Cô giáo tôi

.

Một chiều mùa hè năm ấy, chiếc taxi Tiên Sa đỗ dưới chân cầu Thuận Phước - cây cầu bắc qua sông Hàn ở phía cuối dòng sông. Ông già xuống xe, trả tiền và dặn người tài xế gắng chờ vài chục phút rồi ông sẽ trở lại, cùng quay về. Để người tài xế yên tâm, ông trả tiền trước. Vai đeo chiếc ba lô nhỏ, ông lững thững lên cầu. Người tài xế sinh nghi, ra khỏi xe rồi lặng lẽ bước theo sau, giữ khoảng cách vừa phải, đủ cho ông không biết, và cũng đủ để ào tới can thiệp khi cần thiết. Đến giữa cầu, ông dừng lại, mở ba lô lấy ra chất bột gì đấy, miệng lâm râm khấn vái rồi rải xuống sông Hàn. Ông đứng lại hồi lâu, trầm ngâm, lặng lẽ, đăm chiêu nhìn xuống dòng nước trong xanh, sâu thẳm. Xong việc, ông vừa quay đầu thì chạm phải người tài xế ấy. Biết người tài xế suy đoán nhầm nên ông gượng cười, và nói: “Tôi còn yêu đời, anh đừng lo!”. Người tài xế thở phào nhẹ nhõm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông già kia là thầy Đỗ Nguyên - một người thầy khả kính của bao thế hệ học sinh Trường Quốc học Huế và Trường Nữ Trung học Hồng Đức - Đà Nẵng trước năm 1975. Thầy là chồng của cô giáo tôi - cô Lê Khắc Ngọc Khuê. Và chất bột mà thầy rải xuống dòng sông Hàn đó là tro cốt của cô!

Trong đời học sinh, chắc rằng mỗi người đều có kỷ niệm sâu sắc với một hoặc một số thầy cô, giáo, rồi hình ảnh các thầy cô ấy đọng lại sâu thẳm trong lòng mình. Cho đến nay, và chắc chắn là đến mãi về sau, tôi luôn nhớ đến cô Khuê. Trong tâm thức tôi luôn lắng đọng hình ảnh thân thương, trìu mến của cô.

Có lẽ các thầy, cô giáo và các bạn học sinh ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám những năm sau 1975, ai cũng biết cô Khuê. Dáng người mảnh khảnh, ốm yếu nhưng sức làm việc của cô thật là đáng kính nể. Môn địa lý ở nhà trường bấy giờ chỉ một mình cô giảng dạy. Cô đã “ôm” dạy tất cả các lớp và các khối lớp. Đặc điểm của môn học này là thầy cô phải nói nhiều, thao tác nhiều nên khó mà ngồi yên để giảng. Thế là cô cứ liên tục đứng trên bục hết giờ này đến giờ khác, hết lớp này qua lớp khác, hết buổi này qua buổi khác. Chúng tôi không hiểu trong cơ thể mảnh khảnh, ốm yếu ấy, sức lực ở đâu mà cô giảng dạy liên tục được như vậy, cháy hết mình với trang giáo án đến vậy! Nhà cô lại ở xa trường, hằng ngày cô đạp xe từ đường Phan Châu Trinh qua cầu Nguyễn Văn Trỗi hoặc qua phà ngang sông Hàn để đến lớp. Vào mùa mưa gió, bão lụt, chúng tôi lo ngại cô bị “qua cầu gió bay” như nghĩa đen của cụm từ này.

Do đặc điểm riêng của gia đình mà cô dành hết tình yêu thương cho chồng mình và cho học trò chúng tôi. Chủ nhiệm lớp tôi, cô ân cần, niềm nở, thương yêu chúng tôi như một người mẹ, người chị. Đặc biệt đối với các bạn có hoàn cảnh khó khăn, cô đều gần gũi, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Có lần vừa xong buổi học, cô gọi tôi ở lại, bảo đi theo cô. Cô dẫn tôi ra thẳng một quán ăn trên trên đường Ngô Quyền, gọi bún bò, bảo tôi ăn. Thì ra, cô rất tinh tế khi phát hiện tôi ngồi trong lớp học mà đói xanh mặt do không ăn sáng, bởi hoàn cảnh bấy giờ, tôi và không ít bạn học vẫn phải bữa đói bữa no. Mãi mấy chục năm sau khi chúng tôi ra trường, cô vẫn nhớ rõ tên tuổi, đặc điểm, tính cách riêng của từng đứa học trò ngày xưa. Lớp tôi có bạn Lê Phước Hội bị tật bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình quá chật hẹp. Trong khi đang điều trị bệnh nặng tại Sài Gòn, cô vẫn dành dụm gửi quà, gửi tiền về hỗ trợ đứa học trò cũ mấy mươi năm trước. Thế đấy, đối với chúng tôi, cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy người với tất cả tình thương yêu của cô.

