Đà Nẵng cuối tuần

TRẢ LỀ CHO ĐƯỜNG

Lập lại trật tự vỉa hè xung quanh bệnh viện

06:13, 18/06/2023 (GMT+7)

Hành vi chiếm dụng vỉa hè để làm chỗ giữ xe, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng… diễn ra khá phổ biến tại các tuyến đường, đặc biệt xung quanh khu vực bệnh viện ở trung tâm thành phố. Việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ khó đạt kết quả nếu chính quyền địa phương không có những giải pháp xử lý dứt điểm.

UBND phường Thạch Thang đã lập rào chắn cứng trên vỉa hè đường Quang Trung, không cho phép giữ xe tự phát trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L
UBND phường Thạch Thang đã lập rào chắn cứng trên vỉa hè đường Quang Trung, không cho phép giữ xe tự phát trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

So với các bệnh viện ở xa trung tâm thành phố như Bệnh viện Phụ sản - Nhi (quận Ngũ Hành Sơn), Bệnh viện Tâm thần (quận Liên Chiểu), Bệnh viện Da liễu (quận Thanh Khê)… thì các bệnh viện đóng chân trên địa bàn quận Hải Châu luôn đối mặt với tình trạng quá tải về nhu cầu đậu đỗ và gửi xe của người dân khi đến khám chữa bệnh. Mặc dù đã có quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm nhưng ý thức người dân vẫn chưa cao, gây nên tình trạng bát nháo ở khu vực này.

Mạnh tay dẹp bãi giữ xe vỉa hè tự phát

Bệnh viện Đà Nẵng là bệnh viện tuyến cuối của thành phố, chịu trách nhiệm thu dung, điều trị bệnh nhân của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk… Mỗi ngày, bệnh viện đón trung bình 5.000 - 7.000 lượt bệnh nhân và người thân ra vào. Trong khi diện tích bệnh viện không mở rộng nhưng quy mô lại tăng gấp 7 lần so với những năm trước đây. Lượng người đến khám chữa bệnh ngày càng tăng cao khiến số lượng xe có nhu cầu gửi cũng tăng lên. Điều này đã tạo điều kiện cho những điểm giữ xe tự phát trên vỉa hè xung quanh Bệnh viện Đà Nẵng tồn tại kéo dài và khó giải quyết dứt điểm.

Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cho biết, việc buôn bán trên vỉa hè đường Quang Trung phía bên số lẻ giáp Bệnh viện Đà Nẵng đã có từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch UBND thành phố. Lúc đó, thành phố giao lực lượng thanh niên xung kích xử lý nhưng vẫn giải quyết không triệt để bởi gắn với đời sống mưu sinh của các hộ dân. Cuối năm 2022, một số hộ gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề xuất tạo điều kiện để họ có kế sinh nhai, vượt qua thời gian khó khăn sau dịch. UBND phường Thạch Thang tạm thời cho phép một số hộ dân được giữ xe trước cổng bệnh viện nhưng phải bảo đảm trật tự, ngăn nắp, ứng xử đúng mực với người gửi xe, không được để xảy ra tranh chấp, gây gổ. Tuy nhiên, tình trạng bát nháo ở khu vực này vẫn tiếp tục xảy ra. Đỉnh điểm là đầu năm 2023, một số hộ giữ xe nhưng không cần vé, người dân vô tình dựng xe đi ra cũng bị hỏi thu tiền, một số đối tượng đòi thu tiền ô-tô đậu trên đoạn đường gần bệnh viện... làm ảnh hưởng đến trật tự văn hóa - văn minh đô thị. Dù ảnh hưởng đến đời sống mưu sinh của người dân nhưng phường buộc phải có biện pháp mạnh tay để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Sau nhiều phản ánh của người dân và báo chí, từ giữa tháng 3, UBND phường Thạch Thang đã lập rào chắn cứng, không cho phép giữ xe tự phát trước cổng bệnh viện và chừa một lối nhỏ cho người đi bộ. Bên cạnh đó, địa phương cũng đặt bảng chỉ dẫn người dân đưa xe vào nhà xe Bệnh viện Đà Nẵng. “Phường mời 7-8 hộ lên phường thông báo chấm dứt buôn bán phía đường Quang Trung bên số lẻ giáp

Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, vào ban đêm, phường vẫn tạo điều kiện cho một số hộ bán xe đẩy để người dân kiếm thêm thu nhập. Đồng thời bố trí lực lượng duy trì trực 24/24 giờ, kéo dài trong vòng một tháng đầu, sau đó rút dần lực lượng khi tình trạng an ninh trật tự đi vào ổn định. Phường cũng làm việc với Bệnh viện Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gửi xe trong bệnh viện khi đến thăm khám”, ông Huấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, UBND phường Thạch Thang đề nghị Sở Giao thông vận tải, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận hỗ trợ lực lượng tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở; nghiên cứu tổ chức giải pháp giao thông nhằm giảm ùn tắc cục bộ ở tuyến đường Quang Trung vào giờ cao điểm. Song song với việc tăng cường gắn các biển báo giao thông là đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt. Bên đường Hải Phòng phía số chẵn, phường chỉ cho phép khoảng 3-4 hộ bán cháo, cà phê, tạp hóa vào buổi sáng và tối; đồng thời đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức lối ra vào của xe cấp cứu thuận tiện, tránh ra một hướng gây ách tắc giao thông. Nhờ đó, đến nay phường Thạch Thang đã cơ bản giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán, giữ xe xung quanh Bệnh viện Đà Nẵng.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Mặc dù số lượng bệnh nhân và người nhà đến thăm khám không đông bằng Bệnh viện Đà Nẵng nhưng các bệnh viện ở trung tâm thành phố như Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phụ sản - Nhi (cơ sở 2) cũng có nguy cơ đối mặt tình trạng không bảo đảm an ninh trật tự do mật độ giao thông tăng cao vào giờ cao điểm. Điều này đòi hỏi các lực lượng quy tắc đô thị phường phải làm việc cật lực.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hiên cho biết, Bệnh viện Phụ sản - Nhi cơ sở 2 hiện nằm trên đường Chu Văn An giáp ranh với phường Bình Thuận. Bệnh viện đã đăng ký với phường sử dụng vỉa hè giữ xe và có bảo vệ nên tình hình an ninh trật tự nơi đây tương đối bảo đảm. Tuy nhiên, UBND phường vẫn cắt cử lực lượng quy tắc đô thị đi kiểm tra nghiêm ngặt do bệnh viện nằm gần phố ẩm thực đường Huỳnh Thúc Kháng. Hiện trên địa bàn phường còn có Công viên APEC thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí vào cuối tuần nên người dân tập trung đông đúc khiến khu vực này cần người túc trực thường xuyên để bảo đảm an ninh trật tự. Trong khi đó, lực lượng quy tắc đô thị của phường chỉ có 4 người nên các anh em thường bị quá tải, nhất là vào dịp lễ, Tết.   

Còn đối với vỉa hè Bệnh viện Mắt, ông Lê Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc cho hay, hiện bệnh viện có bãi giữ xe khá rộng nên trước cổng bệnh viện không xảy ra tình trạng mất trật tự. Tuy nhiên, ở phía cổng phụ có một số hộ dân hay tập kết rác gây mất mỹ quan đô thị. Phường đã làm việc với các tổ dân phố vận động người dân mang rác ra đổ đúng giờ khi có xe thu gom rác đi qua. “Hòa Cường Bắc là một trong những phường có địa bàn rộng nhất quận Hải Châu nhưng lực lượng quy tắc đô thị chỉ có 2 người. Trong khi đó, ô-tô tải cấp cho đội quy tắc đô thị phường đã hơn 10 năm. Sau khi kiểm định, chi phí sửa chữa dự kiến hơn 100 triệu đồng, do đó UBND phường đề nghị quận sớm cho phép phường thanh lý và cấp mới xe để bảo đảm có phương tiện khi tác nghiệp”, ông Lê Hữu Công đề xuất. 

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND quận Hải Châu và các sở, ngành liên quan về dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề công tác quản lý, sử dụng vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn quận, Ban Đô thị HĐND thành phố đề nghị UBND quận Hải Châu phối hợp Sở Giao thông vận tải thực hiện khảo sát, đánh giá, đề xuất một số tuyến đường để đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè đạt chuẩn về hạ tầng, ưu tiên dành lối đi cho người đi bộ, quy định rõ khu vực cho phép buôn bán… tạo nên mô hình vỉa hè kiểu mẫu để nhân rộng. Song song đó, UBND quận chỉ đạo các phường ra quân xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng cơi nới, xây dựng, cải tạo lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán trên các tuyến phố chính; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, xử phạt vi phạm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người dân, góp phần xây dựng đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rõ, đối với hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền 2-6 triệu đồng. Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân và 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức.
 

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.