Lễ hội Bà Phường Chào và học trò lễ toàn nữ

.

* Tôi có lần về dự Lễ hội Bà Phường Chào ở làng Khương Mỹ thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, thấy một điều rất lạ: ở đây học trò lễ đều là nữ chứ không phải là nam như các nơi khác. Mong quý báo giải thích về điều này. (Trần Quang Tuấn, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Học trò dâng lễ ở Lễ hội Bà Phường Chào đều là những thanh nữ đức hạnh trong làng. Ảnh: V.T.L
Học trò dâng lễ ở Lễ hội Bà Phường Chào đều là những thanh nữ đức hạnh trong làng. Ảnh: V.T.L

- Theo thần phả, Bà Phường Chào tên thật là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25-2 năm Cảnh Thịnh thứ tám (1800) tại làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái; nay là thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường. Báo Văn hóa điện tử (baovanhoa.vn) dẫn truyền thuyết, cho biết Bà Phường Chào là vị thiên tiên giáng trần, lớn lên hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Nhờ Bà mà xóm vạn ghe ở châu Phiếm Ái bên sông Vu Gia trở nên sầm uất, hưng thịnh. Dân làng ngưỡng vọng oai linh, lập dinh thờ Bà, gọi là Dinh Bà Phường Chào. Sau 17 năm ở trần gian, Bà tạ thế, hồn chu du khắp bốn phương trời, hiển linh để giúp dân.

Đức Bà hiển linh tại đất Phường Chào, dân làng tin tưởng, ngưỡng vọng oai linh của Bà nên lập miếu thờ. Bà Phường Chào được triều đình nhà Nguyễn phong sắc thần 2 lần. Năm Thành Thái thứ 6 (1894), Bà được triều đình sắc phong thần với mỹ hiệu “Trai thục Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần”. Đến năm Khải Định thứ 4, Bà được thăng từ “Trung đẳng thần” lên

“Thượng đẳng thần”.

Về sau, dân làng chọn ngày 25-2 âm lịch để tổ chức Lễ cúng Bà Phường Chào, nay là một nghi thức quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Bà Phường Chào. Cụ Lê Văn Huy, năm nay hơn 90 tuổi, người làng Khương Mỹ cho biết, lúc sinh thời, Bà là cô gái đẹp, thích mặc vải lụa điều, ưa vỗ về, nô giỡn, ca múa với trẻ em, thích hát bội và thích đua ghe, lại hay chữa bệnh cứu người. Nên ở lễ cúng Bà, học trò dâng lễ đều là những thanh nữ đức hạnh. Nếu là học sinh ở các trường thì làng sẽ gửi giấy xin cho các cháu nghỉ học để dự lễ tế Bà trong hai ngày diễn ra lễ hội.

Hiện ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, cũng có miếu thờ Bà Phường Chào. Theo các cụ cao niên ở đây thì miếu được xây dựng từ thời Tự Đức. Cho tới ngày nay dân làng vẫn còn lưu truyền câu chuyện bà Phường Chào “đốt chợ” như một minh chứng cho sự oai linh của người Mẹ xứ sở…

Tháng 9-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2730, theo đó, Lễ hội Bà Phường Chào (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sáng ngày 6-4-2021 (nhằm ngày 25 tháng 2 âm lịch), UBND huyện Đại Lộc tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Bà Phường Chào. Diễn văn của Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc tại buổi lễ cho biết, Lễ hội Bà phường Chào ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân đất Quảng, phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước bình dị về cuộc sống an lành, no đủ. Lễ hội còn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc Việt và là điểm tựa tâm linh vững chắc trong tâm thức của người dân, tạo nên sự cố kết cộng đồng, sự kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa phi vật thể.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.