Người trẻ theo nghề "nói nhiều"

.

Kiếm thu nhập từ giọng nói qua những nghề như MC, voice talent đang là xu hướng được nhiều người theo đuổi, đặc biệt là người trẻ. Với nhu cầu ngày càng nhiều trong ngành quảng cáo, báo chí, truyền thông, các đối tác tìm voice talent thường căn cứ vào năng lực để trả thù lao phù hợp, có thể vài trăm nghìn nhưng có khi hàng triệu đồng với mỗi chương trình hoặc mỗi sản phẩm.

Lê Thị Ngọc Vân, sinh viên Trường Đại học Sư phạm thể hiện kỹ năng MC trong một chương trình của nhà trường. Ảnh: L.M
Lê Thị Ngọc Vân, sinh viên Trường Đại học Sư phạm thể hiện kỹ năng MC trong một chương trình của nhà trường. Ảnh: L.M

Đi cùng với đó là áp lực cạnh tranh, khi số người theo nghề ngày càng nhiều so với nhu cầu công việc, hay sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) với những giọng đọc được tạo ra ngày càng tự nhiên. Tuy nhiên với nhiều bạn trẻ, cơ hội được tạo ra từ đam mê và sự nghiêm túc học hỏi trong công việc hay được gọi vui là “nói nhiều” này.                      

Những người thích“nói nhiều”

Tốt nghiệp ngành Cử nhân báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), anh Bùi Xuân Tân (SN 1992) từng tham gia dẫn chương trình radio online và thu âm một số video từ thời sinh viên. Nhưng phải đến khi tốt nghiệp năm 2014, anh mới chính thức theo đuổi công việc làm voice talent với “bệ phóng” là Giải vàng MC Tài năng nghệ thuật thành phố Đà Nẵng 2014.

Từ cơ hội đó mà sau gần 10 năm, anh Tân có dịp góp giọng ở nhiều mảng như: TVC quảng cáo, quảng cáo dạng đối thoại trên radio, dẫn chương trình radio, phim tài liệu, phim doanh nghiệp và lồng tiếng phim hoạt hình.  Tất nhiên đi cùng công việc có cả áp lực, là lúc phải thức khuya cùng đối tác để thu âm sản phẩm đúng hẹn, “bất đắc dĩ” làm phiền hàng xóm vì thức đến… 1 giờ sáng để hô vang các khẩu hiệu quảng cáo, thu âm một nội dung đến 10 lần nhưng vẫn chưa vừa ý khách hàng…

Đang là sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Lê Thị Ngọc Vân (SN 2001) có đam mê đọc voice và làm MC từ lúc còn học phổ thông. Từ những lần được thầy cô tạo điều kiện đọc những văn bản quan trọng, rồi trở thành đội viên ưu tú đọc văn bản kết nạp Đoàn trước nhiều bạn bè đồng lứa của thành phố, cô học trò nhỏ bắt đầu thích thú và tìm hiểu công việc. Vào đại học, Vân mạnh dạn nhận những công việc đầu tiên liên quan đến giọng nói.

Đã trải qua khóa đào tạo MC và đảm nhận vai trò MC sự kiện, đọc voice radio, podcast, phát thanh viên truyền hình tại Quảng Nam, Đà Nẵng và đang làm nhân viên truyền thông cho một doanh nghiệp du lịch, Lê Vũ Kim Tuyền (SN 2000) có công việc tay trái ưa thích là làm podcast với chủ đề về gia đình, tình yêu, thiên nhiên… Hiện nay, Tuyền đã có những sản phẩm được các kênh có bản quyền phân phối và được nhiều thính giả đón nhận. Đây là một loại hình phổ biến tại nước ngoài từ nhiều năm trước nhưng chỉ mới phổ biến ở Việt Nam những năm gần đây

. “Podcast làm không khó nhưng để duy trì nó đòi hỏi thời gian, công sức và kết tinh trải nghiệm, ý tưởng độc đáo thì mới thu hút người nghe, còn đơn giản sẽ rất nhanh chán và dễ dàng chuyển kênh”, Tuyền cho biết.

Không chỉ là chất giọng

Tại Đà Nẵng, có nhiều đơn vị tổ chức các lớp đào tạo MC, giọng nói và kỹ năng mềm như: Rồng Tiên Sa, Dana Skills. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo ngành cử nhân báo chí của Trường Đại học Sư phạm cũng đã tích hợp học phần về dẫn chương trình. Có thể nói đây là môi trường thuận lợi để những người trẻ tạo dựng nền tảng và tìm cơ hội với nghề. Theo BTV, MC Thiều An, người sáng lập Dana Skills, để có thể phát triển với nghề thì không chỉ có chất giọng mà cần những kỹ năng khác như viết, biên tập, phát âm, sự tự tin và sức khỏe tốt.

Lê Vũ Kim Tuyền tự nhận xuất phát điểm của mình là con số 0, không dễ dàng để tiến bộ và hoàn thiện giọng nói để theo “nghề bán chất giọng” nếu không có nỗ lực. Việc thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ bổ trợ kỹ năng cho những voice talent.

“Với người làm MC, những kiến thức và kỹ năng giao tiếp của một MC sẽ giúp ích rất nhiều cho việc đọc voice cho các nội dung khác, tùy thuộc vào tính chất và yêu cầu của đối tác mà voice talent có thể biến tấu màu giọng cho phù hợp với nội dung”, Tuyền chia sẻ.

Theo anh Bùi Xuân Tân, nếu một voice talent có thương hiệu nhất định sẽ tạo được một lý lịch nghề nghiệp uy tín với các nhãn hàng lớn, đương nhiên có thể sống ổn với nghề lâu dài. Tuy nhiên để theo nghề ổn định, bản thân voice talent phải chăm chỉ, nỗ lực tìm kiếm cơ hội và xây dựng thương hiệu cá nhân tốt, tạo mạng lưới công việc vì không phải thời điểm nào trong năm cũng là tháng cao điểm “đắt show” (tháng có nhiều sự kiện, chiến dịch quảng cáo).

“Nghề đọc voice qua radio, podcast không lộ mặt nhưng ra đường vẫn có người nhận ra giọng của mình, đó là một hạnh phúc. Công việc này cho phép tôi có cơ hội biến đổi giọng nói linh hoạt để giúp nhãn hàng thể hiện được thông điệp họ muốn tới công chúng. Tôi nhận ra giọng nói là cả một kho báu, ai khai thác được càng nhiều thì sẽ càng bất ngờ vì những thứ mình có thể làm”, anh Tân cho biết.

Để giữ được giọng, nhiều voice talent cho biết phải chú ý đến sức khỏe, từ việc hạn chế uống đồ lạnh, tránh viêm họng đến tiết chế âm lượng khi giao tiếp, hạn chế gào thét và cần giữ cổ họng được thư giãn, nghỉ ngơi, hạn chế nhận việc khi giọng không tốt để bảo đảm chất lượng sản phẩm và sức khỏe. Bên cạnh đó là lối sống, bởi theo anh Tân, giọng nói cũng là một phần của tâm hồn nên để có một giọng nói thực sự truyền cảm thì cần có một tinh thần tích cực, bao dung, sẻ chia và lối sống hướng thiện để truyền tải những nội dung tốt nhất đến mọi người.

LÊ MAI - PHƯƠNG LINH

;
;
.
.
.
.
.