PHÓNG SỰ - GHI CHÉP

Đưa cây bản địa về phố

.

Bán đảo Sơn Trà được xem là báu vật thiên nhiên ban tặng khi có nhiều giống cây quý hiếm. Với hơn 1.148 loài thực vật hiện có, việc nghiên cứu và di thực các loài cây bản địa đặc trưng nơi đây để trồng tại các công viên, đường phố không chỉ tạo nét đẹp mang bản sắc riêng cho Đà Nẵng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và bảo tồn các giống cây quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Ngô Trường Chinh chăm sóc các loài cây bản địa của bán đảo Sơn Trà đang được di thực trồng thử nghiệm tại vườn ươm của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Đ.H.L
Ông Ngô Trường Chinh chăm sóc các loài cây bản địa của bán đảo Sơn Trà đang được di thực trồng thử nghiệm tại vườn ươm của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Đ.H.L

Năm nay, mới đầu tháng tư mà hoa thàn mát đã bắt đầu nở rộ. Chị Mỵ Dung (Trần Cao Vân, Thanh Khê) nhắn tin rủ tôi lên Sơn Trà chụp hình, rồi mấy anh em trong câu lạc bộ nhiếp ảnh í ới nhau: “Giờ này hoa thàn mát nở đẹp lắm, tranh thủ lên chụp ảnh kẻo hết”. Với màu tím buồn man mác nhưng đẹp dung dị và quyến rũ mọc ra từng chuỗi ẩn hiện giữa những tán lá xanh, thàn mát từ lâu đã trở thành loài hoa đặc hữu của Sơn Trà được giới chụp ảnh và du khách ưa thích.

Nghiên cứu loài cây bản địa bán đảo Sơn Trà

Không chỉ có thàn mát, Sơn Trà mùa nào cũng đẹp nhờ các loài cây đua nhau nở hoa, thay lá. Hết mùa hoa chò nở trắng rừng thì đến mùa lim xẹt nở vàng góc núi. Đặc biệt, các loài hoa ấy càng trở nên đẹp diệu kỳ khi xuất hiện cùng những chú voọc chà vá chân nâu để tạo nên những bức ảnh sống động, đẹp ngây ngất du khách. Cũng chính vẻ đẹp của các loài cây đặc hữu trên bán đảo Sơn Trà mà năm ngoái, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định bỏ ra 8 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch trồng cây xanh tạo nét đẹp bản sắc riêng trên báo đảo Sơn Trà với lộ trình kéo dài từ năm 2022 đến 2025. Cùng với đó, thành phố giao cho Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu quần thể loài thực vật bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố trên địa bàn quận Sơn Trà.

Có mặt tại vườn ươm Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng vào cuối tháng 5, dù thời tiết oi nồng, chúng tôi chứng kiến những vườn ươm giống cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh đang sinh trưởng tốt. Đây chỉ là một số lượng nhỏ được trung tâm giữ lại để tiếp tục nghiên cứu và theo dõi sau khi đã chuyển một lượng lớn cho các địa phương, đơn vị triển khai trồng thử nghiệm trên địa bàn quận Sơn Trà.

Vui mừng trước những kết quả nghiên cứu bước đầu, ông Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học ứng dụng cho biết: “Kể từ khi thực hiện đề tài nghiên cứu quần thể loài thực vật bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố trên địa bàn quận Sơn Trà vào năm 2021, đến nay, trung tâm đã nghiên cứu ba loài cây đặc hữu gồm thàn mát, găng cao, thành ngạnh và cho kết quả khả quan. Hiện trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu gieo trồng đối với cây giành giành. Các loài cây này đều đáp ứng tiêu chí cây xanh đường phố như thường xanh, có hoa đẹp, không có rễ nổi, không có hoa quả thu hút côn trùng và chịu được mưa bão… Tuy nhiên, để có được kết quả này là cả một quá trình dày công nghiên cứu theo quy trình nghiêm ngặt. Từ việc triển khai thực hiện điều tra tìm loài cây thích hợp cho đến việc hỏi ý kiến chuyên gia, rồi mới tuyển chọn danh mục các loại cây có khả năng di thực. Sau đó, trung tâm bắt đầu lên rừng lấy mẫu. Trước khi gieo hạt, một trong những công đoạn quan trọng nhất là kiểm tra xem cây nào có khả năng trồng được để lựa chọn. Khi hạt đã lên mầm, trung tâm tiếp tục nghiên cứu các điều kiện sinh trưởng của cây tại vườn ươm để đánh giá khả năng chống chịu.