Cô Lê Khắc Ngọc Khuê sinh năm 1938, xuất thân trong một gia đình trí thức có tiếng ở cố đô Huế. Chuyện tình yêu và kết hôn của cô đẹp đẽ vô cùng. Cô và thầy Đỗ Nguyên, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cùng học chung Khoa Sử - Địa Trường Đại học Sư phạm Huế, đã phải lòng nhau. Câu ca dao cổ như ứng với “cặp đôi” này: Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành…

Cùng ra trường năm 1963, qua vài thay đổi ban đầu thì thầy về dạy tại Trường Quốc học Huế, còn cô về dạy tại Trường Nữ trung học Đồng Khánh. Đó là hai ngôi trường trung học không chỉ nổi tiếng ở Huế mà còn ở cả miền Nam. Năm 1968, thầy cô cùng chuyển về dạy tại Trường Nữ trung học Hồng Đức, Đà Nẵng (địa điểm ngày nay là Đại học Đà Nẵng, đường Lê Duẩn). Sau 1975, cô chuyển về dạy tại Trường Trung học Hoàng Hoa Thám cho đến lúc nghỉ ngơi.

Là một trí thức gốc Huế nhưng cô chọn đất Đà Nẵng là quê hương thứ hai, bởi ngoài nghĩa tình chồng vợ, cô còn gắn bó với bao thế hệ học trò và đồng nghiệp ở hai trường Nữ Trung học Hồng Đức và Đông Giang - Hoàng Hoa Thám. Và vì thế mà trong di chúc, cô đề nghị thầy Đỗ Nguyên rải tro cốt xuống dòng sông Hàn, dòng sông mang tính biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.

Cô tôi đi xa hơn mười năm rồi, trong căn nhà nhỏ đầy sách vở trên một con hẻm ở đường Hải Phòng, thầy Đỗ Nguyên vẫn ở đó, một mình. Khi cô tại thế, bạn bè, đồng nghiệp, học trò rất ngưỡng mộ tình nghĩa vợ chồng sắt son của thầy cô. Ở đâu, lúc nào, thời điểm nào, thầy cô cũng có đôi có cặp. Giờ đây, ngôi nhà thật trống vắng, thầy chỉ sống một mình. Thỉnh thoảng các thế hệ học trò cũ của cô, của thầy đến thăm hỏi, chuyện trò vui vẻ nhưng làm sao lấp được khoảng trống thiếu vắng cô trong lòng thầy, nhất là mỗi khi chiều xuống, đêm về.

Đến ngày giỗ cô hằng năm, bao giờ thầy cũng sắm một lọ hoa hồng thật đẹp - loại hoa mà sinh thời cô rất yêu thích. Dòng chữ trên lọ hoa luôn gắn chữ “thương nhớ”, và cứ thế, “Chín năm thương nhớ”, rồi “Mười năm thương nhớ”, rồi “Mười một năm thương nhớ”… Gần đây, đến dự ngày giỗ cô, bất chợt tôi băn khoăn, lo lắng, rằng dòng chữ thương nhớ, nhớ thương trên lọ hoa kia rồi sẽ dừng lại lúc nào khi mà năm nay thầy đã gần 90 tuổi, bệnh tật bủa vây. Thương cô và cũng rất thương thầy!

Chiều nay, sau khi đến thăm và chuyện trò hồi lâu với thầy, tôi ra về và qua cầu Thuận Phước, dừng lại thả những cánh hoa tươi xuống nơi đầu biển cuối sông này gửi đến cô Lê Khắc Ngọc Khuê - người cô mà suốt đời tôi mang ơn sâu nghĩa nặng. Cầu mong cô thanh thản nơi suối vàng và phù hộ cho thầy bình an nơi dương thế…

NSND HUỲNH HÙNG
Đà Nẵng, mùa hè 2023

;
;
.
.
.
.
.