Các nước nghèo chật vật trả nợ

.

Cuộc khủng hoảng nợ công khiến các nước không còn tiền đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực; bảo đảm tất cả trẻ em được học tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng tốt, đầu tư chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Ghana đặt mục tiêu giảm một nửa khoản trả nợ nước ngoài trị giá 20 tỷ USD trong 3 năm tới. TRONG ẢNH: Một lớp học tại thành phố Cape Coast, Ghana. Ảnh: THX/Getty Images
Ghana đặt mục tiêu giảm một nửa khoản trả nợ nước ngoài trị giá 20 tỷ USD trong 3 năm tới. TRONG ẢNH: Một lớp học tại thành phố Cape Coast, Ghana. Ảnh: THX/Getty Images

Con số nợ công toàn cầu lên đến 92.000 tỷ USD trong năm 2022 được Liên Hợp Quốc công bố giữa tháng 7-2023 tạo ra nhiều quan ngại cho các nước nghèo và các nước đang phát triển vốn có thu nhập thấp và trung bình. Nợ công trở thành gánh nặng đáng kể cho những quốc gia này do thiếu tiếp cận về tài chính, lãi suất tăng, đồng nội tệ mất giá và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Khủng hoảng nợ công nghiêm trọng

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 3,3 tỷ người - gần một nửa nhân loại - đang sống ở các quốc gia chi trả lãi nợ nhiều hơn là khoản chi cho giáo dục hoặc y tế. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, các nước nghèo hiện gánh những khoản chi trả không tương xứng. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng này tập trung chủ yếu ở các nước nghèo nên không gây rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu. “3,3 tỷ người không chỉ là một rủi ro hệ thống, mà đó còn là một thất bại mang tính hệ thống”, ông Guterres nói.

Số quốc gia đối mặt với nợ công cao tăng mạnh từ 22 quốc gia năm 2011 lên 59 quốc gia vào năm 2022; có 36 quốc gia có nguy cơ cao rơi vào “cảnh ngặt nghèo”. “16 quốc gia khác đang trả lãi suất không bền vững cho các chủ nợ tư nhân và tổng cộng 52 quốc gia - gần 40% quốc gia của thế giới đang phát triển - hiện ở trong tình trạng nghiêm trọng về nợ nần”, ông Guterres nhấn mạnh.

Một phần nợ do các chủ nợ tư nhân nắm giữ; họ tính lãi suất cao ngất ngưởng đối các nước nghèo và các nước đang phát triển. Chẳng hạn, các quốc gia châu Phi trung bình trả tiền vay gấp 4 lần so với Mỹ và gấp 8 lần so với các nước giàu có nhất châu Âu. Ghana, Zambia và hàng chục quốc gia khác đang bên bờ vực vỡ nợ. Ghana đặt mục tiêu giảm một nửa khoản trả nợ nước ngoài trị giá 20 tỷ USD trong 3 năm tới. Song, đồng cedi ở quốc gia Tây Phi này đã mất hơn 50% giá trị từ tháng 1 đến tháng 10-2022, khiến nợ công tăng thêm 6 tỷ USD.

Trả nợ công và phục vụ người dân

Xét theo khu vực, từ năm 2010-2022, số nợ chính phủ đã tăng gần 4 lần ở châu Á và Thái Bình Dương; tăng gấp 3 lần ở châu Phi; tăng gấp 2,5 lần ở châu Âu và Trung Á; tăng gấp 1,6 lần ở châu Mỹ Latinh và Caribe. Cuộc khủng hoảng nợ công khiến các nước nghèo và các nước đang phát triển không còn tiền đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực; bảo đảm tất cả trẻ em được học tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng tốt, đầu tư chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Vì vậy, các nước này đứng trước lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc phục vụ người dân.

Nigeria dự kiến tăng dân số gấp đôi vào năm 2050, ngang với Mỹ - quốc gia có dân số đông thứ ba thế giới. Về phương diện tích cực, dân số ở Nigeria sẽ trẻ hơn, cung cấp lực lượng lao động cần thiết để đưa đất nước tiến lên, đặc biệt ở các lĩnh vực như công nghệ. Tuy nhiên, rủi ro là Nigeria không thể theo kịp nền giáo dục cần thiết cho một lượng lớn dân số trẻ như vậy.

Một phần nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng vọt xuất phát từ việc các chính phủ phải vay tiền nhiều hơn để ứng phó với những cuộc khủng hoảng như Covid-19. Tình hình nợ nần càng nghiêm trọng hơn sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, kéo theo giá hàng hóa và thực phẩm toàn cầu gia tăng. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu với hiện tượng thời tiết El Nino, hạn hán và lũ lụt cũng là thách thức không nhỏ với các nước.

Trung Quốc hiện là quốc gia chủ nợ lớn nhất đối với hơn một nửa trong số 73 quốc gia tham gia “Sáng kiến G20 hoãn thanh toán nợ” (DSSI). Sáng kiến này đã được các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thống nhất tại cuộc họp do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức vào tháng 4-2020, dự kiến giúp 73 nước được giãn nợ, với tổng trị giá 12 tỷ USD.

Liên Hợp Quốc vừa đưa ra một số biện pháp khắc phục khẩn cấp như: hình thành cơ chế xử lý nợ hiệu quả hỗ trợ tạm dừng thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn dành cho cả các nước thu nhập trung bình dễ bị tổn thương; tăng quy mô của nguồn tài chính dài hạn hợp lý bằng cách thay đổi cách thức hoạt động của các ngân hàng phát triển đa phương... Tất nhiên, “hành động sẽ không dễ dàng”, như nhận định của ông Guterres, nhưng “hành động là thiết yếu và khẩn cấp”. Nợ công không giống nợ thông thường. Một quốc gia vay mượn quá nhiều, vượt quá khả năng chi trả thì sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội của chính nước đó và có thể liên lụy tới sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

KHÁNH LINH (theo Business Insider, AP)

;
;
.
.
.
.
.