“Trong quá trình thực hiện đề tài, trung tâm chỉ nghiên cứu đúng số lượng. Khó khăn hiện nay là việc tìm vị trí cây để lấy mẫu bởi các loài cây này thuộc thân gỗ cao, chỉ có một mùa hạt duy nhất vào tháng 8 nên thời gian đợi cho hạt trưởng thành hơi lâu. Hầu hết chúng tôi thực hiện phương pháp gieo hạt và chỉ một ít giâm hom (biện pháp nhân giống vô tính mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành sản xuất giảm) nhưng qua thử nghiệm thì gieo hạt cho kết quả cao hơn. Mỗi loại cây sinh trưởng khác nhau đều có cách ươm khác nhau. Từ đó chọn biện pháp kỹ thuật phù hợp để áp dụng nhằm kích thích tăng tỷ lệ nảy mầm, diệt khuẩn, đồng thời sử dụng phân bón, ánh sáng và giá thể phù hợp để cây sinh trưởng tốt. Nhờ vậy, tỷ lệ ươm hạt đạt kết quả cao”, ông Quyết chia sẻ.

Vườn ươm các giống cây đặc hữu của bán đảo Sơn Trà gồm thàn mát, giành giành, găng cao, thành ngạnh tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng. Ảnh: Đ.L
Vườn ươm các giống cây đặc hữu của bán đảo Sơn Trà gồm thàn mát, giành giành, găng cao, thành ngạnh tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng. Ảnh: Đ.L

Tạo sắc hoa riêng cho đô thị du lịch

Đến nay, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đã chuyển giao hơn 600 cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh cho quận Sơn Trà, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng triển khai trồng thử nghiệm tại tuyến đường Hoàng Sa và các công viên, đường phố trên địa bàn phường Nại Hiên Đông. Bên cạnh đó, trung tâm cũng giao Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn trồng thử nghiệm 50 cây các loại. Song song đó, trung tâm tiếp tục nghiên cứu nhân giống mới tại vườn ươm, đồng thời theo dõi và chăm sóc cây trong quá trình trồng thử nghiệm ngoài thực địa. Đối với cây thàn mát, thành ngạnh thì sau 3 đến 5 năm có thể cho hoa tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc.

Là địa phương được chọn triển khai trồng thử nghiệm với số lượng lớn, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, hiện nay phường đã trồng khoảng 400 cây thàn mát và vài chục cây găng cao, thành ngạnh ở các Công viên Nại Nghĩa 1, 2, 3, 4, Công viên 4C và trên đường Nguyễn Sỹ Cố. “Sau 2 năm trồng cây thàn mát và hơn 1 năm trồng cây thành ngạnh, găng cao, đến nay các loài cây này đều phát triển tốt. Những cây trồng ở trong khu dân cư, công viên và các thiết chế văn hóa thì UBND phường giao cho cán bộ trung tâm văn hóa phường và người dân trong khu dân cư chăm sóc và quản lý”.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng trồng 30 cây găng cao tại nhà Vọng cảnh, đỉnh Bàn cờ nhân dịp phát động phong trào Tết trồng cây - Vì một Sơn Trà xanh năm 2023. Ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay:  “Thời gian qua, ban quản lý thường xuyên cử nhân viên chăm sóc cây hằng ngày. Việc nhân giống các cây bản địa sẽ tạo loài cây đặc thù, đặc hữu trồng cho các tuyến phố, từ đó tạo màu sắc hoa riêng cho đô thị du lịch. Ngoài các loại cây trên, thành phố cần xem xét trồng bổ sung một số loại cây đa dạng sắc hoa tại các điểm dừng chân du lịch như: lim xẹt hoa vàng, thàn mát hoa trắng, ngô đồng… để tạo điểm nhấn sắc màu tại các điểm đến tham quan”.

