Tú Mỹ - một “nhạc sĩ làng” như ông tự nhận.

Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An Võ Phùng nhận xét rằng, các ca khúc một thời vang tiếng của Hoàng Tú Mỹ (suốt trong những năm 1985-1994) là Trái tim người mẹ (phổ thơ Vũ Minh), Nhớ khẩu súng khắc tên người… Còn trong thời điểm hiện nay, ca khúc Phố xưa cùng các phóng tác đồng dao và nhạc thiếu nhi như Ru ru riếng riếng, Con dế, Cây đa chú cuội… luôn được các em nhỏ yêu thích.

Năm 2006, mừng ông lên tuổi “thượng thọ”, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An đã chọn và xuất bản hơn 50 tác phẩm của ông trong tuyển tập “Mùa hoa phố nhỏ” (tên một ca khúc thiếu nhi của ông rất được các em nhỏ yêu mến).

Khi nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đã thành danh, ôm đàn lên sân khấu trình diễn, thì tôi còn là cậu bé học tại Trường nam Tiểu học Hội An. Mãi tới sau năm 1975, khi tôi rời cương vị Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, về Đà Nẵng làm cán bộ ngành văn hóa, mang ba-lô lặn lội khắp các làng, bản trên vùng đất Quảng trong hơn 10 năm để sưu tầm vốn văn hóa dân gian xứ Quảng, tôi mới được gặp lại nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ. “Duyên trời” sắp đặt giúp tôi có cơ hội thân thiết với anh.

Bản nhạc “Cầm đôi tay mùa xuân” do nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ phổ thơ Tần Hoài Dạ Vũ.
Bản nhạc “Cầm đôi tay mùa xuân” do nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ phổ thơ Tần Hoài Dạ Vũ.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ sống rất giản dị, thân tình, cởi mở và nhiệt thành trong việc, tận lực viết nhạc từ những bài thơ tình. Anh làm việc hăng say, nhiệt tình, không hề ngại khó hay quan tâm tới giờ giấc. Có khi, vừa phổ xong một bài hát từ bài thơ tình của tôi, dù đã khuya, anh vẫn gọi điện thoại báo cho tôi biết. Những khi ấy, tôi thật sự cảm động, trào dâng cảm giác biết ơn và quý trọng người nhạc sĩ tài hoa phố Hội.

Cảm động nhất là khi Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, do nhà văn Nguyễn Bá Thâm chủ trì, phối hợp Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam tổ chức đêm thơ Tần Hoài Dạ Vũ vào tối 5-1-2006 thì anh Hoàng Tú Mỹ cùng một nhóm các bạn trẻ từ Hội An, thuê hẳn ô-tô 16 chỗ ngồi, mang theo cả đàn, sáo cùng các nhạc cụ vào Tam Kỳ tham dự đêm thơ và buổi giao lưu với bạn đọc của chúng tôi.

Trong đêm thơ, đa phần khán thính giả, trong đó có Đại tá Lê Văn Bảy, lúc đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam và Thượng tá Trần Đình Dõng đã nhận xét về sức hấp dẫn của đêm văn nghệ ấy. Chính trong đêm giao lưu ấy, nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đích thân điều khiển ban nhạc. Trước đó, nhạc sĩ còn tập luyện cho ca sĩ Thủy Trúc hát bài “Cầm đôi tay mùa xuân” (nhạc Hoàng Tú Mỹ, phổ thơ Tần Hoài Dạ Vũ) rất hay, đóng góp lớn cho thành công của đêm thơ.

Những năm sau đó, anh bị bệnh, không còn đi lại, xông xáo như trước. 19 giờ 10 phút tối 30-1-2023, người nhạc sĩ tài hoa của phố cổ Hội An đã tạm biệt chúng ta ra đi. Anh ra đi nhưng chắc chắn tiếng lòng của anh, âm thanh êm ả, mượt mà và sâu lắng trong những bài hát của anh sẽ còn ở lại với chúng tôi, với Hội An cổ kính và tràn đầy sức sống.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

.