Những lần đầu lấp lánh

.

Mười tám tuổi, dấu mốc tạm gọi là trưởng thành. Những người trẻ như cây đang căng tràn nhựa sống, tha thiết muốn đánh dấu thời điểm đặc biệt ấy. Có những bạn thanh niên chọn thời khắc ý nghĩa đã mong muốn từ lâu nhưng chưa đủ tuổi: hiến máu nhân đạo.

Ở những điểm hiến máu, nhiều bạn nữ sợ tới xanh mặt mày không dám nhìn kim, nhưng kiên quyết phải cho máu. Mấy bạn nam thì cười hề hề đưa tay, kêu bác sĩ lấy nhiều nhiều vô, bác sĩ vừa cười vừa mắng yêu đừng ỷ có sức trẻ muốn nói gì nói nhe. Đôi mắt của những bạn trẻ lấp lánh. Các bạn tin những giọt máu của mình sẽ đến người cần chúng, như thông điệp ngắn gọn mà đầy giá trị: một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại.

Mấy anh chị đi hiến máu nhiều lần quay sang hỏi đàn em “lần đầu hả”, các em hớn hở đáp “dạ, lần đầu”. Đáp bằng sự vinh dự, vui mừng không giấu trên nét mặt. Có bạn nói giỡn thấy hân hoan như… lần đầu nắm tay người yêu. Có bạn nói về khoe ba má liền, để ba má nói con trai lớn xác mà không giúp ích gì được cho ai. Lặng lẽ mỗi giọt máu đầy thêm là hy vọng cứu sống nhiều người.

Nhưng cứu sống ai - có lần tôi đọc đâu đó cuộc bàn luận bắt đầu như thế. Người ta sợ máu sẽ đến với người không tốt, như vậy chẳng phải tiếp tay cho điều xấu? Máu sẽ tới người cần máu.Trong thời khắc nguy cấp, ai cũng khao khát được sống. Khi vấp ngã ai cũng cần một bàn tay chìa ra. Tôi vẫn luôn tin, những giọt máu ý nghĩa đến vậy, trải qua thập tử nhất sinh, chẳng ai còn muốn làm điều tồi tệ.
Tính thử sẽ thấy, nhiều bệnh nhân nhận máu sau hồi phục hầu như đều tìm cách đi hiến máu. Họ không chỉ muốn trả lại ân tình mà còn muốn đưa máu thành dòng chảy xoay vòng, để những giọt máu sẻ chia tiếp tục lan tỏa, cộng hưởng và bung nở. Nhận và cho đi, nhận và tiếp tục cho đi…

Có cô bốn mươi tuổi lần đầu đi hiến máu, nhẹ nhàng cười “mắc cỡ với tụi trẻ ghê, biết vậy đi sớm sớm”. Bạn cô ngồi kế bên, bệnh mới hết nên chưa hiến được, tặc lưỡi tiếc, hẹn lần sau. Có chú thật thà kể chuyện, hồi xưa cứ nghĩ hiến máu hại cơ thể lắm nên chú đâu dám hiến. Cho tới khi con gái chú nhập viện cần truyền máu, chú mới hiểu hết sự quan trọng của những giọt máu cho đi. Bác sĩ cũng giải thích cặn kẽ, cho máu với lượng phù hợp còn giúp cơ thể kích thích tạo máu, tốt cho sức khỏe nữa kìa. Nên giờ chú mới ở đây, xếp hàng chờ đến lượt trao tặng những giọt máu của mình.

Máu có thời gian lưu trữ ngắn, chỉ khoảng một tháng, nên ngân hàng máu cần phải được tiếp thêm liên tục. Những đợt hiến máu được tổ chức thường xuyên, đều đặn. Những người đi hiến máu bỡ ngỡ với lần đầu, rồi chủ động đi lần hai, lần ba. Nhiều nhiều lần nữa. Ở đâu đó, một người xa lạ nào đó thầm cảm ơn giọt máu đã nhận giúp họ thoát cơn nguy kịch. Như bác ngồi bên góc kia, tuy đã quá tuổi hiến máu, nhưng con của bác xung phong hiến thay như để cảm ơn ân nhân không rõ danh tính, và cũng để giúp thêm nhiều người khác.

Có những loại máu hiếm, người hiến như tự cứu bản thân mình. Họ biết rõ họ sẽ sống sót nhờ những loại máu đặc biệt ít ỏi và chỉ họ mới có. Họ càng phải hiến tặng món quà vô giá mình đang sở hữu.
Nhìn những đoàn người xếp hàng kiên nhẫn chờ đến lượt hiến máu đẹp như một rừng cây. Những giọt máu là hạt mầm gieo xuống, để tương lai càng ngời xanh. Những đoàn người ấy, cho dù trời nắng gắt, hay mưa giông vẫn vui vẻ đợi. Họ là những người thắp nên hy vọng cho biết bao người khác. Trong đó có bao nhiêu bạn trẻ, bao nhiêu những lần đầu lấp lánh?

Để cảm ơn và khuyến khích những người hiến máu tình nguyện, đặc biệt là người hiến máu nhiều lần, năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu thế giới đã lấy ngày 14-6 để tôn vinh những người hiến máu. Ngày 14-6 còn là ngày sinh của vị giáo sư người Áo, Karl Lendsteiner - người đầu tiên phát hiện ra hệ nhóm máu ABO vào năm 1900. Phát hiện này của ông đã giúp mang tới bước tiến quan trọng trong lịch sử truyền máu của nhân loại.

THÀNH PHÁT

;
;
.
.
.
.
.