Để cây sinh trưởng tốt ngoài thực địa, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng định kỳ còn thực hiện kiểm tra, bón phân, xử lý những vấn đề phát sinh và tiến hành đo đạc các tiêu chí. Đánh giá về kết quả trồng thử nghiệm trong thời gian qua, ông Nguyễn Quyết nhận định, các loài cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh đã bắt đầu thích nghi tốt, nhất là cây thàn mát có sức chống chịu khá cao.

“Đây là những cây có khả năng chống chịu được mưa bão, không bị giòn, không dễ gãy, sinh trưởng nhanh, dáng cây và tán cây đẹp. Sau khi đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài, trung tâm sẽ đề xuất thành phố phát triển cây trồng rộng hơn và xây dựng các mô hình để phát huy giá trị cây bản địa. Hy vọng trong thời gian tới, cây thàn mát sẽ trở thành cây đặc trưng của thành phố Đà Nẵng trong tương lai”, ông Quyết lạc quan nói.

Bảo tồn những giống cây quý hiếm

Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, thuộc Chi cục kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, trong 1.148 loài thực vật thuộc 150 họ, 568 chi hiện có trên bán đảo Sơn Trà thì có 110 loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu, gồm: Danh lục đỏ (IUCN): 36 loài; sách đỏ Việt Nam 2007: 62 loài; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP: 42 loài; Nghị định 160/2013/NĐ-CP: 1 loài;  Công ước CITES (phụ lục I, II,III): 37 loài và đặc hữu: 2 loài. Đặc biệt, một số loài nằm trong sách đỏ Việt Nam cần bảo tồn như gõ mật, gụ lau; các loài chò như chò nâu, kiềng kiềng; các loại dẻ như dẻ hạt, dẻ Bắc Giang, dẻ cau, dẻ Trung Bộ, trâm…

Từ năm 2000, thành phố đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên theo chủ trương chung của Chính phủ. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thông tin, thời gian qua, song song với việc thực hiện công tác phát triển rừng, nhân giống các loài cây bản địa bổ sung, Hạt kiểm lâm tiến hành trồng và cải tạo một số đồi sim, đường sim trên bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng cường công tác tuần tra cả ngày lẫn đêm để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng xâm nhập trái phép động vật, thực vật như đào cây cảnh, săn bắt động vật, bẫy chim… Đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tiếp tục xử lý dây leo bìm bìm xâm hại, bu bám các loài cây khác làm mất cân bằng sự phát triển của cây rừng tự nhiên. Ngoài ra, đơn vị còn giám sát đa dạng sinh học của khu bảo tồn để báo cáo định kỳ cho ngành nông nghiệp cập nhật lên hệ thống đa dạng sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Luật Đa dạng sinh học.  

Song song với công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, việc triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu quần thể loài thực vật bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố trên địa bàn quận Sơn Trà trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc nhân tạo các giống cây bản địa quý. Các loài cây thàn mát, thành ngạnh, găng cao, giành giành… được trồng đại trà tại công viên, đường phố không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn tạo nên “thương hiệu du lịch” mới với một thành phố có sắc hoa riêng. Từ đó, tạo ấn tượng và thu hút du khách khi đến tham quan Đà Nẵng.

Việc trồng cây xanh tạo đặc trưng trên báo đảo Sơn Trà được thực hiện theo lộ trình từ năm 2022 đến 2025. Trong đó, tổng chiều dài các tuyến được trồng cây là 13,146km gồm: tuyến 1: Tiên Sa - đỉnh Bàn Cờ (5,6km); tuyến 2: Trạm DRT - chòi Vọng Cảnh (2km); tuyến 3: Hồ Xanh - Bãi Bắc (5,4km). Cùng với đó, trồng tập trung 0,1 ha tại khu vực đỉnh Bàn Cờ.

ĐOÀN LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.