Nguy cơ lạm phát giá gạo toàn cầu

.

Việc Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - ngừng xuất khẩu hầu hết các loại gạo trắng để hạ nhiệt giá trong nước là cú sốc đối với thị trường lương thực thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, giá gạo ở các nước vốn đã tăng cao trong 11 tháng qua có thể tăng hơn nữa.

Năm 2022, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt 22,2 triệu tấn. Ảnh: THX/Getty Images
Năm 2022, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt 22,2 triệu tấn. Ảnh: THX/Getty Images

Động thái mới nhất của chính phủ Ấn Độ kết hợp với lệnh hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường trước đó sẽ ảnh hưởng đến một phần lớn thương mại toàn cầu. Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó khu vực châu Á tiêu thụ nhiều nhất.

Xếp hàng mua gạo

Người tiêu dùng tại nhiều quốc gia cảm thấy lo lắng, nhất là ở những nước có đông người dân Ấn như Mỹ, Canada và Úc. Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy dòng người xếp hàng bên ngoài các tiệm bách hóa để mua gạo và các kệ bày bán gạo tại siêu thị hay cửa hiệu đều hết sạch mặt hàng này.

Tại nhiều vùng ở Mỹ, giá một túi gạo hơn 9kg đã tăng gấp 3 lần. Nhiều tiệm bách hóa hạn chế số lượng túi gạo mà khách hàng có thể mua. Một người dùng trên Twitter (nay là X) chia sẻ một bức ảnh trong đó một cửa hàng ở Mỹ niêm yết thông báo: “Mỗi gia đình chỉ được mua một túi gạo”.

Một số NRIs (người Ấn Độ không thường trú chính thức) ở Mỹ cũng chia sẻ hình ảnh các kệ hàng trống rỗng. “Tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo của chính phủ Ấn Độ tại Mỹ. Không còn túi gạo nào. Tình hình khá giống nhau ở tất cả các cửa hàng tại đây”, một người dùng Twitter (X) đăng tweet kèm theo hình ảnh các kệ trống.

Trong khi đó, một số cửa hàng bách hóa Nam Á tại thành phố Toronto của Canada cũng thực hiện hạn chế mua hàng và tăng giá bán lẻ, theo trang CityNews.

Shishir Shaima, quản lý cửa hàng bách hóa Ấn Độ MGM Spices ở Surrey Hills thuộc thành phố Melbourne của Úc phát biểu với hãng tin Bloomberg: “Trong vài ngày qua, mọi người bắt đầu mua gạo với số lượng có thể gấp đôi bình thường. Vì vậy, chúng tôi phải hạn chế số lượng”. Cửa hàng này hiện chỉ bán cho mỗi người một túi gạo 5kg.

Tác động đến hàng triệu người

Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, vốn đạt 55,4 triệu tấn vào năm 2022. Riêng trong năm 2022, xuất khẩu gạo của quốc gia Nam Á này đạt 22,2 triệu tấn, xuất sang hơn 140 nước, như Iran, Saudi Arabia, Benin, Nepal, Mỹ… Vì vậy, Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo, lệnh cấm sẽ đẩy hàng triệu người rơi vào tình trạng thiếu ăn do giá gạo tăng cao.

Lệnh cấm của Ấn Độ được đưa ra trong lúc thế giới phải xoay xở với vấn đề an ninh lương thực. Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, có đến 783 triệu người thiếu ăn trong năm ngoái - hậu quả của xung đột, Covid-19 và biến đổi khí hậu. Chỉ trong tuần trước, giá lúa mì đã tăng 13% và ngô tăng 9% sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Thực tế, Ấn Độ đang ứng phó với tình trạng lạm phát khi giá nhiều loại lương thực, hoa quả và rau củ tăng vọt. Theo Bộ Lương thực Ấn Độ, giá gạo bán lẻ tại thủ đô New Delhi đã tăng 15% trong năm nay, trong khi giá trung bình cả nước tăng 8%. Đó là chưa kể do mưa lớn kéo dài ở nhiều khu vực nên giá cà chua tại New Delhi tăng hơn 5 lần kể từ đầu năm 2023.

El Nino gây đảo lộn ngành trồng lúa

Khi phân tích nguyên nhân gây đảo lộn ngành trồng lúa, các chuyên gia cho rằng, thời tiết nóng hơn, khô hơn do hiện tượng El Nino xuất hiện sớm hơn bình thường sẽ tác động lớn đến việc sản xuất lúa gạo ở khắp châu Á, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu. Hiện tượng El Nino xảy ra 3-7 năm một lần, là hiện tượng ấm lên bất thường ở phía đông Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến thời tiết theo mùa trên toàn cầu.

Elyssa Ludher thuộc chương trình Biến đổi khí hậu Đông Nam Á tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Singapore, cho biết: “Tác động toàn diện đến năng suất nông nghiệp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hiện tượng El Nino. Nhưng thách thức là nó đang đến cùng với các sự kiện khí hậu và địa chính trị khác vốn đã gây tổn thất sản xuất và gián đoạn nguồn cung… nên thật đáng lo ngại”.

Nese Sreenivasulu tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ở Philippines nhận định: Châu Á thực sự là vựa lúa toàn cầu, là trung tâm của vấn đề an ninh lương thực dựa vào lúa gạo. “Nếu chúng ta không thể quản lý cả năng suất lẫn chất lượng khi đối mặt với các mối đe dọa khí hậu, chẳng hạn như El Nino, thì sẽ tạo ra các vấn đề về an ninh lương thực trên toàn thế giới”, vị chuyên gia này nói.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế gia trưởng của IMF cho rằng, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực, gây ra tác động tương tự như việc Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao.

Nếu cuối năm nay thu hoạch tốt, chính phủ Ấn Độ có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Hiện quốc gia Nam Á có hơn 1,4 tỷ dân này ưu tiên tối đa kiểm soát lạm phát, nhất là trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

KHÁNH LINH (theo Telegraph, CNBC, Reuters)

;
;
.
.
.
.
.