Trên đất Đà Nẵng, có lẽ ít nơi nào như Nam Ô, một vùng đất có đến 7 di tích lịch sử cùng lúc được xếp hạng cấp thành phố - điều mà các vị cao niên mỗi khi đón khách phương xa đến tìm hiểu về cái hay của làng mình lại nở nụ cười lên lão đầy tự hào: Nam Ô thất bảo!
Ngọc cốt cá Ông được lưu giữ tại Lăng Ông (ảnh trái), bên cạnh là Giếng Lăng được tái tạo từ năm Bảo Đại thứ chín (1934). Ảnh: V.T.L |
Làng Nam Ô nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - nơi mà một nhà nghiên cứu đánh giá là “trung tâm di sản văn hóa của Liên Chiểu”. 7 báu vật mà các cụ gọi là “Nam Ô thất bảo” bao gồm các công trình lịch sử, thiết chế văn hóa, gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tâm linh từ bao đời nay của người dân làng chài: Đình Nam Ô, Lăng Ông, Dinh Âm linh (dân gian gọi Dinh Cô hồn), Nghĩa trủng Nam Ô, Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu Bà Bô Bô, Giếng Lăng.
“Nhà Nam Ô học” Đặng Dùng, người tự nhận là “gạch nối” giữa các thế hệ sinh vào những năm 30 thế kỷ trước với thế hệ trẻ hôm nay, cho biết làng Nam Ô rộng chưa tới 1,5km2 nhưng có tới gần 10 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, đình Nam Ô được xem là một trong số ít các di tích còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa truyền thống ở Liên Chiểu. Theo các cụ cao niên làng Nam Ô, ban đầu đình Nam Ô được xây ở mé Nam gành đá Nam Ô, tục gọi là Hòn Phụng, có mõm núi nhô ra vũng Trà Sơn (vịnh Đà Nẵng) dân làng quen gọi là Mũi Hạc. Đình lưng dựa hướng Tây mặt quay về hướng Đông trên một địa trạch có phong thủy tốt đẹp, trước mặt là vũng Trà Sơn đã bị Mũi Hạc nhô ra che khuất hết một nửa, êm đềm lung linh nước đầy lai láng, đêm đêm trăng rọi, sao rơi. Bên hông đình là rừng cây cổ thụ ngàn năm xào xạc vi vu.
Tương truyền, xưa có một vị thượng quan ghé qua, cảm kích vẻ đẹp của làng đã ứng tác một bài tứ tuyệt, được các cụ cho chép lên vách đình: Trác phụng hàm châu bán nguyệt hình/ Án tiền đường lộng khởi tam tinh/ Triều lai ngũ thủy trừng thanh bạch/ Văn võ đinh tài thạnh phát minh. Tác giả ví ngôi đình như một viên ngọc châu trong hàm con chim phụng giữa vùng vịnh Đà Nẵng có hình bán nguyệt. Tiền đường nhìn ra hướng biển, đón những đợt thủy triều xanh trong (nên) tráng đinh trong làng phát cả về nghề văn lẫn nghiệp võ.
Thời xưa, vịnh nước trước đình vừa là bến đậu ghe của làng vừa là chỗ các thuyền quan binh ghé tạm dừng chân chờ qua cơn loạn lạc. Đây cũng là nơi thương lái ghe bầu xuôi nam ngược bắc cập bến để lấy gạo củi thực phẩm, nước ngọt trong những giếng Chàm cổ ở làng cho chuyến hải hành dài ngày.
Có điều, do nằm ngay “họng bão” nên về sau đình bị cơn bão năm Mẹo (Ất Mão - 1915) đánh sụp, dân làng dời về địa điểm hiện nay, tổ dân phố 37 Nam Ô 1. Vị trí mới này nằm sát bến sông Nam Ô, tiện việc giao thông đường thủy, nên đình được nhiều tao nhân mặc khách các nơi ghé thăm. Ký ức nhiều người dân Nam Ô vẫn còn lưu giữ một nơi có tên là Cồn Trò cách không xa đình làng. Gọi thế, bởi đây là nơi dừng chân của sĩ tử vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) trước khi băng qua đèo Hải Vân để ra ứng thí tại trường thi Thừa Thiên.
Nếu đình Nam Ô bước sóng đôi với Cồn Trò đi vào lịch sử làng Nam Ô thì Lăng Ông, Giếng Lăng và Dinh Âm linh làm thành một “bộ tam” bên bãi biển. Theo người xưa truyền lại, Lăng Ông Nam Ô được dựng trên đền thờ Hải thần của người Chăm. Lăng thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần (hay còn gọi là thần Nam Hải - cá ông), được sắc phong vào thời Gia Long phục quốc đầu thế kỷ XIX. Tương truyền đó là sự “đền ơn đáp nghĩa” của Gia Long khi nhà vua bôn tẩu đã được Ông Ngư (cách gọi trọng thị của người dân Nam Ô đối với cá Ông) cứu giúp. Sát bên lăng có một giếng cổ hình vuông bằng đá, gọi là Giếng Lăng, là hiện vật Chăm còn sót lại, nước giếng đến bây giờ vẫn ngọt lành, trong mát.
Kề ngay phía bắc Lăng Ông là Dinh Âm linh, nơi tưởng niệm các nghĩa sĩ tuẫn vong trong trận đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng năm 1858. Hài cốt của của hàng ngàn dân binh, nghĩa sĩ “vị quốc vong thân” trong trận chiến khốc liệt năm xưa đã được an nghỉ tại Nghĩa trủng Nam Ô.
Cách Dinh Âm linh chừng một cây số về phía gành Nam Ô có Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ Mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, lưu giữ các giá trị văn hóa - lịch sử nơi phía nam núi Hải Vân. Cách đó không xa là Miếu Bà Bô Bô có niên đại trên 150 năm, hiện vẫn còn nguyên 6 sắc phong quý giá từ triều Nguyễn. Theo nhận định của ông Đặng Dùng, cách thờ tự ở miếu thể hiện tính cộng cư của hai dân tộc Chăm - Việt trên vùng đất còn lưu giữ nhiều vật thể và văn hóa tín ngưỡng mang yếu tố Chăm; thể hiện tinh thần hòa nhập trân trọng tín ngưỡng bản địa trên vùng đất mới của người Việt.
Với những giá trị đó, 7 di tích trong cụm di tích lịch sử Nam Ô được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố tại Quyết định số 4569/QĐ-UBND ngày 27-11-2020 của UBND Đà Nẵng. Theo đánh giá của ngành văn hóa, 7 di tích trong “Nam Ô thất bảo” mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử rõ nét, là sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Mỗi di tích minh chứng cho những thời kỳ lịch sử khác nhau của vùng đất Nam Ô nói riêng và Đà Nẵng nói chung trong diễn trình Nam tiến của dân.
Từ năm 2021, Đà Nẵng triển khai một số dự án quan trọng trong danh mục công trình động lực trọng điểm để đầu tư và tạo điểm nhấn phát triển thành phố, trong đó có việc công trùng tu tôn tạo 7 di tích lịch sử ở Nam Ô nói trên với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Đến nay, các di tích của “Nam Ô thất bảo” đã được trùng tu khang trang, bề thế, tạo điểm nhấn lịch sử - văn hóa cho một vùng đất và là tiền đề để phát triển du lịch địa phương trong tương lai.