Mưa diệp lục

.

Hồi tôi mười ba tuổi, vài tháng sau khi má tôi vắn số qua đời, hình như ông ngoại có ghé qua nhà ở lại với cha con tôi chừng tuần lễ. Mong bạn không quá khó chịu với từ “hình như”, ghé là ghé không là không, chừng ấy ngày cũng chẳng phải là chóng vánh thoáng qua, sao lại dùng một tổ hợp biểu thị sự phỏng đoán, ngờ ngợ? Chuyện đã xảy ra, đã xảy ra, không phải sao? Nhưng tôi có lý do của mình: ông ngoại tôi là một chuyên gia chỉnh sửa ký ức.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Duy nhất điều đó tôi chưa từng một lần ngờ vực, dù chỉ nghe ông kể, chưa thực chứng lần nào. Ngay từ ông xuất hiện tôi và cha đã thấy kỳ lạ, ông ngoại hoàn toàn không giống như những gì má tôi mô tả (một kẻ nghiện cờ bạc, không ngày nào không say xỉn, coi chuyện đánh vợ con là thú vui, trút bọn má những nắm đấm những cú lên gối tàn độc, và hết thảy thứ gì có thể gây sát thương: những đòn gánh, tô sành, đũa bếp; ông thường bỏ đi đâu đó vài ba bữa nhưng khi quay lại còn hung hãn, nhẫn tâm hơn. “Người cha như vậy, thật không đáng nhớ tới”, má tôi nói. Và thật là má không nhớ ông, những năm tháng ông ngoại tôi biệt dạng, má cực kỳ thanh thản). Giờ người đang ở trước mắt, khó tìm thấy dù là phảng phất bóng dáng kẻ cục súc ấy ở một người đàn ông trung niên có cái khung xương thanh mảnh như thể của phụ nữ, cườm tay ông nhỏ quá mức, những ngón dài hơi xanh, nhiều ẩm, tuyệt đối không phải đôi tay của người hay dùng nắm đấm. Tóc ông xoăn nhẹ trễ nãi buông xuống trán, hàng răng trên hơi hô, một chút thôi, nó không phá vỡ đường nét trên khuôn mặt thuôn nhỏ, mà còn khiến ông mang nét gì thơ trẻ, mỗi khi ông cười (tôi nhớ ông đã cười khi tôi nói sau này muốn làm người chỉnh sửa ký ức, như ông). Dù những ngày ở lại với bọn tôi, ông không cười mấy. Như thể cơ mặt ông chưa lấy lại được cảm giác sau khi thắp nhang cho má tôi, thời khắc nỗi đau hóa thạch ông từ bên trong (ông đã vịn tay vào mép bàn thờ tang vài ba phút). Bó cơ trên má trái ông giật dữ dội, sau đó thì phẳng lặng khó tả, như ông không còn điều khiển được nó. Bao nhiêu đó khiến tôi tin chắc con người xa lạ kia là ông ngoại mình, ngay lập tức. Cha tôi cũng không chút nghi ngờ, dù vẫn mắc kẹt giữa con người nhã nhặn trước mắt và con người tệ bạc trong lời kể của vợ - kẻ thậm chí không về dự đám cưới con mình vì chủ nợ chực chờ. Cảm thấy đón tiếp vị khách này hờ hững thì không nỡ, mà thân tình quá lại phản bội vợ mình, cha tôi trốn luôn ngoài tiệm bida. Như cách cha tránh né tôi những lần tôi cố nhắc nhớ người mẹ đã qua đời.

Hồi đó bất cứ gì liên quan tới người mẹ (mà tôi không còn hình dung ra gương mặt nếu không nhìn vào di ảnh) tôi cũng vơ lấy, thấm hút hết thảy vào mình. Huống chi ông ngoại tôi là người nắm giữ một quãng đời của má, phần mà tôi bỏ lỡ. Tôi bám dính ông, hy vọng má lại chuyển động trong chuyện kể về bà (chuyện gì cũng được), hỏi ông những câu mà sau này tôi nhận ra ấy không phải hỏi, là hắt axit loãng vào. Ngoài trời mưa trùng điệp, bít bùng, dày không cách nào xuyên thấu, sắc mưa như lẫn máu rêu. Rồi ông ngoại kết thúc cuộc săn đuổi mệt nhoài bằng một ảnh hình lướt qua màn hình vô tuyến, “thằng cha đó, có lần ta đã sửa ký ức cho”. Ngay lập tức tôi, một đứa con nít, lạc khỏi cái bóng nhợt của má, bao tâm trí dồn vào miếng mồi nhử lạ vị. Quá khứ khó mà chỉnh sửa, nhưng ký ức thì dễ thôi, ông ngoại tôi nói. Không biết làm cách nào (ước gì tôi biết), nhưng trong cách ông mô tả, tôi hình dung ký ức hiện hữu như một thứ vật chất ta có thể chạm vào, rút rỗng và làm đầy lại, cắt nối, chạm khắc, tẩm ướp mùi vị, áp vào những bộ lọc màu, sống động hóa nó bằng chi tiết, thật nhiều chi tiết.

