Đọc lại bài thơ 'Hải Vân hải môn lữ thứ' của Lê Thánh Tông

.

1. Giữa đại sảnh Bảo tàng Đà Nẵng có bức phù điêu mô tả hào khí ngút trời của Đại Việt trong cuộc bình Chiêm năm 1471. Có lẽ sự kiện năm Hồng Đức thứ nhất này là mốc lịch sử đặc biệt đối với Đà Nẵng nên Bảo tàng thành phố đặt phù điêu ở vị trí trang trọng nhất chăng?

Bức phù điêu mô tả hào khí ngút trời của Đại Việt trong cuộc bình Chiêm năm 1471. Ảnh: ST
Bức phù điêu mô tả hào khí ngút trời của Đại Việt trong cuộc bình Chiêm năm 1471. Ảnh: ST

Góc phải, trên bức phù điêu khắc hai câu thơ, phiên âm: “Tam canh dạ tĩnh đồng long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh lộ (*) hạc thuyền”.

Có nhiều bản dịch hai câu thơ này. Dịch giả Ngô Linh Ngọc: Gió ru thuyền Lộ canh năm/ Đồng Long đêm lặng, bóng trăng xế tà (Theo Viện Hán Nôm - Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (tổng tập), NXB Giáo dục 2003).

Còn bản dịch của Nguyễn Thiếu Dũng, Châu Yến Loan dẫn lại trong bài Hải Vân hải môn lữ thứ thì: Đồng Long vằng vặc trăng rằm/Con thuyền Lộ Hạc canh năm dập dềnh.

Trên tạp chí Sông Hương số 208, tháng 6-2006, trong bài Tư Dung hải môn lữ thứ (nhưng nội dung bài thơ là Hải Vân hải môn lữ thứ, có sự nhầm lẫn chăng?), hai câu này được dịch: Ba canh trăng tĩnh Đồng Long rạng/ Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung…

Nhiều người dịch khác nhau, nhưng tất cả các bản dịch đều cho Đồng Long và Lộ Hạc là địa danh nên khi dịch nghĩa rất lúng túng, nội dung không phù hợp với thông điệp của tác giả và sự thi vị của thể thơ cũng không níu giữ được.

Về Đồng Long, có người cho rằng vua Lê Thánh Tông đổi tên vịnh Vũng Thùng mà thành. Nhưng trong dân gian cũng như các sách có viết về địa chí từ thế kỷ XVI trở về sau như: Ô Châu cận lục, Đồng Khánh dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí… cũng không thấy nhắc đến địa danh này. Một vùng đất, vùng biển được vua ban danh mà người dân không dùng là điều thật vô lý.

Về danh xưng Lộ Hạc, các dịch giả đều cho rằng, đó là tên của một nước, nước đó có thuyền buôn đến buôn bán với Chiêm Thành (và Đại Việt?). Từ cách hiểu này, các nhà nghiên cứu đã nhọc công tìm tung tích nước Lộ Hạc. Nhưng các hướng tiếp cận đều không mang lại kết quả khả quan mà chỉ để lại những hoài nghi: Liệu từ thế kỷ XV Vũng Thùng đã là thương cảng? Trong bầu không khí chiến tranh ngột ngạt bao trùm, liệu có thương lái nước ngoài nào liều mạng đến Vũng Thùng trao đổi hàng hóa? Nếu không thì làm sao tác giả có được cảm xúc mô tả bức tranh sống động như vậy?

Vậy, ta phải tiếp cận nội dung bài thơ như bối cảnh ra đời của nó. Đoàn thuyền chiến đến cửa biển Hải Vân (Vũng Thùng) sau vài chục ngày lênh đênh trên biển. Bắt đầu chặng cuối trước lúc xáp trận, đoan quyết tâm trí nhà thơ - nhà vua - vị thống lĩnh cuộc chinh phạt không còn chỗ cho cảm xúc trăng sao, thuyền buôn dập dềnh sông nước mà tập trung cao độ động viên, cổ vũ nâng cao ý chí chiến đấu cho quân sĩ. Hải Vân hải môn lữ thứ là bài thơ xung trận, thơ đánh giặc.

