Bạn trọ

.

Thằng bé hỏi tôi về quê rồi à mà giọng buồn xo. Đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, em gái đã trả lời trong nhóm chat nhà trọ: “Ơ, nãy chị nói mà em không tin à. Sợ tụi em khóc nên bảo chị ấy đi chơi chứ không nói về quê luôn”. Tôi bật cười, hóa ra thằng bé 19 tuổi đã trở thành “con cá” của cô em gái đáo để. Đã vậy, tôi liền hùa theo. Đứa trẻ thường ngày hay quên trước quên sau với câu cửa miệng “em đâu biết” lại ấm áp đến thế. Em bảo nhớ cơm chị nấu, mè nheo chưa kịp làm tiệc chia tay, rồi hứa tặng quà nếu chị trở lại.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sài Gòn, có những niềm vui giản đơn đến thế! Mươi năm ở xứ người, qua nhiều xóm trọ từ thưở sinh viên đến khi đi làm, những niềm thương cứ dày thêm theo ngày tháng. Bữa ngồi với cậu nhóc hàng xóm sát vách nơi xóm trọ xác xơ ở Làng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh những ngày đầu rời quê vào phố, hai chị em nhẩm nhẩm, mới đó mà làm bạn mười hai năm trời. Cậu nhóc năm nào chông chênh với lựa chọn ngành học nay đã hòm hèm ba mươi, tự tin và hạnh phúc cùng công việc. Người chị năm nào - là tôi - thay vì đưa ra lời khuyên lại là người nhận về lời khuyên. Ngần ấy năm, rất nhiều thứ đã thay đổi, chúng tôi thấy mừng vì vẫn còn giữ được tình bạn tròn đầy như thế.

Chẳng riêng cậu nhóc ấy, bạn bè ở xóm trọ năm xưa đều đã lớn, tung cánh khắp mọi miền đất nước. Thảng hoặc, đôi ba dòng tin nhắn nhắc nhớ kỷ niệm lại khiến mỗi đứa đầy khắc khoải. Từ những người xa lạ, chúng tôi có duyên gặp gỡ, kết thân rồi đi qua tuổi trẻ vui buồn cùng nhau. Những ngày xa xứ vì thế mà bớt đi một chút cô đơn.

Lần trở lại Sài Gòn này, sau hơn 6 năm về quê, cảnh đổi khác, người đổi khác, duy có nghĩa tình hàng xóm thì cứ tươi xanh như bao nhiêu năm về trước. “Bạn trọ” lần này không đông như trước, vỏn vẹn chỉ có 2 cậu nhóc anh em thua mười mấy tuổi. Khi vui, tụi nó gọi chị. Khi khác, cũng vui, tụi nó gọi “mẹ”. Mấy cái thằng quỷ sứ, nhiều bữa buồn ngang vì đương ngồi đếm sợi bạc, thấy tuổi tác cứ như cánh diều chấp chới nơi chân trời.

Nhưng cũng nhờ các “bạn trọ” gen Z ấy mà những ngày chớm già trôi đi bớt phần chơi vơi. Hôm nào thấy lòng mình nhăn nhúm đôi ba muộn phiền, chỉ cần thở than tí xíu, tụi nhỏ đã ủi an bằng cách nghêu ngao vài ba câu hát, nhịp đàn. Hoặc đôi khi, chẳng làm gì cả, sự hiện diện của tụi nhỏ cũng đủ để những trống rỗng dẫu vẫn ở đó nhưng nhạt dần màu xám tro.

Nhưng không phải “bạn trọ” nào cũng hợp cả, và không phải khi nào tôi cũng có “bạn trọ”. Có hôm, về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, cửa đã mở nhưng chân ngập ngừng chẳng muốn bước vào. Nhà trọ im lìm bóng tối và không có tiếng người chào đón khiến dư vị đắng chát bất chợt ùa về rồi ở mãi trong lòng. Chợt nhận ra, một câu hỏi “chị về rồi à” tưởng chừng giản dị lại là món quà quý giá của tháng ngày biền biệt tha phương.

Thế nên, dù thi thoảng vẫn thích một căn phòng “trống” với không gian riêng biệt, tôi đã lựa chọn ở cùng “bạn trọ”. Có “bạn trọ”, căn phòng trọ thôi chìm trong bóng đêm và tĩnh lặng. Có “bạn trọ”, những bữa cơm không còn cắm đầu vào điện thoại để tìm kiếm một thanh âm. Có “bạn trọ”, để những lần về quê có thêm đôi dòng tin nhắn hỏi thăm “nào chị vào”. Có “bạn trọ”, mỗi khi ốm đau sẽ có một mái đầu ló vào “đòi” mua thuốc giùm…

Bao nhiêu năm bôn ba xứ người, biết ơn vì mình đã không một mình. Biết ơn, vì những người xa lạ đã đến và ở lại rồi trở thành những dịu ngọt của một phần đời…

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.