Thứ đó thì công phu, tốn nhiều tâm sức nhất. Tay nghề cao hay không, khéo hay không là ở chi tiết, người chỉnh sửa ký ức không thể nào sống hời hợt, qua loa. “Không ít khách đòi ta cho họ được trôi một lần trong đời, nhờ chi tiết mà mỗi người trôi mỗi kiểu. Trôi đi đâu hả? Tức cười, hồi gặp người đầu tiên đưa ra yêu cầu ấy, ta cũng hỏi câu y vậy, nhưng thằng cha lái tàu hỏa đó cộc lắm, chả vặc luôn, trôi thì là trôi thôi, nơi chốn quan trọng mẹ gì”.  Lại có kẻ mang quá khứ nổi trôi muốn rút rỗng quãng đời thương hồ cho rồi, bởi “hễ còn nhớ là còn thấy mình bong ra khỏi chồng con, ruộng rẫy”.

Những vị khách kiểu vậy không thường xuyên, ông ngoại nói, ông chẳng kiếm được mấy tiền từ họ, bù lại họ khiến ông hứng thú làm nghề, sau những ngày bạc rạc chỉnh sửa ký ức người giàu, người danh tiếng - những người không muốn mình giết con kiến con sâu, nhân cách hoàn hảo đến tận tế bào, chẳng chút nào tì vết. Mớ ký ức được sửa phẳng phiu với sắc hồng, xanh lơ và thơm nức mùi nước hoa được chưng cất kỹ, nhưng ông không lần nào muốn ngắm lại tác phẩm của mình. Nhận tiền xong là xong. Sáng nào thức dậy, như ông kể, ông cũng mong hôm nay có một người đưa ra một yêu cầu trái khoáy. Như người đàn ông mặt rõ là mất ngủ thâm căn, rên lên ngay khi chưa vào cửa, rằng làm ơn, cách nào đó, cho tôi được một lần ở bên lề mọi thứ, kể cả chính mình, tôi phát chán chuyện tính coi theo phải phe nào giữa trưởng phòng với phó ban, ở nhà thì cuộc chiến vô giữa vợ tôi với bà già. Như một cậu thợ sửa bếp gas dạo, ước phải chi cậu từng cho ai vay món nợ vớ vẩn nào. Khách của ông ngoại tôi, như ông kể, không phải là không có người muốn lọc bỏ những ký ức đẹp đẽ đi, như nhà giàu lụn bại nọ bảo họ phải quên những xa hoa quá vãng mới chống chọi nổi tháng ngày trước mặt. Hay một cô tới khóc, nói sao cho cô quên được đứa con - khúc ruột của cô bị nhà thổ giữ lại bên kia biên giới. Cô đã thử mọi cách: khóc, học thiền, làm lụng kiệt lực cho não mụ mị đi khỏi phải nghĩ gì, nhưng nỗi nhớ con không ngừng tra tấn cô dù là giây phút.