2. Đại Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì được coi là quốc gia hưng thịnh. Tuy nhiên trong quan hệ bang giao với các nước láng giềng vẫn còn nhiều nút thắt. Phía Bắc nhà Minh thường xuyên cho quân áp sát biên giới quấy rối, xâm lấn. Phía Nam, Chiêm Thành liên tục tổ chức chiến tranh hòng giành lại những vùng đất mà các đời vua Chiêm trước đó đã dâng cho Đại Việt. Hơn 400 năm từ khi vua Chiêm Chế Củ dâng 3 châu Bố Chính, Địa Lỵ, Ma Linh cho Đại Việt đến cuối thế kỷ XV, có hàng trăm cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang lớn nhỏ giữa hai nước với mục đích tranh giành lãnh thổ. Quan hệ bang giao Đại Việt - Chiêm Thành trở nên tồi tệ hơn khi vua Chiêm Trà Toàn cấu kết với Đại Minh âm mưu tấn công từ hai phía Bắc và Nam hòng xóa bỏ Đại Việt và luôn có thái độ khinh thường, nhục mạ vua Lê, lăng nhục sứ giả Đại Việt. Trước tội ác trời không dung, đất không tha của Chiêm Thành, để nhân dân được yên bình xây nền độc lập, năm 1470 vua Lê Thánh Tông ban chiếu bình Chiêm, công khai trước bàn dân thiên hạ về lý do xuất quân lần này. “Trẫm thể lòng thượng đế, nối chí vua cha. Giết kẻ thù chín đời theo nghĩa Xuân Thu, định mưu kế vẹn toàn cho yên đất nước. Cứu muôn dân khỏi vòng điêu đứng, dẹp nước loạn đã trái đạo lâu năm. Đánh phản nghịch, cứu sinh dân, thánh triết phải tỏ bày uy vũ; trồng mầm nhân, nhổ cội ác, đất trời cũng lấy đó làm lòng”.

Để đảm bảo cuộc xuất quân thắng lợi, vua Lê “chọn hàng loạt tướng tài, đã mộ vô vàn quân giỏi. Tỷ hỗ vạn người, thuyền ghe ngàn dặm. Binh sĩ trăm lần dũng cảm, người người chỉ một quyết tâm. Ai cũng nắm tay nhau đua lên phía trước, tuân lệnh đợi lúc ra tay… Ra quân có danh nghĩa, phạm tội quyết không tha” (Chiếu bình Chiêm).

Những bài thơ viết trên đường ra trận cũng không ngoài mục đích động viên quân sĩ, củng cố niềm tin tất thắng vào cuộc bình Chiêm.

3. Hải Vân hải môn lữ thứ là 1 trong số 14 bài thơ vịnh các cửa biển (ngự chế các hải môn thi) trong Minh Lương cẩm tú thi tập của Lê Thánh Tông. Đây là bài cuối cùng vịnh các cửa biển trước lúc xông trận.

Phiên âm:

Hỗn nhất xa thư cộng bức viên
Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên
Tam canh dạ tĩnh đồng long nguyệt
Ngũ cổ phong thanh lộ hạc thuyền
Di lạc phụng thâm kỳ khoản tái
Khổn thần ái quốc xảo trù biên
Thử thần na đắc sinh hoàn hạnh
Cảm vọng Ban Siêu đáo Tửu Tuyền
.
(Sách đã dẫn - Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (Tổng tập)

Đây là bài thơ Đường thuộc thể “thất ngôn bát cú”. Nội dung bài sử dụng nhiều điển cố, điển tích biểu tượng nên việc tiếp cận không hề dễ dàng.

Hiểu nghĩa:

Câu mở đề: Hỗn nhất xa thư cộng bức viên. Xa là xe, thư là sách, chữ viết. Sách Trung Dung viết: Kim thiên hạ xa đồng quỹ, thư đồng văn, hành đồng luân. Ý muốn nói xã tắc đang thời thịnh, thiên hạ phải thu về một mối.

Hải Vân hoành giới việt nam thiên. Hải Vân là biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, là cửa ải để vượt vào Nam. (Đây là một cách nói, thực ra từ năm 1306 vua Chiêm Chế Mân cắt đất từ tả ngạn sông Thu Bồn trở ra cho Đại Việt làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa. Từ thời nhà Hồ, biên giới Đại Việt đã vào tận Cổ Lũy, Chiêm Động).

Hai câu tiếp (3 và 4): “Tam canh dạ tĩnh đồng long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh lộ hạc thuyền” được hiểu: Tam canh là ba đỉnh non cao (Hải Vân Sơn, Trà Sơn, Bà Sơn) như 3 ngọn giáo rẽ mây chọc trời giữa điệp trùng núi non, sừng sững đứng canh giữ cho rồng cuộn dưới trăng trong đêm thanh vắng. Đồng long nguyệt là biểu tượng đất nước Đại Việt hùng mạnh, vững bền. Bức tranh hòa quyện đất trời, núi non, biển biếc, như ảo, như thực, sống động hào khí non sông.