Tôi nhớ khi nghe chuyện, đã tự hỏi không biết ở cõi nào đó, má có muốn lãng quên tôi? Nếu bà cầm cự không nổi thì khỏi nhớ tôi cũng được (và chỗ trống tôi được thay bằng một cây điệp, hệt như cô nọ nói khi ông ngoại tôi hỏi khách muốn lấp đầy lõm ký ức mất đi bằng gì. Một cái cây chồm mình ra sông, mỗi mùa bông nước nhân đôi sắc đỏ), riêng tôi thì muốn nhớ má không thôi. Một người chết đi chỉ còn trong hồi ức người ở lại, đến thứ đó cũng mất, lấy gì chứng minh họ đã từng tồn tại ở thế giới này. Tôi nhớ mình nói với ngoại lời ấy, nhưng cũng ngờ mình đã chỉnh sửa nó, một đứa trẻ ở tuổi mười ba không thể nói như một kẻ trải đời (dẫu sao trong tôi có lẫn chút máu của một bậc thầy chỉnh sửa ký ức, người đã bóc tách, lọc không còn chút rễ nào, và gieo lại trên khoảng trắng ấy những ký ức khác, tinh xảo như thật). Nhưng tôi không nhớ chính xác mình đã nói gì khi ấy, mà ông ngoại tôi mặt lộ vẻ thê lương, trầm giọng như thể đang tuyên một bản án cho đứa cháu nhỏ (và không tin là nó hiểu, ở tuổi đó).

“Nhớ là tự cầm tù mình trong nó”

“Kệ, có sao”, tôi nói, dõng dạc nhận lấy phần số mình. Tuyệt đối tôi không chạy trốn như một tù nhân mang án chung thân mà ông ngoại tôi từng gặp, kẻ thèm thoát khỏi còng tay, buồng giam, bộ đồ kẻ sọc dù chỉ khoảnh khắc, bằng cách nhờ ông thợ xóa trắng ký ức đi, bôi hết đừng để lại gì. Chỉ mất trí mới tuyệt đối tự do, người nọ tin vậy.

Ông ngoại tôi đã từ chối, nghĩ quyền ân xá vốn không phải của mình, dù xóa trắng ký ức không chừa lại chút gì đơn giản như lau một mặt bàn váng bụi. Nó không phải là tác phẩm. “Dễ quá có gì vui”, ông nói. Nhưng khó đến mức chịu thua ông cũng nếm trãi rồi, chính là bà mẹ muốn quên con dạo trước. Chưa đầy nửa năm sau, cô ta quay lại, nói có lần khỏa thân ngắm mình trong gương, cô nhìn thấy đường sọc nâu từ xương ức chạy dọc xuống băng qua rốn chia đôi bụng dưới, lòng cô cứ nhói lên vài phác họa mơ hồ, rồi một hình hài đứa trẻ nổi khối lên, mỗi ngày thêm phần sống động, nó có thể cựa quẫy, cô ngửi được mùi sữa lẫn với tinh dầu tràm khắn vào vãy cứt trâu trên tóc nó, ngửi được mùi phân chua chua trong tã, và một khuya cô thấy đứa trẻ khóc oặt trên tay mụ chủ chứa, đổ người về phía cô đòi bồng. Cô hỏi ông ngoại tôi, liệu đứa nhỏ còn trở đi trở lại bao nhiêu lần nữa?

Tôi cũng tò mò muốn biết, sau này bà mẹ nọ còn trở lại tìm ông? Nhưng từ lần về thăm đó ông ngoại tôi không ghé qua thêm lần nào nữa. Tháng bảy năm nào cũng mưa, chỉ là trong nước không lẫn diệp lục như những ngày mưa mà tôi nhớ, khi ngồi đâu đó nghe ông ngoại rì rầm bằng chất giọng đầy hơi ẩm. Chính sắc mưa làm tôi ngờ ngợ rằng ký ức này bị chỉnh sửa hay gì rồi.

Tôi vẫn nhớ má không chút nào đứt quãng (riêng phần ký ức về má, tôi tin ông ngoại không động vào, nhưng liệu đó có phải ký ức gốc mà tôi từng có?). Cha tôi thì qua lại với người đàn bà khác ngay khi mãn tang. Tôi không tủi thân lắm khi ấy, cũng không chống đối người mà sau này mỗi năm tươm tất làm giỗ má tôi, mua băng vệ sinh cho tôi (dù đã sinh thêm ba đứa con cả trai lẫn gái) và hôm cưới tôi cũng bà khóc nức nở đưa dâu. Hồi đó tôi tin chắc là ông ngoại đã làm gì đó với ký ức cha tôi, (có thể của tôi nữa, biết đâu) vào cái đêm trước khi ông ra đi, lúc gần sáng, ông đã đứng ở cửa phòng bọn tôi, cái bóng in khằn lên nền nhà một lúc, chỗ đó sau này thường có rêu.

NGUYỄN NGỌC TƯ

;
;
.
.
.
.
.