Cũng thấy, cặp “thực” nhiều bài trong Minh Lương cẩm tú thi tập, vua Lê Thánh Tông đề cập sinh khí từ hồn thiêng sông núi là nguồn lực to lớn của xã tắc. “Nhất thủy bạch toàn thiên tạm hiểm/Quần sơn thúy tụ thạch bình nguy” (Dòng nước đổ về trắng xóa tựa hào quang trời thật hiểm yếu/ Dãy núi tụ màu xanh biếc như bình phong đá rêu ngất cao bài (Bài Càn hải môn lữ thứ). Hay, “Liệt chướng huyền nhai thanh xúc xúc/ Kê thiên phách lãng bích trùng trùng (nghĩa là Vách núi dựng đứng nhấp nhô xanh ngăn ngắt/ Sóng vỗ ngất trời cuộn biếc trùng trùng” (bài Tư Dung hải môn lữ thứ).

Ngũ cổ phong thanh lộ hạc thuyền. Cổ là “hồi trống”. Ngũ cổ là 5 hồi trống (ý nói 5 triều đại: Triệu, Đinh, Lê (tiền Lê), Lý, Trần) vọng về thúc giục đoàn thuyền ra trận.

Hạc thuyền là thuyền của vua. Theo từ điển Hán Việt, lộ ở đây được hiểu là to lớn. Vua ở chỗ nào thì lấy sự to lớn làm hiệu, nên cửa nhà vua gọi là lộ môn, chỗ vua ngủ là lộ tẩm; lộ hạc thuyền là thuyền (chiến) vua ngự. Ý câu thơ truyền thống yêu nước được hun đúc suốt hàng ngàn năm lịch sử là nguồn lực tăng thêm sức mạnh, thúc giục đoàn quân xông trận.
Tiếp hai câu luận (5 và 6) giải thích vì sao nhà vua phải xuất binh bình Chiêm: “Di lạc phụng thâm kỳ khoản tái/ Khổn thần ái quốc xảo trù biên”.

Được hiểu, các đời vua Chiêm Thành trước cung kính dâng một phần lãnh thổ cho Đại Việt nhưng vua Trà Toàn lại quên mất điều đó, liên tục phát động các cuộc chiến tranh hòng đòi lại, gây biết bao đau thương, chết chóc. Vậy nên tướng sĩ, dân chúng Đại Việt vùng phên dậu phía vì nước mà phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh.

Hai câu kết: “Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh/ Bái vọng Ban Siêu đáo Tửu Tuyền” có nghĩa dù phải đến kiếp sau thì cũng phải trả cho được nợ nước. Tấm gương Ban Siêu phải mất hơn 30 năm để chinh phục 30 tiểu quốc ở Tửu Tuyền thật được ngưỡng vọng. Hai câu kết nêu rõ ý chí, quyết tâm của nhà vua, của Đại Việt phải trừng trị được kẻ thù truyền kiếp, mở mang bờ cõi, xây nền độc lập.

Dịch thơ: NGHỈ LẠI CỬA BIỂN HẢI VÂN
Nước thịnh non sông một dải liền
Hải Vân dang ải vượt trời Chiêm
Ba đỉnh non canh rồng chầu nguyệt
Ngũ triều trống giục hạc đẩy thuyền
Di hậu bất tòng tâm phản trắc
Tướng quân vì nước chí trinh kiên
Dẫu đến kiếp sau thù phải trả
Ngưỡng vọng Ban Siêu đến Tửu Tuyền
.

Thắng lợi của cuộc bình Chiêm năm 1471 là mốc chói lọi trong lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Với chiến thắng này, Đại Việt đã đánh sập thái độ thù địch, ý chí gây chiến giành đất, sự hung hãn của người Chiêm, có thêm một vùng lãnh thổ rộng lớn. Từ năm 1471, phên dậu phía Nam Đại Việt không còn sự quấy rối của Chiêm Thành, đất nước bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Chiến thắng này có dấu ấn, dù ít thôi, của thi ca, của Hải Vân hải môn hùng vĩ và thơ mộng.

TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH

 (*) Trên phù điêu tại Bảo tàng Đà Nẵng, chữ lộ được khắc 鷺 nghĩa là con cò. Cụm từ: con cò, hạc, thuyền không có nghĩa, vụng.
Trong tập Thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông (tổng tập) chữ lộ viết là 路 nghĩa là đường cái, đường đi lại, địa vị, phương diện, mặt hướng, vùng miền, đường lối, cách làm, phương pháp… và to lớn. (Vua ở chỗ nào lấy sự to lớn làm hiệu… như đã trình bày). Chữ “lộ” theo bản gốc của Viện Hán Nôm làm cho cụm từ mạnh mẽ, thôi thúc.

;
;
.
.
.
.
.